Bắt nhịp giảng đường

Cập nhật, 12:14, Thứ Sáu, 07/10/2016 (GMT+7)

Học ĐH là tự học! Hiện nay, tất cả các trường đều đào tạo theo tín chỉ thì việc tự học của sinh viên (SV) càng được nâng cao. Tuy nhiên, việc bắt nhịp giảng đường để tích lũy kỹ năng, kiến thức là chuyện không nhỏ nhưng không phải SV nào cũng làm được.

Nhập học mới chỉ là bước đầu trên đường đến giảng đường.
Nhập học mới chỉ là bước đầu trên đường đến giảng đường.

Tự học là gì?

Tự học là tự lên thời khóa biểu, học bao nhiêu môn, học những môn gì, học vào lúc nào? Đối với những trường ĐH lớn, ngoài việc tự chọn thời khóa biểu, SV còn được chọn giảng viên. 

SV Đặng Thị Huỳnh Như- Trường ĐH Cần Thơ cho biết: “Mình đã bước sang năm thứ 2 mà còn lúng túng trong đăng ký môn học, chọn giảng viên”.

Trường ĐH Cần Thơ cho SV đăng ký môn học trực tuyến trước mỗi học kỳ, đối với các tân SV thì học kỳ đầu tiên, trường sẽ sắp sẵn lịch học cho các em.

Theo đó, mỗi môn học có mã số riêng và SV gõ vào mã số đó để chọn thời khóa biểu và giảng viên. Sau đó, SV tiến hành đăng ký lịch học.

Cựu SV Trường ĐH Cần Thơ, Nguyễn Đăng Khánh chia sẻ kinh nghiệm: “Dù là tự chọn môn nhưng SV cũng phải xem môn đó có điều kiện gì không để sắp xếp hợp lý. Ví dụ muốn học Hán Nôm 2 thì điều kiện là đã hoàn thành Hán Nôm 1, Lý luận văn học 2 chỉ được học khi hoàn thành Lý luận văn học 1,…”.

Một trong những điểm mới khiến nhiều tân SV lúng túng khi bước vào giảng đường là đông và nhanh. Một giảng đường có thể có hàng trăm SV, giảng viên dạy bằng miro và thường nói nhanh, nói nhiều.

Bạn Lê Thị Cẩm Nhung- cựu SV Trường ĐH Cửu Long cười nhớ lại: “Lúc ban đầu học, tôi thật sự không biết ghi cái gì vô tập, ghi hết thì không kịp”. Sau 1 năm đi học, Nhung mới tự rút được kinh nghiệm cho mình là “ghi chép có chọn lọc và đọc trước giáo trình”.

Trong khi đó, Huỳnh Như lại bị lạc trong những ngày học đầu tiên vì không biết phòng. Như cười tươi: “Phải đi xem phòng học trước và hệ thống phòng học, chỗ gửi xe trong đầu”.

Như ví dụ nhà học A là dãy trệt, B có 2 tầng, C là nhà có 3 tầng,… Còn khi gửi xe muốn tiết kiệm thì chọn bãi xe ở giữa 2 nhà học.

Thông thường, học kỳ 1 mới là học kỳ bắt nhịp học mới nên việc học yếu hơn là khó tránh khỏi. Đăng Khánh nói: “Cứ cố gắng hết sức rồi sau học kỳ 1 chọn biện pháp học phù hợp nhất cho mình. Nếu có rớt môn, phải thi lại cũng không chùn bước”.

Anh Lê Thanh Quang Đức- Chủ tịch Hội SV Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long cho biết: “Những SV lên lớp không nghe giảng, về nhà không tự học, bạn bè tụ tập cũng chỉ đi chơi thì thua!”

Tự học còn là tự tìm thêm tài liệu vì giáo trình chỉ cung cấp cho SV một phần kiến thức và các bạn phải tự tìm tòi, học hỏi thêm những kiến thức mới từ sách, mạng Internet.

Tự do

Tự làm chủ bản thân về sinh hoạt là niềm ao ước của nhiều bạn trẻ. Tuy nhiên, việc sống xa nhà sẽ không dễ chút nào. Được làm chủ thời gian, tiền bạc nên nhiều tân SV đi chơi thoải mái mà quên đi nhiệm vụ trọng tâm là việc học.

Anh Lê Thanh Quang Đức nhắc nhở: Học theo tín chỉ, mỗi SV có một thời khóa biểu khác nhau. Do đó, các em phải sắp xếp hợp lý các môn sao cho vừa sức, vừa tiến trình. “Đăng ký môn học theo mình chứ không theo bạn bè”- anh Đức nói thêm.

Một số tân SV do áp lực cuộc sống mà tìm việc làm thêm ngay những ngày đầu nhập học. Việc làm thêm sẽ rất hay nếu các bạn sắp xếp hợp lý, vừa phải.

Tân SV Nguyễn Văn Hiền- Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long cho biết: “Em mới đi làm chạy bàn ở một quán ăn được 1 tuần nay. Mỗi ngày em làm 6 tiếng từ 17- 23 giờ. Sắp tới, em nghe nói học thực hành đến hơn 18 giờ mới tan nên lo quá”.

Những năm đầu cũng là thời gian vàng để SV học tin học, ngoại ngữ. Bởi lẽ, chương trình học lúc này thường nhẹ nhàng hơn. Nhưng không phải SV nào cũng ý thức được, nhiều bạn đợi đến sắp ra trường mới “chạy nước rút” tìm tấm bằng làm dày hồ sơ xin việc.

Một chuyện không nhỏ mà tân SV hay vướng là được tự do, vì ĐH không có chuyện họp phụ huynh và nhiều bạn ở xa nhà nên có thể đi chơi tùy thích. Cô Nguyễn Thị Năm- chủ nhà trọ ở Phường 8 cho biết: “Mấy đứa năm nhất đi chơi còn nhiều hơn năm cuối.

Con trai thì mê game, mới sáng sớm là kéo qua tiệm game kế bên kêu cửa om sòm. Con gái thì thấy tối nào cũng mặc đồ đẹp đi chơi. Đặc biệt là mới 18, 19 tuổi mà nhiều đứa đã biết uống rượu”.

Thiết nghĩ, tân SV cần cố gắng để bắt nhịp với giảng đường ĐH. Bên cạnh đó, các bạn nên quý trọng quỹ thời gian của mình cho những hoạt động có ích để nâng cao trình độ chuyên môn và kỹ năng đáp ứng nhu cầu công việc lúc ra trường.

Ông Nguyễn Thanh Toàn- Trưởng Phòng Đào tạo Trường CĐ Nghề Vĩnh Long cho biết: Trong số SV, học sinh bỏ học của trường thì khoảng 70- 80% trong số đó nghỉ học ở năm đầu. Ông Toàn giải thích, vì đây là năm sàng lọc học sinh, SV có phù hợp với ngành học và cách học mới hay không.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN