Bảo vệ tài nguyên thiên nhiên để phát triển bền vững

Cập nhật, 06:33, Thứ Hai, 17/10/2016 (GMT+7)

Vừa qua, tại tỉnh An Giang, diễn đàn Bảo tồn thiên nhiên và văn hóa vì sự phát triển bền vững vùng ĐBSCL lần thứ 8, với chủ đề: “Bảo tồn tài nguyên thiên nhiên vì an ninh lương thực và nền kinh tế bền vững vùng ĐBSCL”, các chuyên gia đã đưa ra nhiều vấn đề cấp bách về tài nguyên- môi trường,…

Nhân viên Vườn Quốc gia U Minh Hạ kiểm tra thiết bị đo lượng bùn than.
Nhân viên Vườn Quốc gia U Minh Hạ kiểm tra thiết bị đo lượng bùn than.

Nhiều vấn đề cấp bách

Diễn đàn do Cục Bảo tồn đa dạng sinh học (Bộ Tài nguyên- Môi trường) và Quỹ Bảo tồn thiên nhiên thế giới (WWF) tổ chức đã quy tụ được nhiều giải pháp, sáng kiến hay của nhiều nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực tài nguyên- môi trường.

Đó là các vấn đề về biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, nguồn nước trên lưu vực sông Mekong, bảo tồn và phát triển hệ thống canh tác nông nghiệp sinh thái lúa nổi tại ĐBSCL, cách tiếp cận sinh thái vì phát triển bền vững…

Trong đó, nổi bật nhất là hiện trạng và giải pháp bảo vệ nguồn tài nguyên trên lưu vực sông Mekong.

Theo TS. Đào Trọng Tứ- Trung tâm Phát triển bảo vệ tài nguyên nước, sông Mekong là khu vực có mức độ đa dạng sinh học cao thứ 2 thế giới (sau Amazon), nơi sản xuất lúa, gạo đủ nuôi sống 300 triệu người/năm, có 1.300 loài cá sinh sống và chế độ dòng chảy dao động theo mùa đã cung cấp môi trường và thức ăn cho các loài thủy sinh.

“Tuy nhiên, với sự phát triển hệ thống thủy điện của các quốc gia thượng nguồn trên sông Mekong đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến vùng hạ lưu, làm cho ĐBSCL phải gánh những tổn thất nặng nề như trong đợt thảm họa kép hạn hán, xâm nhập mặn vừa qua.

Hiện nay, nước lũ về ít cũng đang làm giảm nguồn lợi cá trắng, giảm sự đa dạng sinh học, thiếu phù sa bồi đắp cho đồng ruộng, nguy cơ xoáy lở bờ sông ngày càng tăng, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế- xã hội, đe dọa an ninh lương thực, sinh kế của hàng triệu người dân trong vùng…”

Trong khi đó, chuyên gia về sinh thái ĐBSCL, ThS. Nguyễn Hữu Thiện cho rằng, ô nhiễm nguồn nước sẽ ảnh hưởng rất lớn “đến mạch máu của hệ sinh thái”.

Bằng chứng là hiện có nhiều đê bao khép kín dẫn đến tích tụ hóa chất nông nghiệp; các vùng nuôi trồng hải sản gây ô nhiễm hoặc các nhà máy, các khu công nghiệp ven sông đe dọa ngày càng nhiều đến nguồn nước;…

Riêng ông Marc Goichot- WWF cho rằng, xuất khẩu gạo tại ĐBSCL có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi ngập lụt, xâm nhập mặn, thiếu phù sa và thiếu đất canh tác. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến người dân vùng đồng bằng mà còn tác động tới an ninh lương thực trong khu vực.

 

Theo ThS. Nguyễn Hữu Thiện, tác động của thủy điện sông Mekong ảnh hưởng lớn đến hệ sinh thái khu vực hạ lưu.

 

Cụ thể, các đập Trung Quốc ở Vân Nam đã làm giảm 50% lượng phù sa mịn; sau khi 11 đập dòng chính xây xong, sẽ ảnh hưởng nguồn dinh dưỡng cho toàn bộ hệ thống sông, năng suất thủy sản ven biển giảm, 100% cá trắng sẽ biến mất, 100% cát, sỏi đáy sông không về ĐBSCL, sạt lở nghiêm trọng, ranh giới mặn dịch chuyển nhanh…

 

Cần hành động để phát triển bền vững

Trong Chiến lược Quốc gia về tài nguyên nước đến năm 2020 cũng đã xác định công việc cụ thể là cần hoàn thiện chính sách bảo vệ tài nguyên nước, tăng cường chống biến đổi khí hậu, xây dựng kịch bản ứng phó, các giải pháp khi xảy ra các vấn đề về nước biển dâng, xâm nhập mặn, tăng cường các biện pháp kiểm soát việc khai thác tài nguyên nước…

TS. Đào Trọng Tứ cho rằng, cần trì hoãn quyết định đầu tư của các công ty Việt Nam vào các thủy điện trên dòng chính sông Mekong (như Luan Prabang, Stungtreng).

Từ đó tạo sự đồng thuận các nước khu vực trong việc giải quyết các vấn đề xuyên biên giới, đưa vấn đề sông Mekong vào các diễn đàn khu vực và quốc tế, khuyến khích sự hợp tác đa cấp, đa chiều của các tổ chức nghiên cứu, khoa học công nghệ, dân sự Việt Nam với các tổ chức khác trong vùng liên quan tới vấn đề Mekong.

Còn theo kiến nghị của chuyên gia quản lý tài nguyên nước Nguyễn Hồng Toàn, Việt Nam nên xem xét về vị trí các tiểu lưu vực sông của mình để có bước đi phù hợp trong duy trì và thúc đẩy hợp tác Mekong, quản lý nước tổng hợp đòi hỏi phải có một tổ chức hay cơ chế liên ngành, hoặc tổ chức lưu vực sông nên được xem xét thành lập sớm nhất theo Luật Tài nguyên nước 2012.

Những lo ngại về ranh giới mặn dịch chuyển nhanh đã được dự báo và cần có giải pháp phòng ngừa. Trong ảnh: Người dân kéo lưới phía bên trong nước ngọt ở đập ngăn nước mặn Kinh Hòn thuộc xã Khánh Bình Tây (Cà Mau).
Những lo ngại về ranh giới mặn dịch chuyển nhanh đã được dự báo và cần có giải pháp phòng ngừa. Trong ảnh: Người dân kéo lưới phía bên trong nước ngọt ở đập ngăn nước mặn Kinh Hòn thuộc xã Khánh Bình Tây (Cà Mau).

Đối với tài nguyên nước, ThS. Nguyễn Hữu Thiện cho rằng, cộng đồng nên sử dụng bền vững tài nguyên đất ngập nước một cách có tổ chức; quy hoạch sử dụng đất theo hướng tạo hành lang thân thiện với đa dạng sinh học; thực hiện đánh giá môi trường chiến lược trong việc lựa chọn vị trí, công nghệ phù hợp đối với các khu công nghiệp;…

Đặc biệt, ThS. Thiện cũng đề nghị xem xét lại chiến lược “an ninh lương thực”, giảm việc canh tác thâm canh 3 vụ lúa mỗi năm để tăng không gian trữ lũ, hạn chế xâm nhập mặn và giảm sử dụng hóa chất nông nghiệp.

 

UBND tỉnh Vĩnh Long cũng vừa công bố “Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2015- 2020, định hướng đến năm 2030”.

 

Mục tiêu là nhằm bảo vệ sự đa dạng sinh học và các hệ sinh thái đặc thù hiện có trên địa bàn trước tác động của phát triển kinh tế, xã hội.

Bài, ảnh: KHÁNH DUY