Tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm sau học nghề đạt trên 95%

Cập nhật, 05:44, Thứ Ba, 26/11/2019 (GMT+7)

Từ năm 2010 đến nay, tỉnh Vĩnh Long đã tổ chức hỗ trợ đào tạo nghề cho trên 94.000 lao động nông thôn với tổng kinh phí hỗ trợ đào tạo hơn 142,8 tỷ đồng.

BCĐ thực hiện Đề án 1956 các cấp của tỉnh đã chú trọng tăng cường liên kết hỗ trợ đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm.

Trong đó, ưu tiên tổ chức đào tạo nghề gắn với các mô hình dự án, giải quyết việc làm, giảm nghèo cho lao động nông thôn, như: đào tạo nghề chăn nuôi bò gắn với dự án hỗ trợ bò giống cho hộ nghèo; đào tạo nghề xây dựng dân dụng gắn với hỗ trợ nhà ở cho các hộ gia đình khó khăn và xây dựng các công trình phúc lợi xã hội tại địa phương; đào tạo nghề trồng nấm bào ngư xám cho hộ nghèo gắn với hỗ trợ phôi nấm để phát triển sản xuất.

Ngoài ra, còn đào tạo nghề để tạo nguồn đi xuất khẩu lao động, đào tạo nghề gắn với các chương trình khuyến công, khuyến nông…

Đồng thời, chỉ đạo các cơ sở đào tạo khi tổ chức lớp dạy nghề phải phối hợp, xác định phương án tự tạo việc làm tại chỗ hoặc ký hợp đồng với doanh nghiệp để tuyển dụng lao động, bao tiêu sản phẩm cho người lao động sau học nghề. Nhờ vậy, tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm sau học nghề đạt trên 95%.

NGUYỄN PHƯƠNG