Bình Ninh "cán đích" nông thôn mới

Cập nhật, 14:37, Thứ Tư, 08/07/2020 (GMT+7)

 

Nhờ làm tốt công tác huy động sức dân, đã tạo nên diện mạo mới cho xã. Trong ảnh: Ông Khanh (đi trước) đã hiến 200m2 đất để làm đường liên ấp.
Nhờ làm tốt công tác huy động sức dân, đã tạo nên diện mạo mới cho xã. Trong ảnh: Ông Khanh (đi trước) đã hiến 200m2 đất để làm đường liên ấp.

Từng là vùng căn cứ kháng chiến cũ và là xã thuần nông, địa bàn rộng lớn, hạ tầng chưa được đầu tư… nên khi bắt tay xây dựng nông thôn mới (NTM), xã Bình Ninh (Tam Bình) gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị và nhân dân đã đưa xã Bình Ninh “cán đích” NTM trong năm 2020.

Vận động tốt nội lực người dân

Với trên 2.013ha, xã Bình Ninh có địa bàn rộng gấp đôi so với một số địa phương khác; thu nhập người dân trước đây còn thấp vì chủ yếu dựa vào cây lúa; hệ thống điện, đường, trường, trạm, cơ sở vật chất văn hóa chưa được đầu tư đạt chuẩn, nhất là các tuyến đường giao thông nông thôn, gây khó khăn trong việc đi lại, trao đổi hàng hóa…

Xác định việc huy động sức dân là then chốt, Đảng ủy, UBND xã đã tuyên truyền, vận động nhân dân “tự lực là chính” để thực hiện các tiêu chí nội lực. Qua gần 10 năm xây dựng NTM, xã đã vận động nhân dân xây dựng hoàn thành các tuyến đường liên xóm, ngõ xóm và xóa hết cầu khỉ. Trong đó, vận động xã hội hóa xây dựng 15 cây cầu bê tông và trên 20km đường ngõ xóm.

Trên tuyến đường liên ấp An Thạnh A- An Thạnh B- Bình An, chúng tôi cảm nhận được niềm vui của người dân nơi đây khi đi con đường trải nhựa rộng lớn, ông Nguyễn Văn Mười- Phó Bí thư Chi bộ ấp An Thạnh B- kể: Tuyến đường này hồi xưa chỉ là cái bờ bao nhỏ xíu, mùa mưa thì sình lầy không đi được, mưa lớn mà chạy xe thì thế nào cũng bị té xuống ruộng.

Từ khi Nhà nước có chủ trương làm tuyến đường nhựa, ông Nguyễn Văn Mười đã vận động bà con “nếu làm được lộ nhựa thì không gì bằng, việc đi lại, vận chuyển hàng hóa thoải mái, mà giá đất cũng “nhảy” lên vùn vụt…”, vậy là bà con đồng tình rất cao.

Theo khảo sát, tuyến đường đi qua phần đất của hơn 120 hộ dân, lúc đầu cũng có người thấy tiếc, chỉ đồng ý hiến 6m bề ngang, nhưng qua những lời lẽ thấu tình đạt lý mà bà con đồng ý hiến 9m để có được con đường rộng lớn đi lại như hôm nay.

Nhà có 2 công đất vườn trồng dừa và măng cụt, qua vận động của địa phương, ông Nguyễn Văn Khanh (ấp An Thạnh B) đã hiến gần 400m2 và đốn bỏ hàng dừa đang cho trái. “Mình hiến đất vì quyền lợi chung, nên Nhà nước cần tới đâu thì tui hiến tới đó, nhờ vậy mà bà con có được con lộ rộng lớn, sạch đẹp như vầy để đi, tui thấy mừng quá trời”- ông Nguyễn Văn Khanh nói.

Khi địa phương đầu tư đan hóa tuyến đường liên xóm, chị Lê Thị Nha (ấp An Hòa A) đã hiến hơn 200m2 đất để xây đường. Sau khi tuyến đường hoàn thành, chị đã tự đi tìm các loại hoa soi nhái, hoa cúc… đem về trồng và chăm chút rất kỹ nên tuyến đường trước nhà chị luôn rực rỡ sắc hoa. “Mình chăm sóc hoa cũng là làm đẹp cho nhà mình, xóm mình, nên khi hoa rụi là tui trồng tiếp để lúc nào bà con đi ngang cũng thấy đẹp”- chị Lê Thị Nha cười tươi.

Chuyển dịch đúng hướng, thu nhập tăng cao

5 năm trước, xã Bình Ninh có đến 65% diện tích đất nông nghiệp trồng lúa, còn lại là trồng màu và cây ăn trái. Qua vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đến nay, toàn xã có 60% diện tích đất nông nghiệp trồng cây ăn trái và hoa màu. Bên cạnh, xã còn vận động nhân dân phát triển các mô hình chăn nuôi bò, dê, ếch, lươn… để nâng cao thu nhập trên cùng diện tích canh tác.

Từ 6 con dê nuôi lúc đầu, đến nay anh Nguyễn Minh Điền (ấp Bình Điền) có đàn dê trên 20 con. Ngoài tận dụng cỏ vườn làm thức ăn cho dê, anh Điền còn tận dụng phân dê ủ để bón lại cho vườn cây ăn trái. Bên cạnh, đào ao nuôi ếch trong vèo, bên dưới nuôi cá tra và cá rô, đã đem đến cho anh nguồn thu khá. 

“Thông qua vận động của địa phương và nhờ được tham gia các lớp khuyến nông mà tui đã mạnh dạn phát triển chăn nuôi và học hỏi thêm nhiều kiến thức hay để áp dụng”- anh Điền cho biết.

Gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, người dân còn phát triển chăn nuôi để nâng cao thu nhập trên cùng diện tích canh tác. Trong ảnh: Anh Điền chăm sóc đàn dê.
Gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, người dân còn phát triển chăn nuôi để nâng cao thu nhập trên cùng diện tích canh tác. Trong ảnh: Anh Điền chăm sóc đàn dê.

Theo ông Nguyễn Thanh Tùng- Chủ tịch UBND xã Bình Ninh, xã đã xác định từng tiêu chí cụ thể trong 19 tiêu chí NTM để phát động trong nội bộ và nhân dân hưởng ứng thực hiện. Trong đó, quy hoạch vùng sản xuất, tập trung vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi để nâng cao thu nhập, cũng là nâng chất cuộc sống của người dân. Nhờ vậy, đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 47,73 triệu đồng/năm; hộ nghèo giảm còn 1,43%...

Thời gian tới, xã sẽ tập trung nâng chất tiêu chí trường học và quốc phòng- an ninh, trong đó tiếp tục phát huy các mô hình đèn thắp sáng, camera an ninh để giữ ổn định tình hình an ninh trật tự trên địa bàn xã.

Từ một xã điều kiện kinh tế- xã hội còn nhiều khó khăn, nhờ có sự quyết tâm cao và sự chung sức chung lòng của cả hệ thống chính trị và người dân trong xây dựng NTM mà diện mạo xã Bình Ninh đã được đổi mới, đời sống người dân không ngừng nâng lên. Đây là kết quả quan trọng để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương tiếp tục nỗ lực, phấn đấu đạt các tiêu chí của xã NTM nâng cao trong giai đoạn tới.

Qua gần 10 năm, tổng vốn đầu tư xây dựng NTM xã Bình Ninh đạt gần 222 tỷ đồng, trong đó vốn địa phương vận động trong dân và nguồn khác hơn 39 tỷ đồng. Xã có 11/19 tiêu chí đạt vượt so quy định. Cụ thể, tỷ lệ diện tích đất nông nghiệp được tưới và tiêu chủ động vượt 20%; tỷ lệ ấp văn hóa của xã vượt 30%; tỷ lệ lao động có việc làm qua đào tạo vượt 48,89%...

 


Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI