Giảm nghèo phải hướng tới sự bền vững

Cập nhật, 10:41, Thứ Sáu, 22/04/2016 (GMT+7)

Theo lời kêu gọi của UBMTTQ Việt Nam tỉnh, cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực. Từ nguồn quỹ này, hàng ngàn hộ nghèo đã có nhà ở ổn định, có vốn sản xuất, người bệnh được hỗ trợ điều trị, trẻ em nghèo được cấp sách đến trường.

Thông qua sự hỗ trợ từ quỹ “Vì người nghèo”, nhiều hộ chí thú làm ăn và vươn lên thoát nghèo.
Thông qua sự hỗ trợ từ quỹ “Vì người nghèo”, nhiều hộ chí thú làm ăn và vươn lên thoát nghèo.

Chỗ dựa tin cậy của người nghèo

Có thể khẳng định, cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” thời gian qua là chỗ dựa tin cậy của người nghèo, cận nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn trong việc vươn lên thoát nghèo.

Dưới sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, cuộc vận động ngày càng thu hút sự các tổ chức, cá nhân, đơn vị, các Mạnh thường quân cùng đóng góp chăm lo người nghèo.

Qua đó, đã tạo niềm tin của các tầng lớp nhân dân đối với Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể.

Kế hoạch trong năm 2016, phấn đấu vận động tiền mặt 3 cấp là 25,45 tỷ đồng vào quỹ “Vì người nghèo”. Ngoài ra, sẽ vận động thực hiện các chương trình an sinh xã hội là 140 tỷ đồng. Để đạt mục tiêu này, UBMTTQ Việt Nam tỉnh sẽ triển khai đợt cao điểm vận động quỹ, tiếp tục hỗ trợ cho người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về nhà ở, vốn sản xuất, BHYT,… Trong năm 2015, tổng số tiền vận động quỹ “Vì người nghèo” 3 cấp là 37,7 tỷ đồng và vận động thực hiện các chương trình an sinh xã hội là 475,6 tỷ đồng.

Không nghề nghiệp lại không ruộng đất, việc nuôi sống gia đình 4 người đã khó nên mãi vợ chồng chị Lê Thị Mỹ Hạnh (xã Hòa Lộc- Tam Bình) vẫn không thể thoát nghèo.

Được chính quyền địa phương giới thiệu cho vay vốn kết hợp dạy nghề, lại được hỗ trợ xây cất nhà, anh chị đã yên tâm và phấn đấu làm ăn.

Chị Hạnh tâm sự: “Được tạo điều kiện làm ăn, 2 vợ chồng ráng dữ lắm và đến nay đã thoát được nghèo.

Nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước, không biết chừng nào chúng tôi mới thoát khỏi cảnh nghèo”.

Ngoài việc được rút sổ hộ nghèo, anh chị còn được Trung tâm Công tác xã hội hỗ trợ con bò cái giống làm “tiền đề” để có thể thoát nghèo bền vững.

Gia đình chị Hạnh là một trong số trên 3.000 hộ nghèo của tỉnh được hỗ trợ từ chương trình và đã thoát được nghèo.

Năm qua, thông qua cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”, Ban vận động tỉnh đã tập trung hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo trên tất cả các lĩnh vực như về nhà ở, vốn sản xuất, điều trị bệnh, học bổng,...

Cụ thể, trong năm 2015, toàn tỉnh đã cất mới và sửa chữa 1.174 căn nhà đại đoàn kết (xây mới 738 căn) với giá trị trên 36,6 tỷ đồng; tiếp tục duy trì nguồn vốn 6 tỷ đồng ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội chi hỗ trợ cho đoàn viên, hội viên thuộc hộ nghèo, các đoàn thể vay vốn sản xuất, chăn nuôi…

Ông Lê Quang Đạo- Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh cho biết, kết quả lớn nhất của cuộc vận động không chỉ đóng góp về vật chất mà còn phát huy truyền thống đoàn kết của nhân dân ta “Lá lành đùm lá rách”.

Ngoài ra, góp phần thực hiện đảm bảo an sinh xã hội. Kết quả, cuộc vận động đã giúp cho 3.015 hộ thoát nghèo góp phần kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 6.751 hộ trong năm 2015 (chiếm 2,34%).

Giảm nghèo phải hướng tới sự bền vững

Trong ngày phát động ủng hộ quỹ “Vì người nghèo” năm 2016, có trên 100 đơn vị, tổ chức, cá nhân đăng ký ủng hộ trên 17,4 tỷ đồng.
Trong ngày phát động ủng hộ quỹ “Vì người nghèo” năm 2016, có trên 100 đơn vị, tổ chức, cá nhân đăng ký ủng hộ trên 17,4 tỷ đồng.

Những kết quả mà cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” mang lại là động lực để UBMTTQ Việt Nam tỉnh tiếp tục phát động thực hiện trong năm 2016.

Theo ông Lê Quang Đạo, năm 2016 theo điều tra chuẩn hộ nghèo mới, số hộ nghèo toàn tỉnh tăng lên đến 17.405 hộ (chiếm 6,26%), hộ cận nghèo là 11.031 hộ (chiếm 3,96%).

Ngoài ra, qua khảo sát, hiện còn 2.639 hộ nghèo cần hỗ trợ về nhà ở. Đây là những thách thức đối với công tác giảm nghèo trong năm 2016 và những năm tiếp theo.

Những năm qua, chủ trương của tỉnh trong công tác giảm nghèo là phải hướng tới sự bền vững, nghĩa là phải hướng dẫn hoặc dạy cho người nghèo cách làm ăn, cho vay vốn giải quyết việc làm, hỗ trợ điều kiện phát triển sản xuất…

Ngoài ra, tỉnh có phân công các đoàn thể hỗ trợ, vận động giúp cho người nghèo thuộc đoàn thể mình quản lý tự ý thức vươn lên và bước đầu phát huy hiệu quả.

Ông Ngô Ngọc Bỉnh- Chủ tịch Hội Bảo trợ người tàn tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo tỉnh cho rằng, trong năm nay, cần phải quan tâm đến việc giảm nghèo bền vững.

Theo đó, từng đoàn thể chính trị phải quyết liệt và có kế hoạch cụ thể để giải quyết từng hộ nghèo của đoàn thể mình.

“Như hội của chúng tôi đã xây dựng kế hoạch điều tra tất cả người khuyết tật toàn tỉnh, sau đó chia ra đối tượng nào còn lao động được, đối tượng không thể lao động được để có hướng hỗ trợ kịp thời”- ông cho biết.

Theo ông, các đoàn thể được phân công cần xây dựng kế hoạch theo hướng đó để giải quyết kịp thời từng đối tượng cụ thể, chứ không thể nói và làm chung chung vì như thế sẽ kém
hiệu quả.

Năm 2016, tỉnh Vĩnh Long phấn đấu giảm thêm 1% hộ nghèo. Để thực hiện tốt chỉ tiêu này, rất cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự chung tay góp sức của cộng đồng.

Qua đó, giúp hộ nghèo từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững, góp phần tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X đã đề ra.

Ông Ngô Ngọc Bỉnh- Chủ tịch Hội Bảo trợ người tàn tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo tỉnh

Năm 2016, Hội Bảo trợ người tàn tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo tỉnh sẽ tham gia xây dựng nông thôn mới. Cụ thể, chỉ tiêu hội đưa ra là sẽ vận động và hỗ trợ cho tất cả người khuyết tật có nhà vệ sinh tự hoại trong nhà. Theo đó, đối với người khuyết tật khá thì vận động họ làm, đối với người khuyết tật nghèo và cận nghèo thì hội sẽ hỗ trợ khoảng 3 triệu đồng và vận động thêm.

Bài, ảnh: THANH TÂM