Trẻ khuyết tật- thương yêu nhiều, quan tâm hơn

Cập nhật, 13:44, Thứ Ba, 12/10/2021 (GMT+7)

 

Phụ huynh can thiệp cho trẻ chậm phát triển ở nhà theo sự hướng dẫn của giáo viên trong đợt dịch COVID-19.
Phụ huynh can thiệp cho trẻ chậm phát triển ở nhà theo sự hướng dẫn của giáo viên trong đợt dịch COVID-19.

(VLO) Dịch COVID-19 khiến việc học trực tiếp của học sinh- sinh viên bị gián đoạn, từ đó nhiều hình thức như học online, giáo viên chủ nhiệm giao bài tập nhờ phụ huynh hướng dẫn trẻ học ở nhà để thích ứng với tình hình.

Trong đó, việc học của trẻ khuyết tật rất cần được quan tâm bởi các em gặp nhiều khiếm khuyết về nhận thức, vận động, tương tác xã hội...

Việc can thiệp trẻ khuyết tật, trẻ tự kỷ là cả một quá trình gian nan, đòi hỏi đúng phương pháp, sự kiên trì, phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường.

Dạy trẻ bình thường đã khó, dạy trẻ khuyết tật, trẻ tự kỷ càng khó hơn. Bởi trẻ không tập trung, khó khăn trong giao tiếp, lăng xăng, tăng động...

Cô Nguyễn Thị Nhung- giáo viên can thiệp trẻ tự kỷ thuộc Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Vĩnh Long- chia sẻ: “Công việc dạy dỗ trẻ rất vất vả, mỗi em có những vấn đề về hành vi, chậm phát triển khác nhau. Trước giãn cách xã hội, trung tâm tiếp nhận khoảng 30 trẻ.

Giáo viên lượng giá, xây dựng kế hoạch can thiệp sớm, thường xuyên trao đổi với phụ huynh để nắm bắt tình hình trẻ. Mục tiêu cuối cùng là mang lại sự tiến bộ cho trẻ, như thế thì mọi mệt mỏi đều tan biến hết”.

Chị Thúy L. (xã Vĩnh Xuân, huyện Trà Ôn) có con gái rối loạn phổ tự kỷ, đã kiên trì cho con theo học tại Trung tâm Công tác xã hội (cơ sở 4, xã Thanh Đức, huyện Long Hồ) hơn một năm qua.

Chị cho biết con gái chị ban đầu không chịu ngồi yên một chỗ, hay khóc la vô cớ, không giao tiếp bằng lời. Sau thời gian học tại trung tâm, trẻ đã biết giao tiếp mắt và nói một vài từ đơn giản như: cô, dạ, ngỗng, vàng.

Chị liền thuê phòng trọ gần cơ sở dạy trẻ để tiện việc đưa đón con đi học, đồng thời tìm việc làm để trang trải kinh tế. Nhưng khi dịch COVID-19 ập đến, trung tâm tạm ngừng tiếp nhận dạy trẻ, chị buồn bã đưa con về quê, vẫn luôn hy vọng dịch bệnh qua đi nhanh để con được tiếp tục học.

Chung mong ước trên, chị Phi G. (xã An Bình, huyện Long Hồ) là phụ huynh em Khôi N. (chậm phát triển) cũng nuối tiếc do phải dừng việc học của con vì dịch bệnh, trong khi con chị đang trên đà phát triển tốt. Chị tâm sự: “Con nhà tôi gặp khó khăn trong giao tiếp, hay nhại lời.

Lần đầu tiên khi con biết khoanh tay thưa cô, tôi mừng rơi nước mắt. Về nhà tôi chịu khó chơi cùng, nói chuyện với con nhiều hơn.

Giờ đây con biết thể hiện cảm xúc, nói huyên thuyên, dù có lúc chưa đúng hoàn cảnh nhưng được vậy là hạnh phúc lắm rồi. Gia đình luôn động viên nhau cố gắng vì con, mong con có thể học hòa nhập tốt sau này”.

Nhiều phụ huynh khác cứ nhìn con chị mà trầm trồ, rồi ước ao “phải chi con tui được một phần như con chị”. Chị hiểu tâm trạng ấy vì trước đây chị cũng như vậy. Chạy đôn chạy đáo tìm nơi can thiệp cho con, rồi cứ trăn trở về tương lai của con sau này.

Lấy minh chứng từ bản thân, chị động viên những phụ huynh có chung hoàn cảnh hãy xóa mặc cảm, nhẫn nại vì sự phát triển của con. Bởi không ít trường hợp phụ huynh ngại cho trẻ đến trường vì nghĩ trẻ không thể nào học hành được, như vậy vô tình đánh mất cơ hội học tập của trẻ.

Cô Nguyễn Thị Huỳnh Nga (Phường 8, TP Vĩnh Long) bao năm gắn bó với lớp học tình thương là tấm gương điển hình với lòng nhân ái cao cả.

Cô kiên trì bên các em với nhiều dạng khuyết tật khác nhau, dạy dỗ tận tâm để xoa dịu khiếm khuyết, giúp các em có môi trường học tập và kết nối mạnh thường quân giúp đỡ cho các em.

Cô Nga, cô Nhung cũng như bao người thầy cô khác và các phụ huynh đều đang mong mỏi dịch bệnh sớm được kiểm soát, để tiếp tục đồng hành can thiệp dạy dỗ trẻ. Mọi trẻ em đều phải được quan tâm, nhất là trẻ khuyết tật, trẻ tự kỷ.

Sự chung tay của toàn xã hội sẽ giúp gia đình các em vượt qua khó khăn, tạo cơ hội để các em được đối xử bình đẳng như bao trẻ bình thường khác, từ đó hạn chế khiếm khuyết, khơi dậy khả năng tiềm tàng, hòa nhập cộng đồng.

Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Vĩnh Long (trực thuộc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội) hiện đang quản lý, thực hiện tốt công tác chăm sóc, nuôi dưỡng 213 đối tượng bảo trợ xã hội, bao gồm: người cao tuổi: 37; người khuyết tật: 32; người bị bệnh tâm thần: 105; 2 đối tượng vị thành niên; 1 đối tượng đang học ĐH; 29 trẻ em (trong đó có 8 trẻ khuyết tật); và 7 đối tượng bảo vệ khẩn cấp. Bên cạnh đó, trung tâm còn triển khai dịch vụ chăm sóc người cao tuổi, can thiệp trẻ khuyết tật, trẻ tự kỷ.

Bài, ảnh: THÁI LINH