Tháng 4 về vùng căn cứ

Cập nhật, 15:04, Thứ Sáu, 28/04/2017 (GMT+7)

Tháng 4 về, chúng tôi có dịp về thăm những vùng căn cứ kháng chiến Tầm Vu (Bình Tân) và Di tích căn cứ Cái Ngang (Tam Bình).

Dọc theo QL1 đi Bình Minh, rẽ qua cầu Thành Lợi, theo QL54 một đỗi là đến huyện Bình Tân. Từ Bình Tân về lại QL1 rẽ phải vào đường huyện Phú Lộc- Bào Gốc mấy cây số là đến Khu Căn cứ cách mạng Cái Ngang.

Màu xanh của những cánh đồng khoai lúa, màu hồng tươi, vàng nắng… của những nhà tường san sát như đón chân người về lại nơi đây, để nghe lại một thời hào hùng…

Huyền thoại căn cứ kháng chiến

Vĩnh Long là địa bàn đồng bằng không có lợi thế núi rừng hiểm trở, nhưng trải qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, trên vùng đất này đã xây dựng nên 2 căn cứ cách mạng “đứng chân” giữa sự càn quét, “chà xát” của đạn bom.

Đặc biệt, những năm 1962- 1971 với mục tiêu “bình định” miền Nam của địch. Tại hội nghị sơ kết chống phá bình định của địch giai đoạn 1969- 1971, Đại tướng Lê Đức Anh- khi đó là Tư lệnh Quân khu 9- đánh giá: “Việc Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long còn đứng vững trên địa bàn, tức là Mỹ thua rồi”.

Đây là đánh giá mang tầm chiến lược, có ý nghĩa lịch sử khẳng định vai trò, tầm quan trọng của căn cứ cách mạng trên địa bàn Vĩnh Long đối với tình thế cả chiến trường Tây Nam Bộ.

Về thăm căn cứ Tầm Vu ngày nay thật khó mà hình dung được dấu tích căn cứ kháng chiến ngày xưa; để dễ hình dung và hiểu được tầm quan trọng đặc biệt của địa bàn này, ông Nguyễn Văn Út (chú Mười Quẹo)- nguyên Tỉnh đội phó Tỉnh đội Vĩnh Long giải thích:

Các chú, các bác cán bộ, lãnh đạo năm xưa về thăm lại căn cứ cách mạng Cái Ngang.
Các chú, các bác cán bộ, lãnh đạo năm xưa về thăm lại căn cứ cách mạng Cái Ngang.

Vùng chữ V thuộc địa bàn huyện Châu Thành (Đồng Tháp), kéo dài từ Tân Nhuận Đông và An Phú Thuận, đến ngã ba Xẻo Mác từ đây thuộc địa bàn các xã Nguyễn Văn Thảnh và Mỹ Thuận (huyện Bình Minh cũ) là thuộc căn cứ Tầm Vu ngày xưa.

Đây là địa bàn trọng yếu Bắc sông Hậu sát nách “Tây đô”- Cần Thơ của địch, trong khi Tầm Vu xem như “thủ đô kháng chiến” của Bình Minh, nên ta và địch tranh thủ, giằng co ác liệt.

Nhắc những câu chuyện ngày xưa ở các vùng căn cứ, ông Phạm Hà Đông- nguyên Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Thuận (75 tuổi)- còn nhớ như in:

Căn cứ Tầm Vu xưa giờ phủ xanh những ruộng khoai lang.
Căn cứ Tầm Vu xưa giờ phủ xanh những ruộng khoai lang.

“Trong chiến tranh, tại Tầm Vu này, đi cả cây số mới thấy loáng thoáng một cái nhà. Đường đi chỉ là những lối mòn như trong rừng rậm, toàn cỏ, ô môi, bình bát, lục bình,…

Về Tầm Vu chỉ có đò giang cách trở. Nói đâu xa, hồi những năm 1990 mà cán bộ xã ra huyện họp, nếu trễ giờ chiều, hết đò thì chỉ có lội bộ hoặc ngủ lại”.

Còn trong trí nhớ của ông Châu Thành Bi (Ba Bi, 71 tuổi) thì khi chưa có chủ trương khẩn hoang, Tầm Vu là một vùng rậm rạp lau sậy cùng đưng lác: “Mùa khô khét nắng mấy tháng trời, mùa mưa nước ngập linh láng, không có chiếc xuồng thì chỉ còn biết ngồi bó gối nhìn trời.

Muốn mua cái gì cũng phải lội lõm bõm rã cẳng cả chục cây số. Khi con kinh Tầm Vu mới được đào xong, 2 bên bờ đất vàng khè màu phèn, và chỉ có một thứ cây sống được là cây bạch đàn. Đi xa xa mới thấy một vài cái nhà lá”.

Trong vùng Tầm Vu ấy, đội du kích dần lớn lên và tham gia kháng chiến trường kỳ. Ông Đông tham gia kháng chiến từ năm 1960, với vị trí địa phương quân. Ông cười móm mém: “Ban đầu đội du kích chỉ có súng tự chế, đến năm 1967 thì có được cây trường bá đỏ”.

Những câu chuyện kháng chiến ùa về với hình ảnh bà con tiếp tế cho cách mạng, nào thuốc, nào gạo… rồi cùng cách mạng đắp công sự. “Cái tình quân dân như cá nước tha thiết lắm. Nếu kể những người có công với cách mạng có khi phải kể hết cái vùng Tầm Vu này”.

Khác với căn cứ Tầm Vu khó tìm được dấu tích xưa vì đã nhiều thay đổi, Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia căn cứ Cái Ngang nhiều năm nay đã trở thành điểm tham quan, nơi về nguồn quen thuộc của biết bao du khách, các thế hệ đoàn viên thanh niên trong và ngoài tỉnh.

Trong dịp đón nhận danh hiệu di tích cấp quốc gia, khi trở lại đây cùng nhiều đồng chí, đồng đội, ông Nguyễn Ký Ức- nguyên Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long- phấn khởi, xúc động nhắc lại chuyện xưa, cũng như một lần nữa khẳng định tầm quan trọng đặc biệt của Khu Căn cứ cách mạng Cái Ngang trong kháng chiến: Trải qua 2 cuộc kháng chiến, vùng đất Cái Ngang bao gồm nhiều xã của huyện Tam Bình đã được chọn làm căn cứ cách mạng.

Nơi đây, không chỉ có vai trò quan trọng đối với tỉnh Vĩnh Long, mà có tầm ảnh hưởng lớn trên toàn địa bàn Tây Nam Bộ.

Một vùng căn cứ kháng chiến ác liệt đạn bom ngày nào, giờ đây được bao quanh bởi những cánh đồng bát ngát, những con đường rộng thênh thang xe cộ ngược xuôi và đang từng ngày dần bừng sáng lên những đô thị trong tương lai.

Vùng quê “đổi thịt thay da”

Về thăm lại vùng căn cứ kháng chiến xưa vào dịp Vĩnh Long đang bước vào những ngày kỷ niệm lịch sử, nhìn sự thay da đổi thịt của những vùng quê, hẳn ai cũng phải tự hào, xen lẫn những cảm xúc, lòng tri ân vô hạn.

Hình ảnh những chiếc xuồng chông chênh đưa trẻ đến trường nay đã trở thành “ngày xưa xa lắc”.Ảnh: LÊ HUYỀN THANH (TP Vĩnh Long)
Hình ảnh những chiếc xuồng chông chênh đưa trẻ đến trường nay đã trở thành “ngày xưa xa lắc”.Ảnh: LÊ HUYỀN THANH (TP Vĩnh Long)

Trải qua mấy mươi năm, biết bao người con của quê hương này đã ngã xuống, vì độc lập tự do cho đất nước. Rồi tiếp nối là những thế hệ dựng xây, vun đắp mới có được những miền quê, những phố thị như hôm nay.

Tầm Vu hôm nay đang khoác lên mình màu xanh mút tầm mắt của những cánh đồng chuyên canh hoa màu, đồng lúa năng suất chất lượng cao, những luống khoai xanh rì.

Chợ Tầm Vu, phố xá nhộn nhịp. Đó là kết quả của chủ trương khai hoang, cũng là lao động của biết bao người dân địa phương và người dân một thời đi làm kinh tế mới, đã đến đây đổ công sức làm nên hàng ngàn cây số kinh mương nội đồng lớn nhỏ, xả phèn, dẫn ngọt, kết hợp với đường giao thông, đê bao ngăn lũ…, cùng hợp sức làm nên sức sống của Tầm Vu vốn hàng trăm năm nghèo khó, một thời đồng đất “chó chạy hở đuôi”. 

Vùng nông thôn sâu khó khăn ngày nào giờ là hình ảnh huyện Bình Tân đổi mới.Ảnh: DƯƠNG THU
Vùng nông thôn sâu khó khăn ngày nào giờ là hình ảnh huyện Bình Tân đổi mới.Ảnh: DƯƠNG THU

Có mặt trên vùng đất Tầm Vu từ lâu, nhưng chưa bao giờ cây khoai lang lại phát triển mạnh mẽ như ngày nay. Trong đó, có giống khoai tím Nhật rất được ưa chuộng, làm hài lòng ngay cả những người tiêu dùng khó tính nhất. 

Xã Mỹ Thuận ngày nào giờ đã là xã nông thôn mới, đời sống người dân được nâng cao, thu nhập bình quân đầu người năm 2016 đạt 33,1 triệu đồng. Xã Nguyễn Văn Thảnh cũng đạt 28 triệu/người/năm.

Những ngày tháng 4 về thăm căn cứ cũ, miên man cùng những câu chuyện xưa, chúng tôi lần theo những địa danh ác liệt một thời với những trận đánh “tử sanh” như: sông Chẹt, rạch Trà Cuồng, Trà Kiết, Khoáng Tiết... giờ đây phủ màu xanh của những vườn sơ ri nối liền nhau qua nhiều ấp xóm.

Đồng đất Tầm Vu xanh mướt một màu xanh của khoai lang tím Nhật- giống khoai giúp xóa đói giảm nghèo, giúp vùng đất chua phèn đang giàu lên qua năm tháng.

Và, cả một vùng đất Tầm Vu rộng mênh mông đang giàu lên. Giàu lên nhờ trí tuệ dám nghĩ dám làm. Giàu lên nhờ đôi tay lao động, nhờ toàn Đảng, toàn dân chung một tấm lòng.

Xã Mỹ Thuận được UBND tỉnh công nhận là vùng căn cứ kháng chiến số 1 trong 3 vùng của huyện. Xã được công nhận là xã anh hùng. Về phát triển kinh tế: Năm 1976 năng suất lúa bình quân từ 1,5- 2 tấn/ha đến năm 1999 đạt 10 tấn/ha.

Năm 1999, cả xã chỉ có 80 hộ có tivi, máy cassette. Đến năm 2016, thu nhập bình quân đầu người đạt 33,1 triệu đồng/năm, tăng 7.980.000 đồng/người/năm, so với năm 2014.

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG- CAO HUYỀN