Nỗ lực đào tạo nghề và xuất khẩu lao động

Cập nhật, 14:55, Thứ Sáu, 25/09/2020 (GMT+7)

 

Khóa đào tạo nghề điều dưỡng đầu tiên được mở trong thời gian qua nhằm tạo nguồn nhân lực tham gia xuất khẩu lao động.
Khóa đào tạo nghề điều dưỡng đầu tiên được mở trong thời gian qua nhằm tạo nguồn nhân lực tham gia xuất khẩu lao động.

Gần hết 3 quý qua, các công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) và đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng xuất khẩu lao động (XKLĐ) bị ảnh hưởng chung của dịch COVID-19. Khó khăn trên đặt ra yêu cầu, từ đây đến cuối năm, các công tác này cần sự quyết tâm nỗ lực hơn của ngành và các địa phương để đạt nhiệm vụ đề ra.

Đầu năm đến nay, các đơn vị thuộc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội đã tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp cho 11.644 người (đạt 32,8%). Trong số đó, đã tổ chức 169 lớp đào tạo nghề cho hơn 3.500 LĐNT (đạt 50,04%), giảm so cùng thời gian năm 2019 và còn thấp hơn so chỉ tiêu (chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo nghề cho LĐNT là 7.000).

Tương tự, công tác giải quyết việc làm mới cho người lao động, trong đó gồm XKLĐ cũng không nằm ngoài khó khăn do dịch bệnh trên. Tích lũy 3 quý qua, các đơn vị chức năng đã phối hợp tổ chức đưa XKLĐ 661 người, đạt 40,31% (chỉ tiêu là 1.640 người).

Theo đánh giá chung, do tình hình phức tạp của COVID-19, đến nay một số nhiệm vụ chưa được thực hiện theo kế hoạch đề ra: công tác tuyển sinh, đào tạo nghề và tổ chức lớp học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; tư vấn, giới thiệu việc làm và đưa lao động đi làm việc nước ngoài theo hợp đồng;...

Sở Lao động- Thương binh và Xã hội vừa phối hợp các đơn vị khai giảng lớp đào tạo nghề “Kỹ thuật pha chế đồ uống” cho gần 30 học viên LĐNT đa số là nữ, dưới 20 tuổi ở xã Bình Hòa Phước (Long Hồ). Ngô Hoàng Kim Ngân (sinh năm 2001) chia sẻ học để biết nghề và tìm công việc em đam mê là pha chế.

Tương tự, Nguyễn Thị Hồng Lĩnh (sinh năm 1984) đến với lớp để trải nghiệm thêm lĩnh vực mình yêu thích và học xong có thể khởi nghiệp bằng chuyên môn theo học. “Các bạn sau tham gia khóa học, khi thực hiện pha chế thuần thục các loại thức uống có thể làm nghề bằng cách mở tiệm đồ uống hoặc làm phục vụ pha chế, tạo và nâng cao thu nhập cho mình”- bà Liêu Kim Thủy là đại diện Công ty TNHH Cuộc Sống Mới- đơn vị phối hợp tổ chức lớp học cho biết.

Ít nhất từ đầu tháng 9 đến nay, ngành cùng đơn vị liên quan và các địa phương tổ chức khai giảng 6 lớp nghề may công nghiệp, 1 lớp nghề hàn, 1 lớp nghề nghiệp vụ lễ tân nhà hàng/khách sạn, 1 lớp nghề điều dưỡng chăm sóc người già/ người bệnh (phục vụ XKLĐ)... cho người LĐNT. Đáng chú ý các lớp nghề kỹ thuật pha chế đồ uống, điều dưỡng, nghiệp vụ lễ tân là lần đầu tiên được mở cho người LĐNT và lao động ra nước ngoài trên địa bàn tỉnh.

Trịnh Thị Mãi (xã Mỹ Hòa, TX Bình Minh) là 1 trong số 17 học viên vừa bước vào lớp nghề “Điều dưỡng chăm sóc người cao tuổi/ người bệnh” do Sở Lao động- Thương binh và Xã hội và đơn vị chuyên về XKLĐ khai giảng hôm 18/9. Cô bày tỏ, khóa học sẽ là hành trang để tham gia XKLĐ hiệu quả. Hầu hết học viên lớp nghề đã có trình độ N4 tiếng Nhật, sau khóa học 3 tháng, các bạn xuất cảnh qua Nhật làm nghề chăm sóc người già, người bệnh theo hợp đồng.

Trong quý IV/2020, ngành chức năng sẽ tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp 6.500 người, trong đó đào tạo nghề 1.500 LĐNT. Tới đây, ngành lao động sẽ tổng kết 10 năm (2011- 2020) Đề án “Đào tạo nghề cho LĐNT đến năm 2020”, đồng thời định hướng giải pháp hoạt động này giai đoạn 2021- 2025.

Với XKLĐ, ngành tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền đào tạo nghề, tư vấn giải quyết việc làm và XKLĐ. Đáng chú ý sắp tới sẽ hoàn chỉnh nghị quyết về chính sách cho vay vốn hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021- 2025 trình HĐND tỉnh tại kỳ họp cuối năm.

Các bước đi nỗ lực nói trên và định hướng sắp tới sẽ tiếp tục đem lại quyền lợi cho người LĐNT học nghề, giải quyết việc làm, tạo nguồn tham gia XKLĐ... trong bối cảnh thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phòng chống dịch COVID-19 trong giai đoạn mới.

Bài, ảnh: MINH THÁI