Hương tràm năm cũ

Cập nhật, 13:11, Chủ Nhật, 15/09/2019 (GMT+7)

(Tiếp theo kỳ trước và hết)

Hồi ấy xã Vân Khánh nằm trong vùng căn cứ của miền Tây Nam Bộ, một số đơn vị của khu về đây củng cố nên địch tập trung đánh phá ác liệt nhằm tiêu hao lực lượng của ta.

Vì thế, thôn xóm quằn quại với đạn xới bom cày. Thương đau tang tóc len vào từng gia đình, giáng xuống đầu từng người một. Những tổn thương mất mát không thể đo đếm được.

Nhưng những người dân nơi đây, người dân vùng U Minh Thượng vẫn sống đầy trách nhiệm, đạo lý, nghĩa tình và luôn giữ niềm tin đối với Đảng nên dù bị địch o ép chà xát dữ dằn vẫn không nao núng, vẫn kiên trì bám trụ bằng cách tản ra đồng ruộng cất chòi ở bờ vuông, bờ đìa cùng xã, ấp và các bộ phận cơ quan khu sản xuất và chiến đấu.

Tranh minh họa: TRẦN THẮNG (TP Vĩnh Long)
Tranh minh họa: TRẦN THẮNG (TP Vĩnh Long)

Trong chiến đấu và sản xuất, không ít đôi gái trai tráng kiện đã phải lòng nhau. Họ yêu nhau bằng một tình yêu đích thực, không phải là sở thích mà là cung bậc cao nhất của cảm xúc.

Nếu chiến tranh càng ngày càng khốc liệt thì tình yêu này ngày càng đâm chồi khỏe mạnh, tràn trề nhựa sống, còn hứa hẹn ngày nước nhà độc lập sẽ đơm hoa kết trái sai oằn. Tình yêu của chú Danh Hưởng và cô Thạch Thư là một điển hình như thế.

Lúc bây giờ họ còn trẻ lắm! Tuổi suýt soát nhau, anh du kích có dáng người chắc lẳn, nhanh nhẹn, hoạt bát. Danh Hưởng 20 tuổi, còn cô Hội trưởng phụ nữ giải phóng xã dịu dàng, trong sáng Thạch Thư thì 19 tuổi. Hai người gặp gỡ, quen và yêu nhau trong mùa cấy lúa Trái Mây Cụt trên đồng đất Chà Nạc.

Mối tình thơ mộng nở trong pháo bầy mưa đạn cứ lớn lên theo những trận chống càn trời long đất lở, mỗi bận địch rắp tâm “nhổ cỏ U Minh”. Rồi dần dà nó được sáng chói lên vẻ đẹp rực rỡ nhất từ trận đánh lớn trong chiến thắng Thứ Mười Một vang dội, lẫy lừng.

Được tin Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu sẽ đến thị sát căn cứ Rạng Đông tại Thứ Mười Một, Khu ủy giao nhiệm vụ cho quân chủ lực của khu là đánh cho bằng được đoàn tàu thập ác (tàu lớn nhất trong đoàn tàu đến đâu là làm nơi ăn ở cho Nguyễn Văn Thiệu).

Yêu cầu của trận đánh đặt ra phải có ngay ba trăm pin đèn, hai trăm mét cao su gói thuốc nổ, hai ký dây thun khoanh, hai mươi lăm giạ gạo, năm ngàn bánh lá dừa và hàng ngàn ký thực phẩm.

Trước một trận đánh mang tính lịch sử như thế. Cô Thạch Thư và anh Danh Hưởng đồng tình gác lại lễ cưới chỉ còn hai hôm nữa là tổ chức của mình, để chung tay lo việc lớn.

Thạch Thư tích cực vận động bà con các ấp ra đồng lắt từng bông lúa vừa chín về đạp rụng hột rang cho khô dùng cối giã, vọt bằng cái tỉn nước mắm ra thành gạo đáp ứng đủ yêu cầu cho bộ đội ăn đánh giặc. Cô còn năng động, liên tục ra Thứ Mười Một, Xẻo Rô mua đủ hàng cần thiết và tập hợp một số chị em chí cốt gói bộc phá cho đơn vị đặc công đánh địch.

Riêng anh Danh Hưởng- xã đội trưởng mới được đề bạt hơn tháng nay đâu thua chi người vợ sắp cưới của mình. Anh tập trung du kích phối hợp với du kích xã bạn ở lân cận bao vây khuấy rối đồn: Đường Tắc, Vàm Xáng Cán Gáo để nghi binh đánh lạc hướng địch.

Tinh thần chuẩn bị chiến đấu vui như ngày hội. Các mẹ, các chị nói đùa với đôi vợ chồng vì chuyện non nước nên chưa cột chỉ đỏ vào tay nhau: “Nếu đánh tan xác tàu thập ác sẽ xin phép đảng ủy và cha mẹ hai bên cho cô dâu và chú rể vào “khách sạn” ở rừng tràm hưởng tuần trăng mật trước ngày cưới!”

Kết quả ta đánh chìm 26 tàu, có tàu thập ác, diệt hàng trăm tên địch, tên Tổng thống Thiệu không dám đến.

Vùng căn cứ trên Vân Khánh giờ đây đã thưa dần bom đạn, lẽ ra hôn lễ của Danh Hưởng và Thạch Thư được tổ chức linh đình như mong muốn của họ hàng hai bên và bà con chòm xóm.

Nhưng thật đáng ngợi khen! Hai con người lấy nghĩa cả làm trọng tiếp tục gác lại chuyện cưới xin cùng đồng chí đồng đội và nhân dân trong xã tiến tới đợt tổng công kích, tổng khởi nghĩa vào sào huyệt cuối cùng của địch.

Cũng trong thời điểm này, xã đội trưởng Danh Hưởng được rút về tỉnh, để bổ sung vào Tiểu đoàn 519. Với Thạch Thư, cô dâu chưa mặc áo cưới, cô gái Khmer có cái cười chói chang như nắng ngày hạ ngoài công tác binh vận ra, cô tập hợp người già, phụ nữ kéo ra thành trực diện đấu tranh với kẻ thù, theo sự lãnh đạo của huyện và của tỉnh.

Chiến tranh không ngừng tiếp diễn, ngày toàn thắng sắp đến gần. Tình cảm đôi uyên ương thời ly loạn lại ngày càng xa cách như tán lá chuối trước cơn giông bão, không thể vá víu được nữa! Một lần tấn công vào trụ sở của địch ở trên tỉnh Rạch Giá, Danh Hưởng bị thương nặng.

Sự sống dường như muốn vượt khỏi tấm thân bê bết máu và bùn. Anh được gia đình thím Hai Ân, cơ sở của ta trong nội thành cưu mang thuốc men hoạn dưỡng cho đến ngày đất nước hát khúc khải hoàn ca trong ngày vui đại thắng. Rồi đùng một cái!

Tin Danh Hưởng làm lễ thú phạt với cô Băng Kiều, cô gái xinh đẹp, đẫy đà, hấp dẫn một cách gợi tình; con gái đầu lòng của thím Hai Ân rơi vào tai cô Thạch Thư.

Tội nghiệp! Đôi mắt đen láy, to tròn nép dưới đôi mày thanh mảnh như lá liễu của Thạch Thư càng mênh mông dõi vào khoảng không vô định.

Gương mặt trái xoan của cô có đến hàng giờ bất động. Rồi Thạch Thư căm giận Danh Hưởng đến tột cùng! Thế mới biết, tình yêu có một quy luật đặc thù của nó! Nó không dung thứ cho một sự chia sẻ nào.

Thạch Thư căm giận, căm giận cái con người lấy cuộc đời cô làm chặng dừng chốc lát cũng đúng thôi! Và cô đã vội vàng nhận lời cầu hôn của người đồng chí công tác chung cơ quan với mình.

Vợ chồng sống với nhau được một mặt con thì chồng Thạch Thư hy sinh do vết thương cũ thời chiến tranh tái phát. Đối với Danh Hưởng thì bất hạnh nó cũng bước ngang ngạch cửa nhà Danh Hưởng.

Phải chăng đây là cái giá phải trả cho sự bội bạc, vì cái khiếm khuyết ở nơi sâu kín nhất của tạo hóa lại rơi đúng vào Băng Kiều- vợ Danh Hưởng. Băng Kiều bị bệnh vô sinh, nghĩ mình không cho chồng được một mụn con nối dõi tông đường nên cô lặng lẽ chia tay cùng chồng, gởi thân vào nơi cửa Phật, không phải làm ni cô mà làm trong Hội từ thiện của chùa.

Danh Hưởng tủi buồn bán nhà ở chốn thị thành về quê sinh sống. Ôi! Những tập tiếp theo của cuộc đời là “chiến tranh” giữa Danh Hưởng và Thạch Thư nổ ra triền miên, kéo dài đến tận cái tuổi xế chiều. Danh Hưởng luôn là người chiến bại, làm cái túi để cô Thạch Thư đổ đầy nhóc mọi bực tức muộn phiền!

- Trời đã sụp tối rồi, chưa về cơm nước đặng nghỉ ngơi hả chú Danh Hưởng? Cha! Ông lo cho con tôm, con cua giờ còn lo cho ba con cá nữa.

Lời nói của Bảy Đẹp vực chú Danh Hưởng trở về với thực tại, chia tay với cùng kỷ niệm êm đềm, lấy lại phong độ cũ.

- Ê, Bảy Đẹp sao mầy nói về tháo đụt?

- Bữa nay nhằm ngày con “nước cái”, nước ròng sớm nên tháo đụt xong rồi, tranh thủ gặp chú có vấn đề quan trọng cần báo cho chú rõ. Thôi, chú cháu mình vào chòi tâm sự! Nhưng với điều kiện đồng chí nguyên chánh trị viên của Tiểu đoàn 519 Danh Hưởng không được cắt lời của tôi trong khi nói à!

- Ờ…ờ… nhất trí với đồng chí Bí thư Đảng ủy xã, tôi là con người thừa lịch sự mà!

Hai người vui vẻ đi bên nhau. Mùi hương tràm tinh khiết lung linh trong gió. Bóng tối dè dặt bao phủ, sau đó loãng dần ra mênh mông hơn. Ngồi đối diện với chú Danh Hưởng trên bộ vạc tre, Bảy Đẹp cất giọng từ tốn, ngẫm ngợi ra chiều tâm đắc:

- Chú thấy đó, con đường liên xóm mà chánh quyền và bà con đang nâng cấp chỉ đi được xe hai bánh hà! Còn bất tiện đủ thứ hết! Bà con nông dân bán lúa thóc, trái cây, hoa màu và tôm, cua… phải dùng xe hai bánh “lòi” hàng ra ngã ba lộ cái cho xe tải của thương lái nó “ăn”.

Vì xã mình có hơn ba ấp không có đường thủy mà! Còn cái này mới ngặt! Nhà có hữu sự ốm đau cũng xe hai bánh đèo đi gần chục cây số mới đón được xe đò hay tắc-xi, thành thử ra đau ít thành đau nhiều, còn đau nhiều nếu đến được bệnh viện cũng bèo nhèo như hấp hối!

Thương bà con mình, cô Thạch Thư bàn tính cùng chính quyền và đã lên kế hoạch cơi nới rộng con lộ liên xóm vừa nâng cấp xong, để xe bốn bánh có tải trọng nhỏ hay lớn đều đi lại được.

Kinh phí để thi công con lộ này lên đến hàng tỷ đồng, do cô Thạch Thư vận động con gái mình ở nước ngoài gởi về đóng góp. Sau Tết Chol Chnam Thmay, nhà thầu bắt tay vào thi công. Cái lý do cô Thạch Thư nhận xi-măng của chính quyền hỗ trợ rồi mà chưa kịp làm như chú và bà con mình là vậy!

- Ôi! Bà ấy vẫn như ngày xưa, luôn có cuộc sống vì người khác. Đây là cuộc sống có ích. Còn mình thì mãi lặn hụp nổi trôi với tính toán tầm thường.

Nghĩ như thế, Danh Hưởng cảm thấy day dứt, hổ thẹn và nuối tiếc rồi tự trách mình, bởi đánh mất bất cứ việc gì, nguyên nhân trước hết thuộc về người giữ nó.

Bên ngoài, trăng đã nhô lên chất từng hạt sáng màu nghệ xuống mặt đê bao hòa quyện với “khúc nam ai” của côn trùng vọng lên từ lòng đất. Mùi hương tràm tinh khiết theo gió lén vào căn chòi nhỏ, làm lòng chú Danh Hưởng càng thêm thổn thức.

Hồng Sơn