Hồi ức "người mang án tử hình" của đồng chí Hồ Minh Mẫn

Hòa bình xây dựng lại đất nước

Cập nhật, 06:24, Chủ Nhật, 01/03/2020 (GMT+7)

 Năm 1975, Nghị quyết 19 ngày 20/12/1975 của Bộ Chính trị nhập 2 tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh thành tỉnh Cửu Long. Tôi được chỉ định làm Chánh Văn phòng Tỉnh ủy, anh Tư Quang- Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Trà Vinh- làm Phó Văn phòng Tỉnh ủy.

Cái khó lớn nhất là làm sao bảo đảm được đoàn kết nội bộ, phân công các phó văn phòng, các tổ chức phải nắm được tình hình 2 tỉnh cũ. Với kinh nghiệm bản thân, tôi và anh Tư Quang điều hành bộ máy văn phòng suôn sẻ, đáp ứng yêu cầu của Tỉnh ủy.

Tháng 7/1976, anh Mười Hên- Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy nói với tôi “Huyện ủy Châu Thành Tây cần được tăng cường, Thường vụ Tỉnh ủy định điều anh về làm Bí thư Huyện ủy thế đồng chí Thanh Dân”. Tôi nói: “Cuộc đời hoạt động cách mạng của tôi sẵn sàng đi bất cứ nơi nào Đảng cần”.

Thế rồi tôi nhận quyết định, bàn giao công việc, gặp anh Thanh Dân đưa quyết định của Tỉnh ủy- nhưng anh nói đã nhận được quyết định rồi. Tôi bàn với anh công việc phải làm, gợi ý cho anh đề xuất ý kiến trước để tránh lòng tự ái, nhưng anh rất vui vẻ cùng tôi lo công việc của huyện.

Sau nhiều lần đắn đo, tôi lập gia đình. Gia đình bên vợ tôi nuôi chứa cán bộ qua các thời kỳ. Huyện ủy Châu Thành Tây lo chủ trì đám cưới, Huyện ủy định tổ chức gọn thôi, nhưng anh em nghe tôi cưới vợ đi rất đông.

Năm 1977, theo Nghị quyết Tỉnh ủy, Quyết nghị của Chính phủ, huyện Mang Thít và Châu Thành Tây nhập lại lấy tên là huyện Long Hồ.

Đại hội Đảng bộ tỉnh Cửu Long lần thứ nhất vào tháng 11/1976, tôi được bầu vào Tỉnh ủy- kiêm Bí thư Huyện ủy Long Hồ, và được cử đi học lớp Trung cao cấp Nguyễn Ái Quốc 8 ở Thủ Đức một năm. Được quen biết nhiều địa phương, đi thực tập cải tạo công thương nghiệp phường Đakao (Quận 1- TP Hồ Chí Minh) và học hỏi kinh nghiệm tổ chức Hợp tác xã nông nghiệp huyện Thạnh Trị (Sóc Trăng) và huyện Hoài Nhơn (Bình Định).

Tháng 1/1980, Đại hội tỉnh Đảng bộ lần 2, tôi được bầu vào Tỉnh ủy và được Tỉnh ủy bầu vào Ban Thường vụ Tỉnh ủy- phụ trách Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy- được Đại hội bầu là Đại biểu đi dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V. Đồng chí Hai Sáng- Trưởng Ban Tổ chức cũ- bàn giao công việc với tôi. Được sự giúp đỡ của đồng chí Tám Tâm, Tư Hồng và cán bộ của ban, tôi làm nhiệm vụ trôi chảy dù đối với tôi đây là công việc mới mẻ.

Tháng 10/1982, tôi được điều về làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách khối nông nghiệp. Năm 1977- 1978, tỉnh Cửu Long huy động hàng trăm ngàn dân công đắp đập Bến Giá, đào hàng trăm cây số kinh thủy lợi như: kinh Thống Nhất, kinh 3/2, kinh 19/5, khai phá rừng ven biển xây dựng 2 nông trường 30/4 và 19/5 ở Duyên Hải, toàn tỉnh đã tổ chức xong tập đoàn sản xuất nông nghiệp.

Vấn đề quan trọng là phải đưa nông nghiệp phát triển toàn diện, đưa vụ lúa Hè Thu là vụ chính cùng với vụ Đông Xuân.

Công việc mà tôi chú ý nhất là phải tiến hành điều tra thổ nhưỡng, thuê Cục bản đồ (Bộ Quốc phòng) chụp không ảnh tỉnh Cửu Long, huy động sinh viên trường ĐH Nông nghiệp TP Hồ Chí Minh, ĐH Nông nghiệp Cần Thơ và cán bộ nông nghiệp tỉnh, huyện tiến hành điều tra thổ nhưỡng, giống cây con. Hàng ngàn người đi khắp ruộng đồng để lập nên bản đồ tỉnh nhà. Đây là tỉnh đầu tiên trong cả nước lập xong bản đồ thổ nhưỡng và giống cây trồng.

Có giống lúa ngắn ngày, việc phát động vụ Hè Thu tiến triển nhanh chóng.

Năm 1983, tôi được phân công Phó Chủ tịch UBND kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch tỉnh.

Năm 1984, được học lớp đào tạo Cán bộ chủ chốt tỉnh tại Trường Nguyễn Ái Quốc (Hà Nội) 5 tháng chuẩn bị cho Đại hội Đảng lần thứ V.

Sau lớp học Nguyễn Ái Quốc, tôi tiếp tục học lớp cao cấp Kinh tế kế hoạch ở Liên Xô 2 tháng. Lúc này anh Năm Trung- Bí thư Tỉnh ủy- bệnh ung thư và qua đời, anh Sáu Ức thế làm Bí thư và anh Bảy Biến làm Chủ tịch UBND. Anh làm được 2 tháng thì bị bệnh đi trị ở Liên Xô. Tôi đi học về được phân công làm quyền Chủ tịch UBND tỉnh thế anh Bảy Biến.

Năm 1986, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần III, tôi được bầu làm Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cửu Long. Trong thời gian này xảy ra vụ án trong đồng bào Khmer (vụ KC 50). Bộ Chính trị chỉ định tôi làm Bí thư Tỉnh ủy và ngày 12/5/1989, Tỉnh ủy họp bầu tôi làm Bí thư Tỉnh ủy Cửu Long.

Để ổn định tình hình, đồng chí Sáu Hậu- Ủy viên Bộ Chính trị- bàn với tôi đưa anh Tư Cẩn về làm Bí thư, còn tôi làm Phó Bí thư. Tôi trả lời “vì lợi ích của đất nước, ai làm Bí thư Tỉnh ủy tốt, có lợi cho đất nước là được”. Tháng 10/1991, Bộ Chính trị điều động đồng chí Tư Cẩn- Ủy viên Trung ương Đảng đang làm Bí thư Tây Ninh- về thay tôi làm Bí thư Tỉnh ủy. Để chuẩn bị đội ngũ kế thừa và chuẩn bị cho việc chia tách tỉnh, tôi đề nghị đồng chí Chín Nhỏ (Bùi Quang Huy)- Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy phụ trách thường trực Tỉnh ủy, đồng chí Bảy Biến làm Phó Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh Cửu Long.

Trong thời gian này, xảy ra vụ án 60/B tên Dũng tổ chức cướp tàu biển. Khi bắt y, y khai lung tung, phải ra sức ổn định tư tưởng anh em.

Trong tỉnh còn xảy ra các cuộc biểu tình chống xáo canh của tập đoàn ở huyện Tam Bình, Bình Minh, Vũng Liêm. Nông dân kéo về T78 (TP Hồ Chí Minh) và trụ tại đó có lúc đến 2.000 người. Trung ương kêu tỉnh cho xe rước về, nhưng tốp khác lại kéo đến Văn phòng Chính phủ (TP Hồ Chí Minh), đòi trở về đất cũ, không xáo canh. Dân biểu tình về tỉnh, có đoàn tràn vào Văn phòng Ủy ban tỉnh (có đoàn nằm ì cắm trại trước Ủy ban tỉnh đòi trở về đất cũ, đòi rã tập đoàn). Đến khi chủ tịch tỉnh tuyên bố 5 điểm để giải quyết yêu sách thì họ mới giải tán. Tình hình cải tổ ở Liên Xô diễn biến xấu, các nước Xã hội Chủ nghĩa Đông Âu tan rã, Liên Xô sụp đổ ảnh hưởng rất lớn đến nước ta. Trong tỉnh xuất hiện khuynh hướng đa nguyên như kiểu Đông Âu. Tình hình tư tưởng trong tỉnh diễn biến phức tạp. Tôi cùng Tỉnh ủy kiên quyết đấu tranh, không khoan nhượng với một số người theo xu hướng đa nguyên.

Tháng 2/1992, tỉnh Cửu Long được Quốc hội tách thành 2 tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh, tôi vẫn là Phó Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long, mãi đến Đại hội Đảng bộ tỉnh vào giữa 1992 và làm Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh khóa VIII.

Suốt 10 năm làm đại biểu Quốc hội (1987-1997) khóa VII và khóa VIII của Quốc hội, tôi tiếp xúc cử tri thuộc đủ các tầng lớp nhân dân từ đô thị tới nông thôn, tôi luôn lắng nghe tâm tư nguyện vọng của dân và phản ánh đầy đủ cho Quốc hội. Vấn đề quan tâm nhiều là hạ tầng cơ sở vùng ĐBSCL quá yếu, dân nghèo, trình độ học vấn kém, làm cách nào để nâng cao đời sống nhân dân ta.

Trong kỳ họp lần thứ 9 Quốc hội khóa VIII, tôi phát biểu: ĐBSCL có 3 cái được và 7 cái không được.

+ 3 cái được đó là: được lúa cung cấp cả nước và xuất khẩu; 9/11 tỉnh nộp ngân sách về Trung ương; xuất khẩu thủy sản nhiều nhất, mang ngoại tệ về cho đất nước.

+ 7 cái không được đó là:

- Trường học tre lá dột nát, học 3 ca, trường mẫu giáo rất thiếu, 35% xã không có trường mẫu giáo, trình độ học vấn thấp nhất trong cả nước.

- Đường sá lầy lội, cầu khỉ các cháu đến trường phải được mẹ đưa rước, mất công ăn việc làm.

- Nhà ở đa phần “nhà đá, nhà đạp”, đêm nhìn lên nóc thấy đầy sao, trời mưa phải che ny lông.

- Hộ có điện chỉ chiếm 14% hộ dân trong toàn tỉnh, có nơi như Cà Mau chỉ có 5% hộ có điện.

- Nước uống đục ngầu, ô nhiễm dễ sinh bệnh tật.

- Trạm xá toàn bằng tre lá, thiếu thầy, thiếu thuốc, thiếu nhà bảo sanh.

- Phương tiện nghe nhìn rất ít, tiếp thu khoa học kỹ thuật cho sản xuất và đời sống ít ỏi.

Chúng ta có thể nào để hàng 400- 500 cháu chết đuối khi lũ về? Chúng ta phải làm gì?

Cả hội trường đăm đăm nhìn tôi. Chủ tọa kỳ họp gác viết chăm chú nghe. Tôi liền nói “Chính phủ cần có một chương trình đồng bộ cho ĐBSCL’’.

Xả hơi, đồng chí Trần Hồng Quân- Bộ trưởng Bộ GD- ĐT nói với tôi: “Mười Mẫn phát biểu chấm 10 điểm”, đồng chí Bí thư Long An nói: “Thôi làm Bí thư rồi mới nói”. Các tỉnh đồng bằng ủng hộ bài phát biểu của tôi.

Vài tháng sau, Chính phủ đã có Nghị quyết 9 về đồng bằng. Thật ra Chính phủ đã đi khảo sát và chuẩn bị nghị quyết rồi.

Trong thời gian này, tuy không còn trong Tỉnh ủy, các cuộc họp của Thường vụ Tỉnh ủy, các anh có mời tôi dự để góp ý.

Mãn Quốc hội khóa VIII, tôi không còn ứng cử Quốc hội và được nghị quyết nghỉ hưu trí vào tháng 2/1997, Chính phủ cho tôi nghỉ hưu, nhưng Điều lệ Đảng không có điều nào cho đảng viên nghỉ hưu, ý chí cách mạng thôi thúc tôi phải tiếp tục làm cái gì lợi cho dân cho nước.

Năm 1997, một hôm tôi đi cùng đồng chí Tư Nhân- Phó Chủ tịch Ủy ban tỉnh, Đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri ở xã Tân Quới. Dân đề nghị kéo điện về xã, đồng chí Tư Nhân trả lời là ngân sách không có bố trí nên không có vốn làm. Sau hội nghị, tôi đi coi lại, chỉ cần kéo 2km đường trung thế, còn lại là hạ thế, để cho 450 hộ dân có điện không tốn kém lắm. Tôi bàn với đồng chí Giám đốc Điện lực tính thử thì mỗi hộ chỉ đóng góp trung- hạ thế khoảng 1,5 triệu đồng. Tôi bàn với Thường vụ cấp ủy xã, phải phát động, dân tự lực. Sau khi Chi ủy, Ủy ban, Chi bộ xã thống nhất đi phát động, dân đồng tình, giao đồng chí Lễ- Giám đốc Điện lực ứng vật tư làm trước, dân trả sau. Định lễ Quốc Khánh (2/9) sẽ bật điện. Tôi bám chặt chỉ đạo các xã trên đường dây trung thế từ Cái Vồn về Tân Quới, phải hạ thế một số tuyến khi xã Tân Quới đóng cầu dao. Đúng ngày 26/8, không đầy một tháng thì xong lưới điện, cho bật điện thử, các nẻo đường và chợ đèn sáng choang. Dân reo hò, bao đò sang Cần Thơ sắm tivi, tủ lạnh, quạt máy. Người dân vui mừng không sao kể xiết.

Tôi mời các đồng chí Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực UBND tỉnh đến tại xã Tân Quới nghe xã ủy báo cáo cách kéo điện dân tự lo để rút kinh nghiệm.

Nhân khí thế hồ hởi của nhân dân, ta tiếp tục kéo điện cho 3 xã: Thuận An, Mỹ Thuận và Nguyễn Văn Thảnh kịp khánh thành vào ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12).

Kéo điện về cù lao xã Phú Thành, Lục Sĩ Thành là công việc khó khăn vì phải vượt sông gần 800m, nhân dân không tin ta kéo qua sông được. Nhưng ta đã làm nhanh, đúng tiến độ. Ngày đóng cầu dao, trên cù lao đèn điện sáng choang, người dân tưởng như mơ, xã làm thịt con bò ăn mừng, văn nghệ thật vui.

Đồng chí Bảy Quân- Bí thư Tỉnh ủy- nói với tôi: “Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ đến năm 2000 phải có 80% hộ dân có điện, bây giờ mới có 26% thì làm thế nào cho đạt chỉ tiêu”. Tôi nói: “Nếu đổi cơ chế làm theo kiểu Nhà nước và nhân dân cùng làm, phân cấp quản lý, giao thẩm quyền cho xã huyện, huy động ngân hàng vào cuộc, chỉ đạo phải thống nhất, chặt chẽ thì chỉ tiêu 80% hộ có điện là có thể làm được”. Thế là các đồng chí mời tôi làm chuyên viên cho UBND tỉnh lo về việc phát triển điện nông thôn. Tôi nhận lời và đến Đại hội, Tỉnh ủy báo cáo chỉ tiêu 82% hộ dân có điện.

Tiếp đến, đường điện Hựu Thành, Thới Hòa, Hòa Bình và điện Bến Tre vượt sông Mang Tra về Thanh Bình, Quới Thiện được hoàn thành. Ta đã huy động sức dân trên 200 tỷ đồng đưa điện đến 975 hộ dân, nhờ Chỉ thị 01 của Tỉnh ủy, quyết tâm của ngành điện, sự lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh, ủy ban và nhiệt tình của nhân dân, điện sáng nông thôn là một cuộc đổi đời với nông dân, xóa đi cái thời đốt đèn rọi mù u, đèn dầu leo lét, tiếp thu khoa học trong các chương trình của truyền hình, hỗ trợ cho nông dân phát triển sản xuất. Có người nói: “Có điện sáng vài ba ngày tôi chết cũng được’’. Từ đó dân đặt cho tôi cái tên “Mười Điện’’.

Ngoài ra, tôi còn làm Phó Chủ tịch Hội khuyến học tỉnh, Phó Ban Đại diện hưu trí tỉnh, Ủy viên MTTQ tỉnh, Chủ nhiệm CLB Cựu tù chính trị, sau thành Hội Người tù kháng chiến.

Tỉnh ủy chỉ định tôi làm Ủy viên BCĐ 01- xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư ở nông thôn của tỉnh.

Để đem lại ánh sáng cho người mù do đục thủy tinh thể trong tỉnh, Tỉnh ủy, UBND tỉnh thành lập BCĐ chống mù, hoàn thành trong năm 2004- 2005. Tôi được chỉ định làm tư vấn, cùng các ngành liên quan, các huyện xã, đặc biệt là Đài Phát thanh- Truyền hình tỉnh đã vào cuộc và cơ bản mổ mắt cho người cao tuổi đạt yêu cầu. 

* * *

Tôi sinh ra từ gia đình nông dân nghèo ở miền sông nước, vùng sâu, không ruộng cấy trâu cày, làm thuê, cấy rẽ, lam lũ quanh năm, bị địa chủ phong kiến áp bức bóc lột, đói cơm, rách áo, bệnh hoạn ốm đau. Từ một học sinh nghèo ở trường làng, sớm được giác ngộ cách mạng, 14- 15 tuổi, tôi theo Việt Minh (Đảng- Bác Hồ) làm Cách mạng Tháng Tám thành công ở địa phương, tiếp đến tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ. Sau giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, tôi lại tiếp tục cùng toàn dân khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng lại quê hương đất nước.

Từ khi tôi cất tiếng khóc chào đời đến nay đã 85 tuổi đời, 65 tuổi đảng, 70 năm hoạt động cách mạng. Gần một thế kỷ qua, đất nước ta có bao biến cố lịch sử. Đời tôi có nhiều gian khổ khó khăn, còn sống được đến ngày nay, với tôi thật là kỳ diệu. Tôi và trang lứa tôi, thế hệ tôi, có người đã chiến đấu hy sinh, may mắn tôi được sống, đồng hành cùng dân tộc làm nên kỳ tích đánh đuổi ngoại xâm giành độc lập cho dân tộc.

Tuổi đời tôi mới có 2 con số nhưng có bao điều đáng nhớ, đáng ghi, đáng chiêm nghiệm cho mình và để lại cho con cháu đời sau.

Người xưa có câu “Nhất nhật lao tù, thiên thu tại ngoại” (một ngày ở tù bằng ngàn năm ở ngoài).

4.879 ngày tôi đã sống, chiến đấu trong tù ngục của Mỹ- ngụy, gian nan đã trui rèn tôi thành người Cộng sản chân chính, làm bất cứ việc gì Đảng giao, đi bất cứ nơi nào Đảng cần, không đắn đo, so bì, né tránh. 70 năm làm Cách mạng chưa mắc sai lầm, khuyết điểm. Chỉ có điều tài sức có hạn chưa làm được nhiều nữa cho dân cho nước mà tôi hàng mong muốn.

Nhà thơ Tố Hữu có câu: “Đời cách mạng từ khi tôi đã hiểu, dấn thân vô là phải chịu tù đày”, chân lý là cụ thể. Ngoài mối thù chung, tôi không có kẻ thù riêng.

Giờ đây, cầm bút viết những dòng này, bao hoài niệm ùa về sống lại trong tôi, những tên đất, tên người, bạn bè, đồng chí, đồng bào, những địa chỉ tri ân đã quên mình nuôi dưỡng, chở che, cộng tác, giúp đỡ cho tôi sống, hoạt động cách mạng. Dù ở cương vị nào, tôi cũng không quên quá khứ nghèo khó, cùng nhân dân không ngừng cải thiện, nâng cao đời sống.

Một lần nữa, tôi vui, tự hào, mãn nguyện đã đặt niềm tin, suốt đời dâng hiến trí lực cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc.

(Tiếp theo kỳ trước và hết)