Giải quyết bảo hiểm thất nghiệp, tư vấn hỗ trợ tìm việc

Cập nhật, 07:57, Thứ Tư, 08/04/2020 (GMT+7)

Bên cạnh tiếp nhận và nỗ lực giải quyết khi người lao động đến nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp (bảo hiểm thất nghiệp- BHTN), Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Vĩnh Long tăng cường tư vấn, hỗ trợ để người lao động học nghề, tìm việc.

Trung tâm Dịch vụ việc làm hỗ trợ, tư vấn cho lao động muốn tìm việc làm và học nghề.
Trung tâm Dịch vụ việc làm hỗ trợ, tư vấn cho lao động muốn tìm việc làm và học nghề.

Lê Thị Thạch Cà Tha (sinh năm 1982) làm công nhân tại tỉnh Bình Dương khoảng 7 năm, gần đây nhà có việc nên xin nghỉ về quê (Trà Ôn) chăm sóc gia đình. Riêng chồng chị vẫn ở lại tiếp tục làm việc. Cuối tháng 3/2020, Cà Tha đến cơ quan chức năng tỉnh nộp hồ sơ xin hưởng BHTN. Khá nhanh gọn, chị được tiếp nhận hồ sơ và giải quyết theo quy trình, hẹn cuối tháng sau đến nhận quyết định, chế độ thụ hưởng.

Chị Giảng Y Bình cũng tầm tuổi nữ công nhân Cà Tha, làm công việc tiếp cận, tư vấn khách hàng (sale) cho một công ty nước ngoài có nhà phân phối tại Phường 4 (TP Vĩnh Long). Chị cho biết đã làm được 4 năm 8 tháng và “giờ ở nhà chăm con nhỏ”. Như các công nhân, người lao động khác, chị cũng làm thủ tục để hưởng BHTN.

Đầu tháng 3 đến nay, mỗi ngày có hàng chục lao động đến Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh (Sở Lao động- Thương binh và Xã hội) làm thủ tục BHTN. Các ngày đầu tuần, lượng người đến làm thủ tục có thể 100- 150 người/ngày. Như hôm 30/3, chỉ buổi sáng, có trên 150 người lao động nộp hồ sơ hưởng BHTN.

Theo ông Nguyễn Thanh Đông- Trưởng Phòng BHTN của trung tâm, thường người lao động sau kỳ nghỉ lễ, tết đến làm thủ tục đề nghị hưởng BHTN đông. Tuy nhiên, có thể thấy 2 tháng nay, do không loại trừ ảnh hưởng của tình hình dịch COVID-19, số này liên tục tăng. Tháng 2/2020, hơn 400 lao động làm thủ tục BHTN, tăng hơn 70% so tháng 1. Tháng 3, số này tăng hơn 174% so tháng 2. Ước tính, hơn 50% số lao động có nhu cầu hưởng chế độ này làm việc trong tỉnh, số còn lại làm việc ở các địa phương khác.

Theo rà soát, người lao động mất việc chủ yếu là công nhân lao động phổ thông, có trình độ tay nghề thấp thuộc các ngành nghề chế biến, chế tạo. Nguyên nhân mất việc chủ yếu là do đôi bên thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn. Cũng có bộ phận người lao động muốn nhảy việc, thay đổi công việc có mức lương cao và đãi ngộ tốt hơn... Dù các lý do thế nào, họ được giải quyết BHTN nếu đã tham gia chính sách BHTN.

Trong tháng 3, có hơn 1.000 người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp; hơn 2.100 người đến thông báo tìm kiếm việc làm và trên 3.600 lượt người thất nghiệp được tư vấn giới thiệu việc làm... Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm- Lê Thị Huế Nhi cho biết: Thời gian qua, đơn vị phân luồng, hướng dẫn hồ sơ và cố gắng giải quyết nhanh chế độ chính sách BHTN theo yêu cầu của người lao động. Đồng thời là việc hỗ trợ, tư vấn cho người lao động muốn tìm việc làm và học nghề trong quá trình hưởng trợ cấp thất nghiệp...

Bằng các giải pháp đề ra, cơ quan chức trách sẽ giải quyết tốt nhu cầu của người lao động, góp phần ổn định tình hình lao động, việc làm trong thời điểm khá khó khăn này.

Bài, ảnh: TƯỜNG VÂN