Hồi ức "người mang án tử hình" của đồng chí Hồ Minh Mẫn

4.879 ngày đấu tranh trong ngục tù Mỹ- Ngụy

Cập nhật, 16:06, Chủ Nhật, 16/02/2020 (GMT+7)

 

Tham quan “Chuồng cọp” II những năm sau giải phóng.
Tham quan “Chuồng cọp” II những năm sau giải phóng.

Khẩu hiệu đấu tranh bắt đầu chuyển sang đấu tranh chính trị như mục tiêu ta đã đề ra. Mỗi ngày hô khẩu hiệu 2 lần: Trưa và chiều sau bữa ăn, kéo dài gần 1 tháng.

Một hôm, chúng cho bác sĩ vào mời từng anh em bại xuội cho chúng khám lại, vì chúng nghi ta giả vờ, không biết khi khám xong có nhận xét gì, nhưng 3 ngày sau (21/3/1973) chúng kêu giám thị, trật tự, công an mời anh em tập trung trước sân để lên máy bay về trao trả cho Chính phủ cách mạng.

Khi chúng đưa chúng tôi ra lộ chờ xe đi sân bay Cỏ Ống, tôi nhìn thấy tên Chín Rong chấp tay sau đít đi tới đi lui, vẻ mặt vẫn còn hung hăng, tôi liền nói với nó: “Hòa bình lập lại rồi, người Việt không còn giết người Việt theo lệnh của Mỹ nữa, chúng tôi về đời mong ông ở lại đối xử tốt với anh em tù còn lại”. Nó nhìn tôi và nói: “Chưa chắc hòa bình đâu! Đừng dạy đời”.

Thế rồi chúng cho còng 128 anh em chuồng cọp 7 lên xe đi ra sân bay Cỏ Ống, nơi có một chiếc máy bay vận tải quân sự C130 đang chờ. Xe lướt nhanh bỏ lại TX Côn Sơn, các trại giam, những bạn bè, đồng chí, có người vĩnh viễn nằm lại lòng đất Hàng Dương, những anh em tù còn lại. Xe lên đất dốc, nhìn xuống thung lũng Côn Sơn lòng thấy bùi ngùi…

Đến sân bay Cỏ Ống, chúng còng anh em đưa lên máy bay, ngồi sắp hàng 6. Lúc này có các anh ở Câu Lưu trại 1 như Hoàng Duy Khương- Xứ ủy viên- bị bắt khoảng từ năm 1957 do chống ly khai đến nay đã bại xuội.

Tổng cộng 128 anh em tù chính trị bị bại xuội trên chiếc C130. Máy bay cất cánh không đầy 30 phút đã hạ cánh xuống sân bay quân sự Biên Hòa. Tôi ngạc nhiên, vì sao máy bay đáp xuống sân bay Biên Hòa mà không đưa đi Thiện Ngôn để trao trả cho Chính phủ cách mạng?

Vì sao bọn áp tải không phải là giám thị mà toàn bọn công an? Âm mưu của chúng là gì? Phải đề phòng chúng phân tán để thủ tiêu anh em. Xe quân sự đậu sát máy bay, chiếc C130 “hả đít” ra, chúng tôi lết xuống sân. Chúng cõng từng anh em chuyển lên xe. Một anh em ta bị xỉu, vì từ trong buồng kín ra ngoài bị trúng gió.

Chúng cho đem xe cứu thương chở đi bệnh viện, tất cả anh em vây quanh bệnh nhân không cho chở, vì sợ nó mang đi giết. Một anh em tù đã chuẩn bị kim châm cứu đến châm cứu và cho uống thuốc. Bệnh nhân tỉnh lại, một số anh em đòi bạo động trong sân bay, nhưng nhiều anh em không đồng ý, vì bạo động tại khu quân sự không có quần chúng ủng hộ, địch sẽ đàn áp, chờ tới cổng, có dân cư sẽ bạo động.

Xe ra khỏi cổng sân bay, anh Hai Quế tung truyền đơn, tất cả hô khẩu hiệu, xe đi ngang Ủy ban liên hợp bốn bên, chúng tôi càng la lớn, rồi dừng lại tấm bảng đề “Trung tâm thẩm vấn” và chạy thẳng vào trại giam. Tên trung tá địch đến hỏi thăm, nhưng tên công an áp tải vọt miệng nói: “Đ.m, trung tá chúng tôi cõng nó lên xe mệt thấy mẹ, mà nó đả đảo mình từ sân bay về đây trung tá”. Tên trung tá trừng đôi mắt: “Chở mấy cha về để thả các cha mà đả đảo nỗi gì”.

Anh em ta nói: “Có đả đảo, có hoan hô nữa chớ. Hoan hô hòa bình không còn chiến tranh, người Việt không còn đổ máu nữa. Đả đảo là đả đảo chế độ nhà tù tàn bạo đã làm anh em tôi thành phế nhân”. Nó nín im rồi ra lệnh cõng anh em xuống đất và nói: “Các anh chỉ được ở trong hàng rào, không được lết ra ngoài, chờ cấp trên giải quyết”. Các phòng giam chúng mở cửa.

Tối hôm đó, tôi lết đến các phòng biệt giam (quenstiau) gõ cửa hỏi: “Trong phòng có ai không? Chúng tôi là tù chánh trị chuồng cọp Côn Đảo, chúng chở về đây nói là để thả, nhưng không biết tình hình thi hành Hiệp định ra sao, các anh cho biết”. Trong phòng có người nhưng không trả lời. Anh em nói tiếp: “Chúng tôi tù chuồng cọp bại xuội về đây, không có công an, trật tự gì ở đây các anh cứ nói”.

Trong phòng có tiếng nói ra: “Chúng phá hiệp định, tôi mới bị nó bắt. Nếu các anh ra khỏi khám tìm về xóm lao động, cơ sở ta sẽ dẫn các anh vào khu”.

Sáng hôm sau, chúng tôi đòi gặp Ban liên hợp bốn bên, đòi trao trả chúng tôi cho Chính phủ cách mạng theo như hiệp định. Bọn chúng báo cáo lên Tổng nha Cảnh sát.

Ngày hôm sau, một trung tá ở Nha Cảnh sát đến gặp chúng tôi và nói: “Chấp hành lệnh thủ tướng, đưa các anh về đây là để thả đơn phương chớ không phải để trao trả cho Chính phủ cách mạng”. Chúng tôi nói: “Chúng tôi không chấp nhận thả đơn phương, không chấp nhận một ân huệ nào của các ông”.

Tên trung tá nói tiếp: “Nếu trao trả các anh ở sân bay Thiện Ngôn, cõng các anh bại xuội qua các ống kính phóng viên trong ngoài nước, trước dân chúng và Chính phủ các ông, liệu có mất mặt chúng tôi không?” Hắn nói tiếp: “Nếu các anh đóng vai trò như chúng tôi thì các anh có dám đem trao trả ở Thiện Ngôn không?”

Hai bên cãi vã qua lại, chúng nó bí nên nói “nếu các anh không chịu thả đơn phương, thì chúng tôi đành trả các anh về Côn Đảo”.

Ngày thứ ba, chúng bắt chúng tôi chụp hình, anh em chúng tôi kiên quyết không cho chụp. Chúng hăm dọa, không được đành thôi “các anh không cho chụp hình, thì chúng tôi cũng đã có hình các anh rồi” (hình cũ lúc bị bắt).

Lúc xe chở anh em về trại giam, tên công an áp giải thấy anh Quế tung truyền đơn ra đường, nên chúng mới bắt anh Quế. Anh em kéo vây chúng đòi phải thả anh Quế, kết quả anh Quế được thả về phòng.

Anh em nhận định: Chắc nó đơn phương thả rồi, nếu ta đi lẻ tẻ chúng sẽ thủ tiêu dọc đường. Thôi thì đưa thầy Kiếm về trước họp báo công khai hóa, số anh em còn lại sẽ ở đây. Sở dĩ chọn thầy Kiếm vì ông là Đại đức trụ trì chùa ở TX Biên Hòa có thanh thế với chùa Ấn Quang, và để thầy Kiếm liên lạc với anh Quế vừa về theo hình thức thả đơn phương. Sở dĩ anh em lo cho anh Quế vì chúng biết anh Quế lúc bị bắt là Tỉnh ủy viên
Quảng Ngãi.

Chấp hành ý kiến anh em, thầy Kiếm ra về. 3 hôm sau, một tên Đại úy xách tờ báo đi vào trại, tay đưa tờ báo và hét lên: “Mới thả một thằng mà về rùm beng hết rồi, đây nè, thầy Kiếm họp báo la lên nè!” rồi nó nói tiếp- “Các anh định đăng ký về Ấn Quang để biểu tình hả? Đừng mong, Ấn Quang ngày nay chớ không phải Ấn Quang ngày xưa. Tao cài người vào đó đặc hết.

Tụi bây giở trò gì là tao bóp chết trong trứng. Tổng giám đốc ra lệnh cấm các anh không được ra tù ở Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định. Còn lại tùy các anh chọn”. Anh em phản đối chúng. Anh em bàn nhau định đăng ký về chùa Ấn Quang rồi lết ra ngoài làm một cuộc biểu tình tố cáo chế độ Sài Gòn, chắc chắn gây tiếng vang ở Sài Gòn.

Chúng gọi anh em đăng ký về các địa phương, đã 2 ngày rồi, không ai đăng ký, ngày thứ ba chúng cho xe vào bắt chở phân tán đi các tỉnh.

(Mời xem tiếp trên số báo tới)