Tư vấn tuyển sinh: Nặng gánh lo tìm việc

Cập nhật, 06:03, Thứ Tư, 02/03/2016 (GMT+7)

Những câu hỏi như: em học ngành nào, trường nào thì có việc làm; cơ hội việc làm của ngành X, Y,… ra sao? Học ngành đó rồi có việc làm nhiều không? Nhiều thí sinh chọn thi ngành công an, quân đội cũng vì lý do đảm bảo có việc làm!

Nhiều học sinh viết câu hỏi nhờ tư vấn.
Nhiều học sinh viết câu hỏi nhờ tư vấn.

Rộng cửa vào ĐH, CĐ

Trong năm 2016, phương án tuyển sinh mở rộng cửa với nhiều hình thức đa dạng. Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long xét tuyển theo 3 hình thức: tuyển thẳng, xét tuyển dựa trên kết quả thi THPT quốc gia và xét tuyển bằng học bạ THPT.

Đối với phương thức 1, trường sẽ tuyển thẳng học sinh giỏi quốc gia, học sinh thuộc các huyện nghèo theo quy định, học sinh giỏi Trường THPT chuyên.

“Dự kiến chỉ tiêu cho tuyển thẳng là 20%”- ông Nguyễn Thanh Tùng- Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết. Đối với phương án xét tuyển dựa trên kết quả tuyển sinh, trường sẽ xét tuyển đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ GD-ĐT quy định.

Ngoài ra, năm nay trường còn xét tuyển sinh theo hình thức xét học bạ. Điểm xét tuyển: là tổng điểm trung bình 3 năm lớp 10, 11, 12 của 3 môn theo tổ hợp đăng ký xét tuyển, không nhân hệ số, cộng với điểm ưu tiên khu vực và ưu tiên đối tượng (nếu có). Theo đó, tổng điểm 3 môn phải từ 19.5 điểm, tốt nghiệp THPT.

Trường ĐH Cửu Long cũng xét tuyển đa dạng như năm trước: điểm thi và học bạ. Tổ hợp các môn xét tuyển của các trường cũng đa dạng và có lợi cho thí sinh. Ví dụ các ngành trước nay chỉ xét khối A, B thì nay nhiều trường xét A (Toán, Lý, Hóa), khối B (Toán, Hóa, Sinh), khối A1 (Toán, Lý, Tiếng Anh) và khối D1 (Toán, Văn, Tiếng Anh).

Đối với các trường CĐ, quy chế tuyển sinh 2016 đã mở toang cánh cửa cho thí sinh và các trường, bằng việc cho điểm sàn vào CĐ là tốt nghiệp THPT. Ông Nguyễn Thái Bình- Phó trưởng Phòng Đào tạo Trường CĐ Kinh tế- Tài chính Vĩnh Long cho biết: “Trường sẽ xét tuyển dựa trên kết quả thi THPT quốc gia và xét tuyển học bạ. Tuy nhiên, năm 2016 hệ CĐ không quy định điểm, học sinh đậu tốt nghiệp đều có thể nộp hồ sơ xét tuyển vào trường”.

Học ngành gì không thất nghiệp?

Đường vào ĐH, CĐ thì rộng mở nhưng cơ hội việc làm lại khó khăn, nên những câu hỏi về việc làm được nhiều học sinh nhắc đến trong các buổi tư vấn.

Em Nguyễn Quốc Đạt- học sinh Trường THPT Trưng Vương (TP Vĩnh Long) hỏi về ngành công nghệ thực phẩm của Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long kèm theo nỗi băn khoăn “cơ hội việc làm của ngành này ra sao”. TS. Cao Hùng Phi- Hiệu trưởng trường cho biết: Ngành công nghệ thực phẩm là ngành đang rất cần nhân lực. Bởi, khu vực ĐBSCL đang phát triển các ngành chế biến nông sản, chế biến thủy sản, chế biến thực phẩm,…

Em Mai Thị Phương Thảo ở Vũng Liêm lại quan tâm đến ngành xét nghiệm y học- Trường ĐH Cửu Long: “Học ngành này em làm việc ở đâu?”. Ông Đặng Văn Toại- Trưởng Phòng Đào tạo của trường cho biết: Đây là ngành trường đang trình Bộ GD- ĐT được phép mở. Công việc là làm công tác xét nghiệm ở các trung tâm y tế, các viện xét nghiệm,… Nói chung, khi chọn mở ngành mới này, ĐH Cửu Long đã điều tra nhu cầu xã hội đang cần.

Trong khi đó, học sinh Lê Thị Hồng Nga- Trường TH Cấp II- III Mỹ Thuận (Bình Tân) lại băn khoăn nguyện vọng ngành nghề và cơ hội việc làm. Nga nói: “Em thích ngành tài chính ngân hàng, em định nộp hồ sơ xét tuyển vào Trường CĐ Kinh tế- Tài chính Vĩnh Long rồi sau đó học liên thông lên ĐH. Nhưng nghe nói ngành này đang rất khó tìm việc nên lo lắng quá”.

Em Nguyễn Diễm Thúy (Tam Bình) cho biết: “Em đã chọn thi ngành công an và đã tìm hiểu kỹ rồi. Bây giờ, em ráng thi kết quả thiệt cao là được” và theo em thì một trong những lý do chọn ngành này là “không sợ thất nghiệp!”

Một học sinh Trường TH Cấp II- III Mỹ Thuận hỏi về cơ hội việc làm ngành công nghệ kỹ thuật điện- điện tử và ngành này có xuất khẩu lao động được không? ThS. Nguyễn Thanh Tùng- Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long trả lời: “Đây là một trong những ngành “hot” của trường. Nhiều công ty, doanh nghiệp đến tuyển dụng lao động trực tiếp tại trường. Hơn thế nữa, đây là ngành có nhu cầu xuất khẩu lao động sang Nhật Bản với thu nhập hấp dẫn”.

Với những phương án tuyển sinh rất có lợi cho thí sinh. Cánh cửa vào ĐH, CĐ năm nay đã mở toang đón học sinh ở các trường vừa tầm. Việc quan trọng nhất là các em có thể chọn ngành, chọn trường phù hợp để phát huy tối đa năng lực cá nhân và làm việc tốt sau khi ra trường.

Ông Nguyễn Ngọc Khương- Trưởng Phòng GDTX và GDCN, Sở GD- ĐT Vĩnh Long tư vấn cho học sinh: Trước tiên, các em phải xác định khối ngành yêu thích của mình, rồi bắt đầu chọn trường sau. Khi chọn trường, học sinh chú ý chương trình đào tạo, cơ sở vật chất của trường. Ngoài ra, hoạt động của các đoàn thể, học phí và có ký túc xá cũng là những yếu tố đáng quan tâm.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN