BHYT toàn dân- trụ cột trong chính sách an sinh xã hội

Cập nhật, 14:56, Thứ Sáu, 25/09/2020 (GMT+7)
Hướng đến BHYT toàn dân là một thách thức lớn, đòi hỏi có sự quan tâm của Nhà nước, sự phối hợp các cấp các ngành và sự đồng thuận của người dân.
Hướng đến BHYT toàn dân là một thách thức lớn, đòi hỏi có sự quan tâm của Nhà nước, sự phối hợp các cấp các ngành và sự đồng thuận của người dân.

Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần X, BHXH Vĩnh Long đã thực hiện hoàn thành chỉ tiêu Nghị quyết phát triển độ bao phủ BHYT.

Nhân dịp Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long lần thứ XI, chúng tôi ghi nhận ý kiến ông Phạm Minh Dương- Giám đốc BHXH tỉnh về kết quả thực hiện và các giải pháp trong thời gian tới để hướng đến mục tiêu BHYT toàn dân trên địa bàn tỉnh.

Theo ông Phạm Minh Dương- Giám đốc BHXH tỉnh, Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của BCH Trung ương khóa XII đã xác định: “Hướng tới thực hiện bao phủ chăm sóc sức khỏe và BHYT toàn dân; mọi người dân đều được quản lý, chăm sóc sức khỏe”.

Điều này được hiểu là bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân phải dựa trên cơ sở nền tảng của bảo hiểm toàn dân và BHYT là phương thức cơ bản để đạt mục tiêu mọi người dân được chăm sóc sức khỏe không phân biệt thành phần từ thành thị đến nông thôn, từ người giàu cho đến người nghèo đều được tiếp cận dịch vụ y tế và được chăm sóc sức khỏe một cách tốt nhất.

Bản chất của BHYT là cơ chế tài chính công dành cho chăm sóc sức khỏe, là phương thức bảo đảm các thành viên trong xã hội có thể tiếp cận đầy đủ các dịch vụ về chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh; bảo vệ mỗi người, mỗi gia đình tránh khỏi các chi phí y tế vượt quá khả năng chi trả.

Ngay từ khi triển khai chính sách BHYT, Đảng và Nhà nước đã xác định mục tiêu bao phủ BHYT toàn dân, tỷ lệ dân số tham gia BHYT gia tăng hàng năm theo lộ trình phải đạt độ bao phủ theo lộ trình là đến năm 2020 đạt 90% và đến năm 2025 đạt 95% dân số có thẻ BHYT.

Riêng địa bàn tỉnh Vĩnh Long năm 2019 đạt 87,9%, ước đến cuối năm 2020 đạt trên 90% tỷ lệ người dân tham gia BHYT (8 tháng đầu năm đạt 89%) và tiếp tục theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020- 2025 là đến năm 2025 đạt 95% dân số có thẻ BHYT.

Để đạt được kết quả trên, trước tiên phải khẳng định là chủ trương bao phủ BHYT toàn dân được thực hiện nhất quán như là một trụ cột trong chính sách an sinh xã hội. Nếu thực hiện tốt an sinh xã hội sẽ góp phần ổn định an ninh trật tự xã hội từ đó sẽ là bệ phóng để thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội bền vững của mỗi địa phương.

Song song đó, quyền lợi của người tham gia BHYT cũng liên tục được mở rộng như ứng dụng công nghệ cao trong chẩn đoán và điều trị; nhiều dịch vụ kỹ thuật đã được chi trả trong đó có nhiều loại dịch vụ kỹ thuật cao, chi phí lớn như mổ tim hở, can thiệp tim mạch, thay ổ khớp nhân tạo, chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ hạt nhân, chạy thận nhân tạo, phẫu thuật nội soi có Robot...

Tương tự, nhiều loại thuốc đắt tiền (điều trị ung thư, chống thải ghép, kháng HIV, điều trị bệnh lý rối loạn nội tiết, chuyển hóa) cũng được quỹ BHYT chi trả. Ngoài ra, ngành BHXH tập trung đẩy nhanh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin từ quản lý bệnh viện, giám định BHYT, bệnh án điện tử tới chẩn đoán, xét nghiệm, khám, chữa bệnh từ xa.

Thống kê từ năm 2018, tỉnh Vĩnh Long có 868.722 người tham gia BHYT thì đã có 3,30 triệu lượt người khám, chữa bệnh BHYT; quỹ BHYT đã chi trả 1.059,82 tỷ đồng.

Năm 2019, tỉnh Vĩnh Long có 906.860 người tham gia BHYT thì đã có 3,54 triệu lượt người khám, chữa bệnh BHYT; quỹ BHYT đã chi trả 1.245 tỷ đồng. Và 8 tháng đầu năm 2020, tỉnh Vĩnh Long có 911.119 người tham gia BHYT thì đã có 2,02 triệu lượt người khám, chữa bệnh BHYT; quỹ BHYT đã chi trả 756,56 tỷ đồng.

Để hướng tới BHYT toàn dân, thời gian tới, đề nghị cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHYT.

Theo đó, công tác truyền thông, cần có sự phối hợp triển khai đảm bảo phù hợp với từng đối tượng. Hoạt động tuyên truyền phải thường xuyên, liên tục, đến tất cả các nhóm đối tượng với nhiều hình thức tiếp cận khác nhau, như trao đổi thông tin, tổ chức đối thoại trực tiếp, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm đảm bảo cho mọi đối tượng được tiếp cận đầy đủ thông tin về chính sách BHYT và cách thức tham gia.

Song song đó, cần xem xét hỗ trợ thêm mức đóng cho một số đối tượng cận nghèo, hộ nông- lâm- ngư nghiệp có mức sống trung bình, học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn để có cơ hội tham gia và thụ hưởng quyền lợi về BHYT.

Quan tâm nâng cao chất lượng dịch vụ y tế giúp người dân được hưởng thụ một cách tốt nhất các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Tiếp tục củng cố và hoàn thiện hệ thống các cơ sở khám, chữa bệnh từ tuyến xã đến tuyến huyện, đảm bảo các cơ sở y tế đủ cơ sở vật chất và trang thiết bị cơ bản phục vụ khám, chữa bệnh BHYT ban đầu. Bảo đảm người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế thiết yếu và dịch vụ kỹ thuật cao ngay tại địa phương, cơ sở.

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính đặc biệt là đơn giản thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân tham gia BHYT; giảm phiền hà cho người tham gia; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa hệ thống quản lý BHYT, tiến tới việc vận hành cơ sở dữ liệu điện tử trong phạm vi cả nước và thay thế thẻ BHYT giấy bằng thẻ điện tử.

Tập trung triển khai thực hiện giao dịch điện tử trong việc thực hiện thủ tục tham gia BHYT. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý y tế, nhất là xây dựng và ứng dụng có hiệu quả hồ sơ sức khỏe cá nhân; hồ sơ, bệnh án điện tử.

Một vấn đề nữa là xem xét bổ sung, sửa đổi chính sách theo hướng giảm chi tiền túi của người bệnh, cần nghiên cứu, điều chỉnh mức đóng BHYT theo lộ trình, phù hợp với điều kiện kinh tế- xã hội và nhu cầu khám, chữa bệnh để có điều kiện tăng mức độ chi trả cho các dịch vụ y tế có chi phí lớn. Nên nghiên cứu bổ sung thêm phạm vi quyền lợi được hưởng đối với một số dịch vụ mang tính dự phòng, giúp chẩn đoán, điều trị sớm, giảm chi phí mang lại lợi ích cho xã hội.

BÙI THANH (ghi)