Hạn mặn ngày càng khốc liệt, 5 triệu người ở ĐBSCL bị ảnh hưởng

Cập nhật, 17:05, Chủ Nhật, 13/03/2016 (GMT+7)

Hạn, mặn tại ĐBSCL đang ngày càng có sức tấn công mới khốc liệt và gây ra những tác hại khôn lường.

Những cánh đồng nứt toác do hạn hán. (Ảnh Dân trí)
Những cánh đồng nứt toác do hạn hán. (Ảnh Dân trí)

Dù mới bước vào đầu mùa khô, vựa lúa của quốc gia ĐBSCL đang đối mặt gay gắt với hạn mặn, khiến 8/13 tỉnh, thành trong vùng phải công bố tình trạng thiên tai để đối phó. Nỗ lực của Chính phủ, các Bộ, ngành, các địa phương và nhân dân trong vùng trong thời gian qua và sắp tới là đáng ghi nhận, song ngay từ bây giờ rất cần các giải pháp căn cơ, đồng bộ.

Nước mặn đã xâm nhập vào đất liền hơn 90km, nhiều nơi sẽ nghèo đói

VOV đưa tin, hạn mặn cộng với biến đổi khí hậu mà ĐBSCL sẽ chịu tác động lớn nhất so với cả nước dù đã được cảnh báo từ trước, nhưng đến thời điểm này, sức tấn công mới khốc liệt và gây ra những tác hại khôn lường bởi nước mặn đã xâm nhập vào đất liền hơn 90km.

Gần như toàn bộ tỉnh Bến Tre đã bị mặn bủa vây khắp các xã, phường; nước có ở khắp nơi, nhưng toàn bộ là nước mặn không thể sử dụng. Các vùng cách cửa biển từ 30-40km trải dài từ Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang không thể lấy nước ngọt.

Phát biểu tại buổi làm việc với các Bộ, ngành và địa phương bàn về giải pháp phòng chống hạn mặn vùng ĐBSCL mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhận định: Hiện nay, với 160.000ha bị hạn mặn sẽ có 320.000 hộ trong vùng bị ảnh hưởng và thiệt hại, nguy cơ mất mùa lúa và rơi vào khó khăn, có nơi sẽ rơi vào cảnh nghèo đói.

Nếu mặn xâm nhập kéo dài đến tháng 6/2016, sẽ có 500.000ha lúa vụ hè thu bị ảnh hưởng lớn, tương đương 1 triệu hộ với khoảng 5 triệu người gặp khó; trong đó, có 150.000 hộ thiếu nước sinh hoạt. Hạn mặn không chỉ gây thiệt hại đối với cây lúa, nước sinh hoạt mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến cây ăn trái, thủy sản và là nguy cơ dẫn đến cháy rừng.

Trao đổi với Dân trí xung quanh vấn đề này, GS.TSKH Lê Huy Bá - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và Quản lý môi trường - cho biết, nguyên nhân của đợt hạn hán và xâm nhập mặn nghiêm trọng đang diễn ra tại vùng ĐBSCL là do hiện tượng El Nino kéo dài từ năm 2015 đến nay.

Ở thời điểm hiện tại, miền Nam đang trong giai đoạn cao điểm của El Nino, tức cao điểm của nắng nóng, hạn hán. Mùa này, nước thượng nguồn sông Mê Kông lại đổ về rất ít do bị ngăn cản bởi hàng loạt các công trình thủy điện của Trung Quốc, Lào, Campuchia. Vì thế nước không đủ để có thể đẩy mặn ra biển được. Hậu quả là vùng ĐBSCL bị mặn xâm nhập.

Theo đánh giá của GS Lê Huy Bá, mặn sẽ còn tiếp tục xâm nhập vào sâu trong đồng bằng trước khi kết thúc. Đặc biệt khi mặn xâm nhập vào những cánh đồng rộng lớn ở huyện Hồng Dân (tỉnh Bạc Liêu) thì sẽ bị giữ lại ở đó chứ không được rửa đi do đây vốn là vùng trũng. Mặt khác, đây còn là một vùng đất nhiều phèn nên người dân vùng này sẽ bị tác động nặng nề của mặn và phèn trong giai đoạn này.

Về thiệt hại khủng khiếp do tình trạng ngập mặn gây ra hiện nay, GS Lê Huy Bá cho rằng: “Chúng ta chưa có khả năng chung sống với biến đổi khí hậu. Những giải pháp hiện tại như đắp đê bao ngăn mặn, đào vét kênh để giữ ngọt cũng chỉ là những giải pháp mang tính tức thời mà thôi”.

Bộc lộ nhiều bất cập

Cũng chính sự tấn công của hạn mặn đã làm bộc lộ những bất cập của nhiều công trình thủy lợi bấy lâu nay được xây dựng ở ĐBSCL. Điển hình như ở Sóc Trăng, trong khi ở một số địa phương chỉ có đóng các cửa cống thì mới lấy được nước ngọt để dùng, thì kề sát bên Bạc Liêu buộc phải mở cống để có nước mặn nuôi tôm. Sở dĩ xảy ra tình trạng này là do phân vùng quy hoạch sản xuất của 2 tỉnh khác nhau, nơi trồng lúa, nơi kề bên lại nuôi tôm.

Một nguyên nhân nữa theo nhiều chuyên gia, việc chống ngập lũ cho các vùng Đồng Tháp Mười, Tứ Giác Long Xuyên với hàng loạt kênh thoát lũ ra biển Tây trước đây là hợp lý, thì nay khi nước vùng thượng nguồn Mê Kông bị chặn, lũ gần như không về thì các kênh dẫn dòng vô tình lại đưa nước ngọt trôi nhanh ra biển, các tỉnh thượng nguồn cũng thiếu nước ngọt, trong khi các tỉnh cuối nguồn mặn có điều kiện xâm nhập sâu hơn.

Bên cạnh đó, một thời gian dài, một số tỉnh chủ trương “mặn hóa” để nuôi tôm đã không tập trung cao độ cho các giải

Trong các tầng lớp nhân dân, cơ quan đơn vị, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp ý thức về tiết kiệm nước ngọt trong sản xuất, đời sống cũng chưa được quan tâm đúng mức.

Con người nên tìm cách sống chung với hạn

GS Lê Huy Bá nhấn mạnh, đối với những tác động do biến đổi khí hậu gây ra, con người chỉ có một cách duy nhất là phải tìm cách “chung sống”, thích nghi chứ không thể nào chống lại hay tránh né được.

Ông nói: “Theo kịch bản diễn biến của biến đổi khí hậu và tình hình phát triển thủy điện ở các nước thượng nguồn sông Mê Kông thì trong tương lai vùng ĐBSCL sẽ phải hứng chịu tác động ngày càng nặng nề. Đó là tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, ngập mặn, đất thiếu phù sa hoặc là bị ngập lụt nghiêm trọng vào mùa mưa do thủy điện thượng nguồn đồng loạt xả nước… Tất cả đều có thể sẽ diễn ra. Và khi đó, “vựa lúa lớn nhất nước” bị đe dọa trực tiếp!”.

Trong thực tế thì sự đe dọa này đã bắt đầu diễn ra, nhất là trong vụ lúa Đông Xuân này. Hàng chục nghìn ha lúa cháy khô vì hạn hán và mặn xâm nhập. Nước mắt nông dân đã rơi trên cánh đồng của mình khi hạt mầm xuống nhưng không thể thu hoạch về. Họ mất trắng cả một vụ mùa!

“Đối với vùng ĐBSCL ở hiện tại và tương lai thì không nên nghĩ mãi về “vựa lúa Việt Nam” nữa mà thay vào đó phải khẩn trương chuyển đổi giống vật nuôi, cây trồng phù hợp!”, GS Bá trăn trở.

Ông nói: “Cụ thể, đối với trồng trọt thì phải tìm những giống chịu mặn, chịu phèn. Song song đó là tích cực chuyển đổi sang nuôi thủy sản trên từng khu vực có điều kiện sinh thái phù hợp”.

“Tôi kiến nghị là dần dần thu hẹp diện tích trồng lúa, chỉ trồng trên những cánh đồng thuộc dạng “bờ xôi ruộng mật” thôi, tức là có khả năng cho năng suất cao nhất. Chúng ta làm sao phải đảm bảo được vấn đề an ninh lương thực quốc gia nhưng không thể ôm mộng làm giàu từ trồng lúa được. Đối với những khu vực đang và sẽ trực tiếp chịu tác động của biến đổi khí hậu, bị khô hạn hay xâm nhập mặn thì không trồng lúa nữa mà chuyển sang trồng giống cây khác; thậm chí làm đồng cỏ nuôi bò, trồng cây thuốc hoặc phát triển công nghiệp chẳng hạn…” – GS Bá chia sẻ.

Nguồn: http://www.doisongphapluat.com/tin-tuc/tin-trong-nuoc/han-man-ngay-cang-khoc-liet-5-trieu-nguoi-o-dbscl-anh-huong-a136719.html