Câu chuyện nông thôn

Chuyện đời "rau" và "rau sạch"

Cập nhật, 16:30, Thứ Tư, 20/12/2017 (GMT+7)

Một hôm, tình cờ cọng rau “bình thường” được gặp cọng rau sạch trong siêu thị. Hai cọng rau nhận ra nhau vì chúng vốn là anh em ruột chung một mẹ “cải xanh” sinh ra.

Cũng từng được gieo trồng, cũng lớn lên, uống nước, ăn phân vậy mà cọng rau anh thì được bao bọc đẹp đẽ, giá mắc gấp đôi; cọng rau em nhìn cũng đẹp… ngang ngửa, mà giá chỉ bằng một nửa. Tức tối lắm, cọng rau em khóc hu hu:

Anh Hai nói nghe coi, cùng một mẹ sinh ra sao anh lại đắt giá gấp đôi em vậy?

Cọng rau anh nhìn cọng rau em cũng mủi lòng thương, tặc lưỡi giải thích:

Ở đời, cọng rau cũng có số em ạ! Anh được chăm bón đúng chuẩn, giờ là rau sạch được vào cửa hàng, cửa hiệu nên giá anh cao!

Cọng rau em vẫn còn “ganh ăn ghét ở”, nói:

Em cũng láng mướt, được tắm rửa kỹ trước khi cân chứ bộ.

Rau anh bực bội vì rau em chậm hiểu, vừa mắng vừa giải thích thêm:

Mầy cũng rau sạch nhưng mà chỉ sạch hình thức, “tốt nước sơn” thôi. Anh tuy hơi cứng, hơi xanh hơn nhưng ăn vào an toàn, anh “tốt gỗ”. Ba má mình hay nói “tốt gỗ hơn tốt nước sơn” là vậy đó!

Bây giờ thì cọng rau em đã biết thân biết phận. Nó hiểu rằng dù hình thức có quan trọng thì cũng chỉ đứng sau nội dung. Rau đẹp thì tốt rồi nhưng phải sạch, ngon, phải lành thì mới đắt giá. Nó càng thấm thía rằng, xã hội càng phát triển thì càng phải sản xuất sạch hơn- chất lượng cao thì mới mong đắt giá!

Đó là câu chuyện Hai Lúa tui nghe được trên rẫy rau hồi đêm qua.

CAO HUYỀN