Đào tạo nghề gắn với phát triển kinh tế- xã hội địa phương

Cập nhật, 19:28, Chủ Nhật, 28/11/2021 (GMT+7)
Đào tạo nghề nông thôn gắn với tự tạo việc làm, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn.
Đào tạo nghề nông thôn gắn với tự tạo việc làm, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn.

Tập trung ưu tiên tổ chức hỗ trợ đào tạo các ngành nghề lĩnh vực nông nghiệp và phi nông nghiệp có kỹ thuật công nghệ cao, có hiệu quả cao về việc làm và thu nhập.

Tổ chức hỗ trợ đào tạo nghề phục vụ các mục tiêu, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội của từng địa phương, nhất là gắn với chuyển đổi cơ cấu, phát triển ngành nghề, chuyển dịch cơ cấu lao động. Tiếp tục quán triệt phương châm “Chỉ đào tạo nghề khi xác định được việc làm và thu nhập sau học nghề”.

Đây là một trong các giải pháp thực hiện chính sách theo Đề án Hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng theo Quyết định 46/2015/QĐ-TTg, ngày 28/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ, đã được UBND tỉnh ban hành quyết định phê duyệt triển khai trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025.

Các giải pháp còn là: tuyên truyền nâng cao nhận thức về học tập nghề nghiệp, việc làm; khảo sát, đánh giá và dự báo các nhu cầu về ngành nghề, học nghề, sử dụng lao động; nâng cao năng lực các cơ sở đào tạo; huy động nguồn lực cho việc thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng trên địa bàn tỉnh.

Báo cáo Sở Lao động- Thương binh và Xã hội đến tháng 11/2021, tình hình dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, gây khó khăn trong các công tác: tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp, tổ chức các lớp hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động, giới thiệu việc làm, đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài,...

Dù vậy, trong sự nỗ lực phấn đấu, các đơn vị trực thuộc và liên quan đầu năm đến nay tổ chức tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp đạt khá, qua đó góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 54,66%, trong đó lao động qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ đạt 16,78%. Toàn tỉnh đã tổ chức được 25 lớp hỗ trợ đào tạo nghề sơ cấp, dưới 3 tháng cho 473 lao động nông thôn và học viên cộng đồng. Đồng thời, duy trì tổ chức kiểm tra, giám sát các lớp hỗ trợ đào tạo sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng cho người lao động phù hợp với tình hình dịch COVID-19.

Anh Nguyễn Hoài Hận đã có nghề sửa chữa tàu, đăng ký học thêm nghề hàn tại cơ sở sửa chữa tàu ở xã Tân Mỹ (Trà Ôn) vì theo anh “học chuyên môn trường lớp sẽ giúp mình có kiến thức căn bản hơn, làm tốt công việc và còn được cấp chứng chỉ nghề” để chăm lo đời sống gia đình. Theo Sở Lao động- Thương binh và Xã hội, trong năm 2020, đã tổ chức 270 lớp đào tạo nghề cho 5.816 người lao động nông thôn, đạt hơn 83% kế hoạch và tăng 7,6% so với năm trước.

Kế hoạch năm 2021, ngành sẽ tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp 34.200 người, trong đó: đào tạo cao đẳng: 450 người; trung cấp: 1.500 người; sơ cấp: 12.250 người; đào tạo dưới 3 tháng, đào tạo thường xuyên: 20.000 người. Qua đó góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đến cuối năm nay đạt 57%, trong đó lao động qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ 20%.

Một trong nhiều giải pháp đã đề ra là tổ chức thực hiện công tác thông tin tuyên truyền, tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn với nhiều hình thức đa dạng, gắn với tuyên truyền tư vấn việc làm, thông tin thị trường lao động trong và ngoài nước. Tổ chức phối hợp, huy động các cấp ban ngành, đoàn thể, các địa phương tham gia thông tin tuyên truyền công tác giáo dục nghề nghiệp và việc làm cho người lao động trên địa bàn tỉnh.

Tăng cường tổ chức kết nối, phối hợp giữa các trường, trung tâm, các cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp với các ban ngành, đoàn thể, đơn vị dịch vụ việc làm, dịch vụ đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, doanh nghiệp, làng nghề, hợp tác xã... để thực thực hiện đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho người lao động.

Các chính sách hỗ trợ học nghề dành cho người lao động

Bên cạnh chính sách hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng nêu trên, người lao động còn được hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp theo các chính sách khác hiện hành. Cụ thể là: chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp, người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động theo Quyết định 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ; chính sách hỗ trợ học nghề dành cho lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp (người lao động đang đóng bảo hiểm thất nghiệp có tham gia bảo hiểm xã hội, đã nghỉ việc, chưa có việc làm mới).

 

Bài, ảnh: MINH THÁI