Mãi khắc ghi công lao những người vì Tổ quốc quên mình

Cập nhật, 06:17, Thứ Ba, 23/07/2019 (GMT+7)

Nhân kỷ niệm 72 năm ngày Thương binh- Liệt sĩ (27/7), ngày 22/7/2019, tại tỉnh Vĩnh Long, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trao “Bằng Tổ quốc ghi công” cho 72 gia đình, thân nhân liệt sĩ đại diện cho thân nhân của 468 liệt sĩ trên cả nước. Việc vinh danh những anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc là hành động thiết thực và rất ý nghĩa.

Niềm tự hào của thân nhân gia đình liệt sĩ nhận “Bằng Tổ quốc ghi công”. Ảnh: Tấn Anh
Niềm tự hào của thân nhân gia đình liệt sĩ nhận “Bằng Tổ quốc ghi công”. Ảnh: Tấn Anh

Vinh danh 468 liệt sĩ qua các thời kỳ

Tại buổi lễ, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội (LĐ- TB & XH) công bố 2 quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc công nhận và trao bằng Tổ quốc ghi công cho tổng cộng 468 thân nhân gia đình có liệt sĩ hy sinh trên cả nước.

Tại buổi lễ, đã tiến hành trao bằng trực tiếp cho 72 thân nhân liệt sĩ trên cả nước, trong đó có 11 bằng cho thân nhân ở tỉnh Vĩnh Long.

Bồi hồi xúc động, ông Lương Minh Chuyên (xã Minh Tân, huyện Đông Hưng- Thái Bình) đến để nhận bằng Tổ quốc ghi công cho cha.

Ông Chuyên cho biết: “Bố tôi là Lương Đức Ân, làm du kích chiến đấu trong trận càn Trái Quýt năm 1951, bị địch bắt tra tấn dã man rồi chặt đầu ném xác xuống sông. Địa phương và gia đình làm đơn đề nghị nhiều lần, nhiều năm song do không tìm thấy xác bố nên đề nghị đã đi vào bế tắc.

Được sự quan tâm giúp đỡ của địa phương và Bộ LĐ- TB & XH, sau 68 năm, bố tôi được xác nhận danh phận là liệt sĩ chiến đấu, bảo vệ độc lập cho dân tộc. Gia đình chúng tôi hết sức phấn khởi”.

Là một trong những người trẻ tuổi nhất trong số các thân nhân liệt sĩ đến nhận bằng Tổ quốc ghi công, anh Trương Văn Nhiệm (32 tuổi, ở xã Trung Ngãi, huyện Vũng Liêm- Vĩnh Long) đến để cùng tôn vinh cha mình- liệt sĩ Trương Văn Hai.

Ông Hai làm du kích ở xã, trong một trận càn, ông bị thương tật mất 1 chân và 1 mắt. “Cha tui sống với nỗi đau đớn khi mất một phần cơ thể, là thương binh 1/4 .

Đến năm 1991 thì vết thương tái phát rồi cha mất, bên trong mắt vẫn còn miểng đạn. Hôm nay, được thay cha đến nhận bằng, tui thấy rất tự hào và cảm ơn vì được chính quyền địa phương, Nhà nước quan tâm”- anh Trương Văn Nhiệm chia sẻ.

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ LĐ- TB & XH Đào Ngọc Dung cho biết, trong số 468 liệt sĩ được công nhận, rất cảm động và day dứt bởi có đến 144 liệt sĩ hy sinh từ thập niên 40, 50 của thế kỷ trước.

Người hy sinh cách đây lâu nhất vào năm 1940 là liệt sĩ Nguyễn Văn Trượng (huyện Vũng Liêm- Vĩnh Long) trong hoàn cảnh bị địch bắt và tra tấn đến chết trong tù. Gần 20 trường hợp là đội viên du kích tham gia chống càn tại tỉnh Bắc Giang, Hải Dương sau nhiều năm thu thập thông tin, chứng cứ đến nay mới được xác nhận.

Liệt sĩ Vũ Văn Chúc (tỉnh Nam Định) lúc sinh thời giác ngộ cách mạng từ rất sớm. Trong quá trình nuôi giấu cán bộ, ông bị địch phát hiện, bắt giữ nhưng cương quyết không khai báo.

Ông bị địch tra tấn đến chết vào năm 1951. Đặc biệt, gần 20 chiến sĩ là những tín đồ của đạo Cao Đài yêu nước dũng cảm hy sinh trong trận chiến chống thực dân Pháp đánh vào Thánh thất Giồng Bốm vào năm 1946 (nay thuộc tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau);…

Ông Trần Văn Rón- Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long- cho biết: Vĩnh Long hiện nay có trên 62.000 người có công được ghi nhận, tôn vinh cùng hàng chục ngàn người tham gia kháng chiến, đóng góp sức người, sức của cho cách mạng. Sự hy sinh của đồng bào, chiến sĩ là vô giá.

Đảng, Nhà nước và nhân dân đời đời tri ân các anh hùng liệt sĩ đã không ngại hy sinh, gian khổ hiến dâng cả tuổi thanh xuân vì độc lập tự do của Tổ quốc. Lễ trao tặng “Bằng Tổ quốc ghi công” được tổ chức tại Vĩnh Long là sự kiện vô cùng ý nghĩa.

Đây còn là dịp để cán bộ, đảng viên và nhân dân tỉnh nhà bày tỏ lòng tri ân, tưởng nhớ, tôn vinh đối với tất cả các anh hùng liệt sĩ, trong đó có những người con của quê hương.

Sẽ không để sự chờ đợi kéo dài thêm

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc và khẳng định Đảng, Nhà nước và nhân dân sẽ mãi mãi khắc ghi công lao to lớn của các bậc cách mạng tiền bối, các anh hùng liệt sĩ, các thương binh và những người có công với nước.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: Đảng, Nhà nước luôn chỉ đạo nhất quán chủ trương “Uống nước, nhớ nguồn”, không để người có công nào không được hưởng chính sách của Đảng, Nhà nước và giao cho Bộ LĐ-TB & XH tập trung rà soát, xem xét, xác nhận người có công với cách mạng, đặc biệt là đối với các hồ sơ không còn giấy tờ gốc hay những người giao nhiệm vụ và biết sự việc không còn nữa...

Qua 3 năm triển khai theo quy trình giải quyết hồ sơ tồn đọng xác nhận người có công, Bộ LĐ-TB & XH với nỗ lực rất cao đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai giải quyết hồ sơ tồn đọng với những cách làm sáng tạo, thận trọng, chặt chẽ, công khai, minh bạch. Đến nay, đã xác nhận được gần 2.000 liệt sĩ, trên 2.600 thương binh và người hưởng chính sách như thương binh, trong đó nhiều trường hợp đã hy sinh cách đây 70- 80 năm.

Đây là một công việc rất khó khăn, phức tạp, đòi hỏi sự thận trọng và nêu cao vai trò trách nhiệm của đội ngũ cán bộ làm công tác TB & XH các cấp từ Trung ương tới địa phương. 

Đồng thời, đánh giá cao vai trò của Bộ LĐ- TB & XH và các cơ quan, địa phương, sự tham gia tích cực của nhân dân trong quá trình xác nhận, giải quyết hồ sơ tồn đọng.

“Xác nhận đến đâu sẽ công bố cho thân nhân gia đình biết đến đó, không để sự chờ đợi của gia đình kéo dài thêm. Việc công bố chung sẽ được tổ chức lễ long trọng trong các ngày lễ lớn của dân tộc”- Chủ tịch Quốc hội đề nghị.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị các bộ, ngành cần tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng và hệ thống chính sách đối với người có công để góp phần thực hiện ngày càng tốt hơn các chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước.

“Phấn đấu đến năm 2020, 100% gia đình người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú. Bí thư các tỉnh- thành ủy phải trực tiếp chỉ đạo công tác này, báo cáo ra Trung ương”- Chủ tịch Quốc hội đề nghị.

Sáng 22/7/2019- một buổi sáng đầy xúc động và tự hào khi Vĩnh Long được chào đón 72 thân nhân liệt sĩ của cả nước về dự lễ trao bằng Tổ quốc ghi công. Đó là một ngày lắng đọng để Đảng, Nhà nước và nhân dân khắc ghi, tưởng nhớ những anh hùng liệt sĩ đã “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, hiến dâng tuổi thanh xuân và cả cuộc sống của mình cho đất nước, cho lý tưởng cao cả. Hàng triệu người con ưu tú như thế của dân tộc đã ngã xuống vì nền độc lập, tự do, thống nhất đất nước; vì sự bình yên, hạnh phúc của nhân dân; vì sự phồn vinh của Tổ quốc.

Thương binh 2/4 Lê Văn Tôn (huyện Càng Long- Trà Vinh): Mất để con cháu muôn đời được sống

Hôm nay, chú được mời đến nhận “Bằng Tổ quốc ghi công” cho cậu ruột là liệt sĩ Ngô Văn Lẹ, hy sinh năm 1967. Cậu hy sinh khi làm nhiệm vụ giao liên, chuyển thơ cho xã ủy xuống các ấp thì bị “bom đêm bỏ”. Cậu bị thương nặng và sau đó 4 giờ thì hy sinh. Hồ sơ trước đó có làm rồi, nhưng bị lạc, sau đó gia đình làm lại và hôm nay được Tổ quốc ghi công, cả nhà đều mừng và tự hào lắm. “Gia đình chú là gia đình truyền thống cách mạng, cha và 3 em ruột chú là liệt sĩ; mẹ chú được Nhà nước phong tặng “Mẹ Việt Nam anh hùng”. Chú và 2 anh là thương binh. Trong chiến tranh nhiều mất mát, gia đình chú hy sinh, bị thương nhiều, nhưng mất để con cháu muôn đời được sống”.

Chú Lò Văn Hùng (huyện Mai Sơn- Sơn La): Cảm động và tự hào khi 2 bác được Tổ quốc ghi công

Hai bác của chú là liệt sĩ Lò Văn Cu và liệt sĩ Lò Văn Nhì hy sinh trong kháng chiến chống Pháp và phát xít Nhật vào cuối năm 1953, đầu năm 1954 khi vừa tròn 20 tuổi. Buổi lễ này rất xúc động, ý nghĩa vì sau hơn 66 năm hy sinh công lao của 2 bác và các liệt sĩ đã được Tổ quốc ghi công.

Chị Trần Thị Thúy: Cố gắng sống thật tốt dù không còn trụ cột trong gia đình

Từ Hà Nội, chị Trần Thị Thúy và con gái nhỏ vượt gần 2.000 cây số đến Vĩnh Long nhận “Bằng Tổ quốc ghi công” cho chồng- Trung tá Trần Văn Vang.

Tại Km66 đường cao tốc Hà Nội- Thái Nguyên, Trung tá Trần Văn Vang đang thực hiện nhiệm vụ tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm thì có người điều khiển mô tô không đội mũ bảo hiểm, không tuân theo nhiệm vụ dừng phương tiện để kiểm tra mà còn bất ngờ đâm thẳng xe vào đồng chí Vang khiến đồng chí bị thương nặng rồi hy sinh.

Chị Thúy lau nước mắt, kể lại chuyện về chồng và chia sẻ: “Bằng Tổ quốc ghi công hôm nay được nhận là niềm an ủi lớn để tôi và con gái 6 tuổi cố gắng sống thật tốt dù không còn trụ cột trong gia đình”.

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN- PHƯƠNG THÚY