"Hiến vàng" đổi mới quê hương

Cập nhật, 07:25, Thứ Tư, 08/04/2020 (GMT+7)

 

Bà Võ Thị Biết đã hiến đất để xây trạm cấp nước và làm đường giao thông nông thôn.
Bà Võ Thị Biết đã hiến đất để xây trạm cấp nước và làm đường giao thông nông thôn.

“Đất đai là tài sản gắn liền như khúc ruột của nông dân” và cũng được ví “tấc đất, tấc vàng” nhưng nhiều người đã sẵn lòng cho đi tài sản quý báu đó của mình để góp phần cùng Nhà nước xây dựng các công trình hạ tầng nông thôn, chung tay xây quê hương ngày càng đổi mới.

Hiến “vàng” xây đường, trạm cấp nước

Năm 2013, trước nhu cầu người dân cần kéo nước sạch về nông thôn, Đảng ủy, UBND xã Mỹ Lộc (Tam Bình) đã đi nhiều nơi vận động nhưng chưa được. Khi đó bà Võ Thị Biết (ấp Cái Sơn)- vợ liệt sĩ Phan Văn Sanh- đã gật đầu “cái rụp”, hiến 1.100m2 đất xây Trạm cấp nước Mỹ Lộc 2, phục vụ người dân Ấp 10, 11, 6A, Cái Sơn (xã Mỹ Lộc) và ấp Phú Hữu Yên (xã Song Phú- Tam Bình).

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông Phan Văn Sanh là đội viên an ninh xã. Năm 1971, khi ông hy sinh, lúc đó bà Biết chỉ mới 37 tuổi, một mình bà nuôi 7 người con, trong đó đứa út còn đỏ hỏn. Khó khăn là vậy, nhưng bà vẫn giữ liên lạc với những người làm cách mạng, mua đồ tiếp tế cho bộ đội và cán bộ kháng chiến…

Theo bà Biết, phần đất bà hiến trước đây là đất Nhà nước cấp cho dân nghèo từ những năm 1945. Sau này, Nhà nước cần thì mình cống hiến lại để kéo nước sạch về cho dân mình sử dụng. Có nước sạch, bà con mừng dữ lắm luôn. Chứ trước kia, nơi đây là vùng sâu, vùng xa, không nước nôi, đường sá… khó khăn trăm bề.

Chỉ tay vào con đường trước nhà, bà Biết kể tiếp: khi Nhà nước đầu tư xây dựng con đường này, bà cũng đã hiến 500m2 đất để cùng Nhà nước làm đường liên xã Mỹ Lộc- Song Phú. Nhờ vậy mà giờ đây quê hương ngày càng thay đổi, đường sá đi lại thoải mái, chuyện mua bán, vận chuyển hàng hóa giờ ngon ơ.

Tuyến đường rộng lớn Rạch Chanh- Mỹ Hòa (xã Mỹ Hòa- TX Bình Minh) được xây dựng và đưa vào sử dụng chính là nhờ sự đồng lòng của người dân trong hiến đất xây đường. Bà Nguyễn Thị Mỹ Liên (ấp Mỹ Phước 1) cho biết: Cách đây gần chục năm, gia đình bà đã phải chặt 1 hàng bưởi Năm Roi (25 cây) đang cho trái- chạy dài 100m để hiến đất làm đường.

Song, điều đáng nói là, phần đất này trước đây tuy chỉ là bờ kinh nhưng bà Liên phải mua với giá 1,5 chỉ vàng (năm 2005).

Nếu tính luôn tiền mua đất và huê lợi từ cây bưởi thì bà Liên đã có sự đóng góp không nhỏ, nhưng với bà “nếu tính thiệt hơn thì mình đâu có đường thông thoáng để đi, tuy mất đất nhưng mình cũng có cái lợi là thu hoạch bưởi xong là có xe tới tận nhà lấy, không phải mất công đợi nước lớn bơi xuồng đi bán như trước nữa”.

Bà Liên kể: “Lúc trước ở đây chủ yếu đi đường mé sông và vắng hoe à, mà mỗi lần đi phải hỏi đi nhờ qua đất nhà người khác, tết đến cũng phải quà cáp cám ơn người ta. Từ khi xây xong con đường này, mình muốn đi đâu cũng dễ, con cháu mình ở xa về thăm đi lại thoải mái”.

Người dân không đứng ngoài cuộc

Theo Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) tỉnh, tổng nguồn lực huy động để xây dựng NTM giai đoạn 2011- 2019 gần 7.128,5 tỷ đồng; trong đó vốn huy động từ các doanh nghiệp, cộng đồng dân cư và các nguồn hợp pháp khác trên 1.316,6 tỷ đồng, chiếm 18,5%.

Qua 10 năm (2010- 2020), phong trào thi đua “Vĩnh Long chung sức xây dựng NTM” đã có tác động tích cực, làm thay đổi nhận thức trong đội ngũ cán bộ công chức các cấp và nhân dân về xây dựng NTM và đã trở thành phong trào rộng khắp trên toàn tỉnh. Vai trò chủ thể của người dân đã từng bước được thể hiện rõ nét qua chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm” hay “Dân làm, Nhà nước hỗ trợ”.

Bà Nguyễn Thị Mỹ Liên đã hiến phần đất trồng hàng bưởi Năm Roi chạy dài 100m để làm đường giao thông nông thôn.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Liên đã hiến phần đất trồng hàng bưởi Năm Roi chạy dài 100m để làm đường giao thông nông thôn.

Nhớ lại, cách đây hơn chục năm, khi ông Phạm Văn Minh (ấp Mỹ Thới 1, xã Mỹ Hòa- TX Bình Minh) cất nhà toàn chở vật tư bằng xe gắn máy mà đường đi lại rất khó, phải “bò vô trần thân luôn” hoặc chở ghe rồi vô bao túm lên. Tính ra cất 1 cái nhà trị giá bằng 1,5 cái vì tốn quá nhiều chi phí vận chuyển và khá mất thời gian”- ông Minh kể.

Đó cũng là một trong những khó khăn của người dân khi chưa xây dựng NTM. Chính vì vậy, khi Nhà nước vận động hiến đất xây đường, người dân nơi đây đã gật đầu “cái rụp”. Điều đáng quý là đất ở Mỹ Hòa có giá trị không nhỏ (có nơi lên đến 1,5 tỷ đồng/công), nhưng bà con đều đồng tình nói “cần bao nhiêu cứ lấy”.

Song, khi công trình hoàn thành, thấy đường đi lại còn hẹp thì bà con rủ nhau đóng góp tiền, ngày công để mở rộng con đường, để đi lại, vận chuyển hàng hóa thoải mái hơn.

Theo ông Minh, từ lúc Nhà nước đầu tư xây dựng NTM, chuyện làm ăn, sinh hoạt của người dân giờ “ngày càng khỏe re”, có đường rộng rãi để đi, rồi điện, nước sạch… được kéo về nông thôn, đáp ứng nhu cầu dân sinh, nhất là về đêm khỏi phải đốt đuốc hay rọi đèn pin như trước nữa “Mỗi hộ góp 500.000đ mà có đèn thắp sáng xài hoài, thiệt là sướng”- ông Minh khoe.

Ông Nguyễn Thanh Cần- Chủ tịch UBND TX Bình Minh- nhận định: Trong xây dựng NTM, để công tác huy động sức dân đạt hiệu quả không phải vận động một ngày một bữa mà phải kiên trì thuyết phục và quan trọng là phải làm sao để người dân thấy được lợi ích của mình thì sẽ tạo được sự đồng thuận cao. Khi chính quyền vào cuộc quyết liệt thì người dân sẽ không đứng ngoài cuộc.

Năm 2020, tỉnh Vĩnh Long tiếp tục huy động các nguồn lực đầu tư cho NTM, nhất là nguồn lực ngoài nhà nước (từ nhân dân, các tổ chức, doanh nghiệp và các nguồn hợp pháp khác) và triển khai các chính sách khuyến khích doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Đồng thời, tăng cường đôn đốc địa phương đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo hoàn thành đúng kế hoạch các công trình hạ tầng thiết yếu (giao thông, thủy lợi, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, nước sạch…).

Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI