Kỷ niệm lần thứ 130 ngày sinh cụ Bùi Bằng Đoàn (19/9/1889- 19/9/2019)

Cụ Bùi Bằng Đoàn- Tấm gương đạo đức cao đẹp của cách mạng Việt Nam

Cập nhật, 06:02, Chủ Nhật, 15/09/2019 (GMT+7)

Ban Tuyên giáo Trung ương vừa phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Văn phòng Quốc hội tổ chức Hội thảo Khoa học cấp Quốc gia “Bùi Bằng Đoàn với cách mạng Việt Nam”. Đây là hoạt động thiết thực kỷ niệm 130 năm ngày sinh Trưởng ban Thường trực Quốc hội Bùi Bằng Đoàn (19/9/1889- 19/9/2019).

Các đại biểu tham dự hội thảo chụp ảnh lưu niệm với GS.BS Bùi Nghĩa- con trai cụ Bùi Bằng Đoàn (thứ hai, bên trái).
Các đại biểu tham dự hội thảo chụp ảnh lưu niệm với GS.BS Bùi Nghĩa- con trai cụ Bùi Bằng Đoàn (thứ hai, bên trái).

Đến dự và chủ trì hội thảo có các đồng chí: Nguyễn Xuân Thắng- Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Đại tướng Đỗ Bá Tỵ- Phó Chủ tịch Quốc hội; Nguyễn Thanh Long- Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương.

Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh: Cụ Bùi Bằng Đoàn, một chí sĩ yêu nước nhiệt thành, một vị quan thanh liêm, chính trực, “dĩ công vi thượng”.

Nhiều năm làm quan trong triều đình nhà Nguyễn ở các chức vụ, địa phương khác nhau, cụ nổi tiếng là vị quan đức độ, thanh liêm, chính trực, yêu nước, thương dân. Trên công đường ở những nơi làm quan, cụ đều cho treo một bảng thông báo “không nhận quà biếu”.

“Cụ Bùi Bằng Đoàn cũng là một nhà lãnh đạo tài năng của Chính phủ và Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”- đồng chí Nguyễn Xuân Thắng khẳng định.

Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, cụ Bùi Bằng Đoàn được Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư mời ra làm trong Ban Cố vấn Chủ tịch nước. Ngưỡng mộ tài năng và cảm động trước lời tâm tri của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cụ đã nhận lời ra làm việc cho chế độ mới.

Trong bối cảnh chính quyền cách mạng còn non trẻ, cụ Bùi Bằng Đoàn đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng, giao đảm nhiệm cương vị Trưởng ban Thanh tra đặc biệt của Chính phủ, nhằm củng cố chính quyền, thanh tra minh bạch, ngăn chặn và xử lý những việc làm sai trái ở các cơ quan hành chính.

Bằng kinh nghiệm của bản thân và tinh thần trách nhiệm cao của người đứng đầu, với thái độ công bằng, chính trực, cụ Bùi Bằng Đoàn đã cùng với đoàn thanh tra điều tra, xem xét, làm rõ, xử lý được nhiều vụ việc tiêu cực, tham nhũng, giải quyết oan sai, khuất tất của người dân một cách thấu tình, đạt lý, được cán bộ và nhân dân tâm phục, khẩu phục, góp phần làm trong sạch bộ máy hành chính các cấp.

Được bầu làm Trưởng ban Thường trực Quốc hội, cụ Bùi Bằng Đoàn đã cùng với các thành viên Ban Thường trực Quốc hội nhanh chóng tham gia vào công cuộc xây dựng, củng cố bộ máy nhà nước, xây dựng nền dân chủ mới.

Đặc biệt, cụ được Quốc hội ủy nhiệm tham dự vào các cuộc họp của Hội đồng Chính phủ để góp ý trong mọi công việc kháng chiến, kiến quốc; trong đó có việc cải tổ nhân sự của Chính phủ năm 1947.

Cụ đã chỉ đạo đoàn đại biểu Quốc hội của các khu vực kiểm tra tình huống, lấy nguyện vọng của nhân dân góp ý cho Quốc hội và Chính phủ trong lãnh đạo kháng chiến, kiến quốc. Cụ còn rất quan tâm, động viên cán bộ, chiến sĩ, khích lệ tinh thần quyết chiến, quyết thắng của Quân đội ta.

Theo đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, cụ Bùi Bằng Đoàn thể hiện nhân cách cao đẹp của một chí sĩ hết lòng vì nước, vì dân. Cụ Bùi Bằng Đoàn là người có tài năng, đức độ, được Triều đình nhà Nguyễn và sau đó là Chính phủ Nam triều hết sức trọng dụng, nể phục.

Khi chính quyền cách mạng thành lập, hưởng ứng lời kêu gọi của Bác Hồ đề nghị những bậc hiền tài ra giúp dân, giúp nước, cụ Bùi Bằng Đoàn đã tham gia chính quyền cách mạng.

Trên cương vị là một nhà lãnh đạo của Quốc hội và Chính phủ, cụ Bùi Bằng Đoàn luôn nêu cao tinh thần: cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, đem hết tài năng, trí tuệ và sức lực để phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng.

Một lòng tận tụy với công việc, tận tâm với nhân dân, lấy lợi ích tối cao của dân tộc làm lẽ sống, cụ đã cùng Quốc hội và Chính phủ đoàn kết toàn dân, đưa cách mạng Việt Nam vượt qua nhiều khó khăn, thử thách trong sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc.

Khi bị ốm nặng, được Trung ương Đảng và Chính phủ đưa về vùng tự do Thanh Hóa chữa trị, cụ vẫn giữ mối liên hệ với chiến khu, thường xuyên qua thư từ góp ý cho Trung ương và Chính phủ về những vấn đề quan trọng của đất nước; vẫn hăng hái viết bài, đăng báo, đài động viên quân và nhân dân ta tin tưởng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến trường kỳ dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

“Cụ Bùi Bằng Đoàn thực sự là tấm gương tiêu biểu về tinh thần yêu nước, phẩm chất đạo đức trong sáng, mẫu mực của một trí thức Việt Nam, suốt đời vì sự nghiệp ích quốc, lợi dân”- đồng chí Nguyễn Xuân Thắng khẳng định.

Phát biểu tại hội thảo, GS.BS Bùi Nghĩa- con trai cụ Bùi Bằng Đoàn cho biết, cha ông là một sứ giả tiêu biểu nhất trong lịch sử họ Bùi thời hiện đại.

Cụ Bùi Bằng Đoàn đã trọn một đời, từ thuở thiếu thời đã sớm ấp ủ tình “yêu nước thương dân”. Bốn chữ này đã theo cụ suốt cả chặng đường dài dưới cả hai chế độ, cho đến ngày cụ trút hơi thở cuối cùng, đi vào lòng đất mẹ thân thương.

Lên đến tột đỉnh vinh quang, gia sản cụ để lại cho gia đình, dòng tộc không phải là tiền bạc, mà là đức độ, tài năng, là nhân cách và phẩm giá của một con người đã dốc lòng vì nước, vì dân. Đó là tài sản vô giá nhất cụ đã để lại cho con cháu.

PV (theo TGO)