Mấy góp ý cho du lịch làng nghề

Cập nhật, 20:45, Chủ Nhật, 15/08/2021 (GMT+7)

 

Làng gốm Mang Thít.
Làng gốm Mang Thít.

Du lịch làng nghề là định hướng dòng sản phẩm đặc thù, do đó, xây dựng được sản phẩm tốt thì giá trị khai thác lâu dài. Các tỉnh phía Nam đã từng khai thác tốt và cũng từng phá vỡ tính thương hiệu gốc của du lịch làng nghề. Nhận định cho kỹ thì các địa phương chưa “làm cho tới” dòng sản phẩm cực kỳ hấp dẫn, hiệu quả về mặt văn hóa- kinh tế này.

Thử nhìn lại mấy thập niên qua và rút ra một số ý cụ thể nhất, trực tiếp nhất về dòng sản phẩm du lịch làng nghề hiện nay.

Xác định đúng bản chất

Có mấy dòng sản phẩm từ du lịch làng nghề đã từng rất thịnh, rất “làm ăn được” từ hơn 20 năm trước, nhưng giờ đã dần giảm sút, mờ nhạt. Nghề gốm Bát Tràng, lụa truyền thống, nghề chạm khắc nghệ thuật (gỗ và đá). Cùng một số nghề khác góp phần làm cho sản phẩm du lịch văn hóa, mua sắm phát triển cực thịnh ở trung tâm lớn là TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, nó không thể bền vững vì tính “sao chép” làm mất đi bản sắc gốc truyền thống và lệch về hướng khai thác mua sắm. Còn lại các tỉnh ĐBSCL đưa vào các tour những sản phẩm như: bánh tráng, cốm kẹo… chỉ là cách giới thiệu nét ẩm thực đi kèm bán sản phẩm, chưa phải là xây dựng làng nghề truyền thống.

Những làng nghề gốc như gốm Bát Tràng, lụa Vạn Phúc (Hà Nội) đã khôi phục mạnh mẽ trở lại trước hết là nhờ khôi phục lại giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống, công tác quảng bá, xây dựng thương hiệu; đặc biệt, là từ nhu cầu thực tế, có tính chất làng nghề “sống”, đang phát triển và xuất phát từ nhu cầu dân dụng của cộng đồng xã hội.

Sự nhạy bén của người làm du lịch phía Nam đã sớm đưa những sản phẩm này vào khai thác du lịch, những dòng thợ từ Bắc vào xây dựng những xưởng gốm, hàng loạt tiệm may áo dài… đã được đưa vào các chương trình tham quan mua sắm một cách hoàn hảo. Nhưng đó cũng chỉ là cách làm “từ ngọn”. Khi mà làng nghề ngoài sản phẩm còn phải gắn với giá trị văn hóa phi vật thể, với những giá trị địa lý, lịch sử.

Như vậy trong mấy mươi năm nay, khu vực đồng bằng cũng quảng bá, định hướng khai thác sản phẩm du lịch làng nghề, nhưng thực chất tính thực tế khai thác chưa thể nói là hiệu quả. Cũng chưa có một dự án nào “làm cho tới” một hướng đi vô cùng độc đáo, hấp dẫn này. Tính định hướng và sự đầu tư chuyên sâu là rất quan trọng, nó vừa đòi hỏi tính chuyên môn du lịch, vừa đòi hỏi tính thực tế của một làng nghề, những nghệ nhân và tính cộng đồng… Nhiều yếu tố quá, không thể bỏ ra số tiền vài trăm triệu, vài tỷ đồng để xây dựng nên những dự án từ các chuyên gia nghiên cứu văn hóa, các viện nghiên cứu. Nó mang tính bác học và thiếu tính thực tế, tính khả thi nhiều lắm. Rất tiếc, đây là cách mà nhiều địa phương đang thực hiện.

Khi có sản phẩm du lịch làng nghề, thì cái cách xây dựng chương trình tham quan nó còn quan trọng và mang tính sống còn hơn nhiều. Muốn vậy, trước khi xác định xây dựng sản phẩm, cần xác định nguồn khách khả thi.

Cần tính thực tế và khả thi

Hồi khởi điểm, Vĩnh Long có mấy tour ghé tham quan làng nghề chằm nón lá, làng tương chao, ghé một vài lò gốm… Sau đó, có thêm mấy xưởng sản xuất cốm kẹo, có đi kèm theo một vài lò bánh tráng. Trong định hướng hiện nay, có một số làng nghề của Vĩnh Long được chú ý như: làng gốm (Mang Thít), tàu hủ ky (Bình Minh), làng dưa cải (Bình Tân), dệt thảm, bánh xếp (Tam Bình), làng chiếu lác (Vũng Liêm), chằm nón, chằm lá (Long Hồ), bánh tráng cù lao Mây (Trà Ôn)… Kể thì nhiều, nhưng cần có sự chọn lọc và ưu tiên để phát triển. Định hướng không thể chủ quan, cảm tính.

Vậy phải bắt đầu từ đâu? Câu hỏi này không nên “duy ý chí” mà tự trả lời và tự định hướng, trước khi đặt vấn đề này nghiêm túc với “người mua sản phẩm”, thông qua những nhà làm tour, những người phát triển sản phẩm trong các hãng lữ hành lớn đang đưa nguồn khách lớn đến địa phương. Khách hàng sẽ quyết định địa phương nên đầu tư sản phẩm nào, theo hướng nào?

Vĩnh Long có 3 hướng tour chính có thể triển khai gắn với thế mạnh sông nước: tuyến truyền thống 4 xã cù lao (Long Hồ) đã khai thác gần 50 năm; tuyến sông Măng kết nối: Bình Minh, Trà Ôn, Tam Bình, Mang Thít, chủ yếu là các hãng lữ hành ngoài địa phương khai thác. Định hướng tuyến mới: sông Cổ Chiên nối Mang Thít và Vũng Liêm đang có những đề án lớn nhưng chỉ ở giai đoạn nghiên cứu.

Nghề đan lác ở Tam Bình.
Nghề đan lác ở Tam Bình.

Mỗi một hướng tuyến du lịch của Vĩnh Long đều có những thế mạnh riêng (ở dạng tiềm năng), mỗi tuyến, mỗi điểm và mỗi sản phẩm du lịch sẽ là câu chuyện dài, cần nghiên cứu nghiêm túc và chuyên môn sâu. Nhưng thay vì kể nhiều, làm nhiều dàn trải, nên chăng chọn ưu tiên tập trung xây dựng, quảng bá mạnh mẽ một sản phẩm làng nghề hoàn chỉnh nhất, hấp dẫn nhất, tạo nên hướng tour mới mẻ.

Và sự đầu tư phát triển có sự định hướng của cơ quan chủ quản, kết hợp sâu với những nhà làm du lịch thực tế có tiềm lực, họ cũng là khách hàng trong tương lai. Nguồn vốn dự án tập trung cho đầu tư hạ tầng, xây dựng cộng đồng làng nghề, xây dựng những hạt nhân làng nghề, các nghệ nhân là quan trọng. Tránh những dự án, đề án đi ra từ các viện, các chuyên gia mang tính lý thuyết, thiếu tính chuyên nghiệp của ngành.

Từ thế mạnh làng nghề là sản phẩm du lịch có thể tranh thủ kết hợp nguồn vốn dự án Trung ương phát triển du lịch cộng đồng. Có thể là hướng đi tăng nguồn lực khả thi nhất, xây dựng một làng nghề truyền thống có tính du lịch trải nghiệm văn hóa cộng đồng. Du khách không chỉ tham quan mà có đủ điều kiện dịch vụ lưu trú dài ngày, trải nghiệm thực tế ở một làng nghề. Tập trung ưu tiên và định hướng dài hơi với tầm nhìn xa xa hơn trong nhiều năm tới.

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG

Các tin khác: