Cẩn trọng với sốc phản vệ

Cập nhật, 10:39, Thứ Sáu, 22/04/2016 (GMT+7)

Phản ứng phản vệ và sốc phản vệ là tình cảnh xảy ra với bệnh nhân do phản ứng có hại của thuốc men sau khi sử dụng.

Nếu phản ứng phản vệ gây các biểu hiện nhẹ và dễ thấy ngay như: đỏ, mẩn ngứa, nổi mề đay,… thì sốc phản vệ có những biểu hiện phức tạp như: khó thở, tuột huyết áp và nguy cơ cao kéo theo ảnh hưởng đến các phủ tạng nếu sốc nặng, kéo dài hoặc chuyển viện trễ.

Bệnh nhân N.T.S. ở thời điểm điều trị sốc phản vệ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long.
Bệnh nhân N.T.S. ở thời điểm điều trị sốc phản vệ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long vừa mới cấp cứu thành công cho một bệnh nhân bị sốc phản vệ sau khi uống thuốc.

Người này được chuyển vào bệnh viện rất trễ sau sốc, huyết áp rất thấp, toàn thân tím tái “như trái trâm, trái sắn chín”. Nhân trường hợp sốc phản vệ này, chúng tôi cũng muốn nói đến việc sử dụng thuốc của người dân, với những lưu ý mà thông thường mà người mua- người bán thuốc đều dễ dàng “lờ” đi.

Sốc thuốc, tím tái toàn thân

Bệnh nhân là anh N.T.S., khoảng 32 tuổi, ngụ tỉnh Cà Mau. Anh S. đang uống thuốc điều trị theo đơn bác sĩ tại một bệnh viện ở TP Hồ Chí Minh và sau đó thì xảy ra sốc phản vệ.

Theo bác sĩ tại Khoa Cấp cứu hồi sức tích cực chống độc thuộc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long, bệnh nhân bị sốc phản vệ vào khoảng 2 giờ sáng, sau đó bệnh nhân chịu đựng, đến khi lâm vào tình cảnh nguy cấp thì mới được đưa nhập viện.

Theo bác sĩ Võ Văn Hạnh Phúc- Phó Khoa Cấp cứu hồi sức tích cực chống độc, bệnh nhân trên vào viện rất trễ, sau sốc khoảng 12 giờ đồng hồ, nên việc cứu chữa rất khó khăn, phức tạp.

Huyết áp của bệnh nhân lúc vào bệnh viện không đo được. Một ngày sau, bệnh nhân này đã được can thiệp ổn.

Bác sĩ Hồ Bích Thủy- Trưởng khoa cho rằng, cứu sống trường hợp sốc phản vệ này là rất khó, vì bệnh nhân khi vào bệnh viện đã ở tình trạng rất phức tạp. Bác sĩ Bích Thủy cũng cho hay trước đó, tình trạng bệnh nhân bình thường, không có bệnh mãn tính.

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Bạch Yến- Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, với trường hợp trên, vấn đề đáng quan tâm là huyết áp tuột, do sốc phản vệ kéo dài, sẽ gây nguy hiểm cho đa phủ tạng của bệnh nhân.

Bác sĩ Bạch Yến giải thích: Sốc phản vệ là tình cảnh nặng của phản ứng có hại của việc sử dụng thuốc. Tình cảnh này sau khi uống thuốc (nếu có) biểu hiện như: ngứa, mẩn đỏ, khó thở giống như suyễn,... Có khi bệnh chuyển nặng, tuột huyết áp, đi vào sốc nhanh với biểu hiện co mạch, tím tái môi, các đầu chi, được gọi là sốc phản vệ.

Theo bác sĩ, với tình cảnh trên, bệnh nhân phải đưa đến cơ sở y tế ngay, chứ không thể chậm chạp để ở nhà hay tự điều trị được, vì rất nguy hiểm tính mạng. Bệnh viện hay cơ sở y tế có chuyên môn sẽ dùng thuốc nâng huyết áp bệnh nhân và có các giải pháp tiếp theo như: cho thở oxy, sử dụng thuốc truyền chống sốc.

Mua thuốc uống phải khai, phải hỏi!

Chị Trịnh Thị Phương Nhã (ngụ Phường 8- TP Vĩnh Long) do áp lực công việc nên thỉnh thoảng bị nhức đầu. Mỗi lần như vậy chị mua 2- 3 liều thuốc tại hiệu thuốc tây và thường thì sau uống thuốc, bệnh giảm hẳn.

Tương tự, có khi bị cảm nắng, hay tắm bị “trúng nước”, cảm lạnh, anh Phạm Văn Ân (ngụ xã Lộc Hòa- Long Hồ) đến tiệm thuốc tây mua thuốc. Tình trạng bệnh “vặt” ấy sẽ hết sau vài liều thuốc. Anh Ân nói thực tế của mình: “Có khi mua thuốc chỗ này uống không hết, tui mua chỗ khác uống tiếp.

Có lúc ho, mua thuốc ở vài tiệm uống mà không giảm, tui tiếp tục mua thuốc uống, rồi cũng hết, bệnh “lặt vặt” ấy mà”.

Hầu hết bác sĩ đều cho rằng, chỉ riêng việc người dân hàng ngày đến hiệu thuốc tây mua thuốc uống điều trị các bệnh thông thường: ho, cảm sốt, nhức đầu, đau nhức,... cũng cần hết sức lưu ý.

Theo bác sĩ Huỳnh Thu, một khi người dân mắc các bệnh thông thường, nếu không đến bác sĩ để khám, tư vấn điều trị, thì đi mua thuốc uống cũng phải khai với người bán thuốc là mình có bị dị ứng hay không.

Hoặc khi có dị ứng với một loại thuốc nào đó mà không biết hay không để ý, thì người bán thuốc cần phải hỏi người mua là có bị dị ứng, mẫn cảm với loại thuốc nào không.

Việc này quan trọng như nguyên tắc trước khi bác sĩ kê đơn thuốc cho bệnh nhân hoặc y tá, điều dưỡng trước khi cho bệnh nhân uống thuốc, chích thuốc, cũng vẫn phải hỏi bệnh nhân như vậy.

“Mua thuốc uống hàng ngày, người dân mình ít khi để ý là mình có tiền sử dị ứng với một loại thuốc kháng sinh/kháng viêm nào hay không. Nếu có thì nên khai ra với người bán thuốc để bác sĩ, dược sĩ cho thuốc uống hợp lý, điều trị hiệu quả”- theo bác sĩ Bạch Yến.

Việc “nắm rõ thông tin” tình trạng của người mua thuốc, giúp bác sĩ, dược sĩ kê đơn thuốc cho họ an toàn, hợp lý.

Điều này rất quan trọng để phòng phản ứng phản vệ hay sốc phản vệ khi sử dụng thuốc, nhất là khi có một loại thuốc nào đó có thể phản ứng chéo với tất cả loại thuốc trong nhóm, sẽ dễ gây phản ứng cho người sử dụng.

Bác sĩ Nguyễn Thị Bạch Yến- Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh

Thường tất cả loại thuốc đều có gây tình cảnh có hại cho bệnh nhân sử dụng, ở các mức độ khác nhau. Sử dụng thuốc đúng chỉ định của bác sĩ là việc rất quan trọng.

Những dị nguyên (nguyên nhân dị ứng) có thể gây sốc phản vệ ngoài do thuốc, còn có các hình thái khác: hóa chất, thức ăn, phấn hoa, bụi nhà,… Người dễ mẫn cảm, dị ứng với các loại này, thì nên hạn chế tiếp xúc để không bị phản ứng phản vệ hay sốc phản vệ. Người biết mình dễ bị một trong các dị nguyên trên, thì nên khai ra khi đi khám bệnh, khi mua thuốc để điều trị hiệu quả, tránh việc bị sốc phản vệ.

Bài, ảnh: MINH THÁI