Cơ sở Cai nghiện ma túy: Nhiều cảm xúc nghề điêu khắc gỗ

Cập nhật, 10:07, Chủ Nhật, 28/11/2021 (GMT+7)

 

Sản phẩm gỗ do học viên làm ra.
Sản phẩm gỗ do học viên làm ra.

Mỗi sản phẩm làm ra đều chứa đựng bao tâm huyết của người thực hiện bởi đó là sự đầu tư, chăm chút nhằm mang lại giá trị tối ưu nhất cho người tiêu dùng. Và chắc chắn, khi đứng trước những sản phẩm điêu khắc gỗ do các học viên cai nghiện làm nên sẽ gợi mở rất nhiều xúc cảm.

Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh Vĩnh Long (trực thuộc Sở Lao động– Thương binh và Xã hội) là nơi cảm hóa bao phận đời sa ngã, dìu dắt họ rũ bỏ tối tăm bằng tình thương, tinh thần trách nhiệm. Cùng với điều trị bằng thuốc thì lao động trị liệu là một trong những giải pháp hữu hiệu, giúp học viên cai nghiện quên đi tiêu cực, tập trung vào những điều tươi sáng, có ích.

Ông Trần Ngọc Chi– Giám đốc Cơ sở Cai nghiện ma túy, cho biết: “Các lớp đào tạo nghề mở ra nhằm giúp học viên tăng tự tin thể hiện năng khiếu, kiếm thêm thu nhập, cũng là trang bị cho các em một ngành nghề phù hợp sở trường để hòa nhập cộng đồng, gầy dựng cuộc sống mới. Chúng tôi luôn bên cạnh động viên, hỗ trợ các em với tất cả tấm lòng”.

Điêu khắc gỗ là một trong những nghề được các bạn học viên yêu thích. Cơ sở đã khảo sát và lựa chọn những học viên có tay nghề và niềm đam mê với công việc. Rất bất ngờ là các học viên tiếp thu nhanh, chỉ sau vài tháng mà sản phẩm làm ra đẹp mắt, thu hút.

Những khối gỗ nhãn, bàng, còng... sần sùi bỗng dần hiện ra tác phẩm nghệ thuật qua các khâu định hình, phá gỗ, phá dáng, phá khối, đục chi tiết, điểm nhãn và phủ sơn hoàn thiện. Không khí làm việc sôi động, tiếng máy cưa, đục đẽo, mài bóng... xen lẫn tiếng bàn bạc, trầm trồ pha nhiều câu chuyện đùa vui. Bạn Huỳnh Ngọc Danh– học viên tại cơ sở, chia sẻ: “Em rất thích công việc này, nhìn sản phẩm do chính anh em cùng chung sức làm ra, không chỉ là niềm tự hào của tụi em mà còn là niềm vui của gia đình”.

Ai đó ví von rằng, từng khối gỗ muốn thành tác phẩm nghệ thuật sinh động, có hồn phải trải qua quá trình chế tác, đục đẽo vào thân đầy kham khổ. Cũng giống như các học viên tại cơ sở, muốn sửa chữa sai lầm, vượt lên định kiến xã hội để làm lại cuộc đời phải tuân thủ điều trị, ý chí mạnh mẽ chống lại mọi cám dỗ và tự trui rèn bản thân ngày càng vững vàng hơn.

Những con vật được chạm trổ khéo léo, uy mãnh có, nét trong trẻo, dễ thương cũng có; từng bộ bàn ghế sáng bóng... cứ thế ra đời dưới bàn tay tỉ mỉ của các học viên. Chất liệu gỗ bình dị, mộc mạc, mang lại cảm giác thân thiện, ấm cúng nhưng không kém phần sang trọng, độc đáo. Chọn nghề điêu khắc gỗ, cũng là chọn cho mình tư duy trầm tĩnh, ham khám phá, để khai thác cái đẹp, thổi bùng sinh khí vào các khối gỗ nhăn rám.

Mọi nỗ lực của người bình thường đều đáng trân trọng. Với thành quả điêu khắc gỗ của các học viên cai nghiện càng đáng nâng niu, trân quý biết bao nhiêu. Bởi xuất phát từ tấm lòng kính nghiệp, như khắc họa tâm hồn mình cùng ước muốn hoàn lương.

Bài, ảnh: THÁI LINH