Kết nối phố

Chiến lược để "hóa giải" thách thức của đô thị

Cập nhật, 14:17, Thứ Tư, 13/11/2019 (GMT+7)

Theo Cục Phát triển đô thị (thuộc Bộ Xây dựng), 20 năm qua, tỷ lệ đô thị (ĐT) hóa cả nước tăng từ 23,7% năm 1999 lên 38,4% năm 2018. ĐT hóa tăng nhanh ở khu vực các ĐT lớn, lan tỏa và phân bố đồng đều hơn trên phạm vi cả nước.

Tăng trưởng kinh tế ở khu vực ĐT trung bình 12- 15%, cao hơn 2- 2,5 lần so mặt bằng chung cả nước. Các ĐT tiếp tục khẳng định vai trò tạo động lực phát triển kinh tế của cả nước, tạo ra hàng triệu việc làm cho người lao động, góp phần quan trọng phát triển kinh tế- xã hội.

Tuy nhiên, quá trình ĐT hóa cũng xuất hiện một số tồn tại hạn chế và đối mặt với không ít thách thức: hệ thống ĐT phát triển chưa hài hòa, đồng bộ; chưa bảo đảm khả năng liên kết trong từng ĐT, giữa các ĐT và giữa ĐT với nông thôn.

Diện tích ĐT mở rộng nhanh kéo theo tình trạng sử dụng đất ĐT chưa hiệu quả; hệ thống hạ tầng chưa đáp ứng nhu cầu của người dân và các hoạt động kinh tế; năng lực và tư duy quản lý ĐT chưa theo kịp tốc độ ĐT hóa.

Đóng góp ý kiến về Chiến lược phát triển ĐT Việt Nam giai đoạn 2021- 2030, đại diện Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đưa ra cảnh báo về nguy cơ xấu cũng như bàn về giải pháp cân bằng để các ĐT phát triển bền vững.

Theo đại diện ADB, Việt Nam có 3 chiến lược trọng tâm cần giải quyết gồm: tăng cường năng lực cạnh tranh kinh tế của các hệ thống ĐT; bảo vệ môi trường ĐT, xây dựng năng lực thích ứng và phát triển hạ tầng tích hợp; nâng cao chất lượng và tính bao trùm trong phát triển ĐT. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn thì cho rằng, để giải quyết bất cập, chính quyền ĐT cần rà soát quy hoạch, kế hoạch, quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc ĐT cho phù hợp với điều kiện thực tế địa phương.

Cùng đó, xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển cho hệ thống ĐT và từng ĐT trực thuộc. Ngoài ra, chủ đầu tư tham gia các dự án phát triển ĐT phải tăng cường năng lực, sức cạnh tranh và thực hiện đầy đủ trách nhiệm xã hội.

SÔNG HẬU