Thực trạng bạo lực gia đình và biện pháp kéo giảm

Cập nhật, 09:23, Thứ Năm, 24/11/2016 (GMT+7)

Hiện nay, bạo lực gia đình đã và đang trở thành một vấn đề xã hội nhức nhối; làm xói mòn các giá trị truyền thống tốt đẹp; là nguy cơ gây tan vỡ và suy giãm sự bền vững của gia đình Việt Nam; làm băng hoại các giá trị đạo đức truyền thống, tác động xấu đến môi trường giáo dục thế hệ trẻ, ảnh hưởng đến sự an toàn, lành mạnh của cộng đồng và trật tự xã hội; gây ra những tác động tiêu cực đến đời sống kinh tế, xã hội và quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nước ta.

Trong 9 tháng đầu năm 2016, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long đã xảy ra 76 trường hợp bạo lực gia đình. Trong đó: có 72 nạn nhân nữ, 5 người già và 2 trẻ em; có 41 trường hợp bạo lực về thân thể, 29 trường hợp bạo lực tinh thần, 5 trường hợp bạo lực về kinh tế và 1 trường hợp bạo lực tình dục. So với cùng kỳ của năm 2015, đã giảm 31 trường hợp bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh.

Các hành vi bạo lực chủ yếu là: chồng chửi, đánh vợ; cha, mẹ đánh con; anh, em ruột đánh nhau; con ngược đãi cha mẹ;…

Người gây ra bạo lực gia đình đại đa số là nam giới và nạn nhân là phụ nữ, người già và trẻ em. Nguyên nhân của các vụ việc bạo lực chủ yếu do bất bình đẳng trong phân công lao động giữa vợ và chồng, do bất hòa mâu thuẫn trong gia đình, ghen tuông, khó khăn về kinh tế và do từ tệ nạn rượu chè, cờ bạc,…

So với các năm trước, tình trạng bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh đã giảm đáng kể, từ khi triển khai mô hình can thiệp phòng, chống bạo lực gia đình tại 52 xã- phường-
thị trấn.

Với quyết tâm kéo giảm tối đa nạn bạo hành trong gia đình trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, nhằm thực hiện hiệu quả Chiến lược phát triển gia đình tỉnh Vĩnh Long đến năm 2020 theo Quyết định 683 và đạt những mục tiêu cơ bản của kế hoạch hành động phòng, chống bạo lực gia đình tỉnh Vĩnh Long đến năm 2020 theo Quyết định số 2337 của UBND tỉnh; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục thực hiện các giải pháp sau:

Một là, củng cố, kiện toàn, nâng cao trách nhiệm của BCĐ công tác gia đình các cấp trong việc phát huy tốt vai trò tham mưu, tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống bạo lực gia đình.

Hai là, đẩy mạnh việc thực hiện chương trình phối hợp với các sở, ban ngành, đoàn thể hữu quan tăng cường công tác tuyên truyền, chủ yếu là Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, đến giáp tay hội viên các cấp và sâu rộng ra quần chúng.

Ba là, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương rà soát, nắm bắt tình hình của những hộ gia đình nghèo, hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, để ưu tiên tiếp cận với chương trình xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ tiếp cận việc làm.

Bốn là, tăng cường các hoạt động truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền cổ động trực quan bằng nhiều hình thức.

Đặc biệt chú trọng bồi dưỡng, tập huấn, nâng cao kiến thức, nhằm phát huy khả năng tuyên truyền, vận động, giáo dục, tư vấn, can thiệp; cũng như kịp thời phát hiện các đối tượng có nguy cơ bạo lực gia đình, từ đội ngũ tham gia thực hiện công tác gia đình tại cơ sở.

Năm là, phát huy hiệu quả, duy trì, nhân rộng mô hình can thiệp phòng, chống bạo lực gia đình rộng khắp trên địa bàn tỉnh.

NẾP SỐNG GIA ĐÌNH