Chìa khóa hạnh phúc

Cập nhật, 05:40, Thứ Sáu, 18/03/2016 (GMT+7)

Hạnh phúc không chỉ là đích đến mà còn là hành trình đang đi, đang tìm kiếm của mỗi người. Trong đó, gia đình chính là “chiếc nôi” bắt nguồn và nhân hạnh phúc ra cộng đồng. Chìa khóa để “mở cửa vào” hạnh phúc chính là sự yêu thương, sẻ chia của những thành viên trong gia đình.

Hội thi nấu ăn “Bữa cơm gia đình san sẻ yêu thương”.
Hội thi nấu ăn “Bữa cơm gia đình san sẻ yêu thương”.

Hạnh phúc khi yêu thương, chia sẻ, phấn đấu

Giống như mọi sự vật, hạnh phúc không hoàn hảo, không là cái gì đó viễn tưởng xa vời. Đôi khi, hạnh phúc là chấp nhận cái mình đang có, biết sống lạc quan và biết phấn đấu.

Đối với cô Lê Thị Hồng Lộc- giáo viên Trường THCS Lộc Hòa (xã Lộc Hòa- Long Hồ) thì hạnh phúc không thể đòi hỏi mười mươi, mà cần sự thông cảm, sẻ chia và cần tình yêu thương làm động lực. Cô Lộc chia sẻ: “Những ngày tháng khó khăn nhất của gia đình tôi là lúc chồng tôi bị đột quỵ phải phẫu thuật 2 lần”.

Không chỉ lâm vào cảnh nợ nần mà nỗi đau tinh thần, áp lực công việc và chăm sóc 2 con nhỏ cũng đủ làm cho cô Lộc thêm mệt mỏi. Nhưng cô cười thật tươi: “Không có sóng gió thì người ta không thấy được giá trị của hạnh phúc đâu”. Để vượt qua khó khăn, cô Lộc luôn giữ tinh thần lạc quan: “Có nhiều người còn khổ hơn mình nên dù thế nào mình vẫn phải sống, phải phấn đấu”.

Cô Lộc còn nhớ khi chồng mới từ Bệnh viện 121 ở Cần Thơ về, cô chuẩn bị sẵn nước uống, thuốc men bên cạnh rồi tất tả chạy vào trường. “Không phải mình quá tham công, tiếc việc bỏ gia đình mà công việc có những cái chính mình phải đảm đương”. Cứ như thế, cô Lộc như 2 con người: về nhà là người phụ nữ của gia đình, đến trường là cô giáo dạy văn truyền lửa cho bao thế hệ học trò.

Vừa được tuyên dương gia đình văn hóa năm 2015, cô Lộc nhỏ nhẹ: “Còn nhiều gia đình rất hay, rất tiêu biểu, riêng tôi cũng không có bí quyết gì” mà đó chính là trong cái khó vẫn giữ được sự yêu thương, chia sẻ cho nhau “Chồng bệnh chết đi sống lại, 2 con gái nhỏ chịu khó học hành, biết chi tiêu tiết kiệm để chia sẻ với mẹ”. Nhờ đó, kinh tế gia đình cô Lộc dần được cải thiện, các con cô đều đã nên người. “Vợ chồng phải biết nhường nhịn lẫn nhau, phải biết cảm thông và chấp nhận khuyết điểm của người kia vì không phải ai cũng hoàn hảo”- cô Lộc nói thêm.

Đối với chú Nguyễn Văn Tạo (xã Trường An- TP Vĩnh Long) được tuyên dương gia đình văn hóa tỉnh năm 2015 là một niềm vui lớn. Chú Tạo còn nhớ những ngày tháng lam lũ của vợ chồng với 2 con nhỏ “nếu không có tình yêu thương, sự thông cảm và bình đẳng nhau thì vợ chồng tôi không có ngày hôm nay”. Hiện tại, 2 con của chú đều đã ra trường có việc làm thu nhập khá, kinh tế ổn định. Hạnh phúc chính là cảm thông nắm tay nhau vượt qua những khó khăn để cùng sống trong những ngày tháng êm ấm với những niềm vui nho nhỏ.

Đồng lòng tát biển Đông cũng cạn

Hạnh phúc thì giống nhau nhưng bất hạnh, khổ đau thì mỗi nhà, mỗi cảnh. Điều quan trọng là mọi người có cùng đồng lòng vượt qua khó khăn hay không. Ông Trần Văn Thanh (thị trấn Long Hồ) không quên những ngày tháng “10 tuổi đã đi làm thuê, mò cua, bắt ốc”.

Khi kết hôn, gia đình cho được 2 công ruộng, nhờ chí thú làm ăn, lần hồi vợ chồng ông cũng xây được căn nhà kiên cố, mà ông hay gọi đùa là “biệt thự của chúng mình”. Đến nay, con trai ông Thanh là sinh viên ngành luật, ông cũng tự học và hoàn thành chương trình ĐH Luật. Ông cho biết: “Vợ là cánh tay đắc lực cho tôi, luôn bên cạnh an ủi, khuyến khích lúc tôi gặp khó khăn, là động lực để tôi vươn lên trong cuộc sống”.

Mỗi sáng ở quán cà phê Văn Nghệ, phía trước Hội Văn học nghệ thuật Vĩnh Long vẫn thường thấy một cặp vợ chồng tuổi 80 chở nhau đi cà phê sáng và “chưa từng thấy bà hay ông đi một mình”. Đó là vợ chồng Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Duy Minh và nhà thơ Huỳnh Ngọc Ẩn.

60 năm chung sống là ngần ấy năm ngọn lửa yêu thương luôn tỏa sáng, ấm áp trong gia đình của ông bà. Bà Ẩn kể: “Cha mẹ tôi lúc đó có ngăn cản vì không muốn con gái mình sống trong cảnh nghèo, nhưng tôi đã thuyết phục cha mẹ vì tình yêu và tôi nghĩ: Vợ chồng dù nghèo mà cật lực làm ăn, cùng có trách nhiệm và yêu thương, tôn trọng nhau thì sẽ có hạnh phúc”.

Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng gia đình hạnh phúc, ông Duy Minh cười: “Vợ chồng cần có sự cảm thông và hiểu nhau. Cần có trách nhiệm chung trong bảo vệ nề nếp gia đình, không nên gia trưởng với vợ, đối xử với nhau bình đẳng. Đặc biệt, đừng “đứng núi này, trông núi nọ”, phải biết chung thủy”.

Hơn cả tình cảm vợ chồng, ông bà còn là bạn tri âm, tri kỷ. Ông bà đều yêu công việc của nhau nên đã phối hợp sáng tác để in ấn 2 ấn phẩm chung có tên “Ý thơ qua ảnh nghệ thuật” và “Từ khóc đến cười”.

Để xây dựng một gia đình hạnh phúc và bền vững là không hề dễ. Nó đòi hỏi tất cả các thành viên trong gia đình phải gắn bó, yêu thương chia sẻ nhau, đều phải có trách nhiệm và biết quan tâm nhau. Sự yêu thương, quan tâm, san sẻ tạo nên nguồn hạnh phúc trong mỗi gia đình, đó là nguồn cội hợp thành hạnh phúc của mỗi quốc gia, đóng góp vào hạnh phúc chung của nhân loại.

 

Cô Lê Thị Hồng Lộc vui vẻ: Ngành nghề gì cũng có đào tạo nhưng ngành “quản lý gia đình” thì chưa có ai, trường nào đào tạo được. Bởi điều đó phải được xây dựng dựa trên những yêu thương của những người trong gia đình với nhau. Mọi người trong nhà phải cùng nhau giữ ngọn lửa hạnh phúc gia đình.

 

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG- CAO HUYỀN