Nặng lòng với cổ vật

Cập nhật, 10:00, Thứ Hai, 09/04/2018 (GMT+7)

Bén duyên với “thú chơi xa xỉ” ngót nghét 7 năm, với bộ sưu tập khá đồ sộ, ông Lâm Tùng Phương (biệt danh “Phương hoài cổ”), ngụ Phường 4, TP. Cà Mau được giới sưu tầm nhắc đến như một “tay chơi” sành điệu.

Với không gian đậm chất cổ kính, quán Cà phê Xưa mà ông Phương là chủ sở hữu, khiến nhiều người bất ngờ vì không chỉ là nơi giải trí, thư giãn mà còn là nơi tập trung đông những người có cùng niềm đam mê.

Ông Phương bên bộ sưu tập đồ cổ của mình.
Ông Phương bên bộ sưu tập đồ cổ của mình.

Từng ngóc ngách trong không gian quán đều được ông tận dụng để trưng bày bộ sưu tập đồ cổ “có 1 không 2” của mình. Người đàn ông tuổi ngoài ngũ tuần nhưng bề ngoài vẫn đậm nét phong trần, cách nói chuyện hóm hỉnh, lần lượt kể về chuyện đời mình, về thú chơi đồ cổ mà ông theo đuổi.

Thoả niềm niềm vui 

Chỉ mới tập tành sưu tập đồ cổ, đặc biệt là gốm Nam Bộ nhưng ông Phương lại khiến người đối diện choáng ngợp vì “gia tài” đồ sộ của mình. 

Chia sẻ cơ duyên đến với thú chơi tao nhã này, ông hài hước: “Không phải con nhà nòi sưu tầm đồ cổ hay chi hết, tôi sưu tầm chỉ đơn thuần là vì thích. Ngắm chúng, tôi cảm thấy mọi muộn phiền đều tan biến”.

Đưa tay vuốt ve bộ bình tách trong một cái cơi màu nâu sờn, ông Phương tâm sự: “Mỗi món đồ ở đây đều gắn với một câu chuyện. Với tôi, đồ cổ không phải giá trị ở niên đại mà đằng sau món đồ ấy là cả một sự kỳ công để sưu tầm.

Không chỉ để ngắm, thỉnh thoảng tôi vẫn sử dụng chúng trong cuộc sống hằng ngày để thấy được đồ cổ không chỉ để “trưng, ngắm” mà còn có những giá trị tồn tại, mục đích hữu dụng”.

Bộ sưu tập của ông hiện có đến cả ngàn món. Trong đó đa phần là đồ cổ Nam Bộ, có món niên đại gần 1.000 năm, có món chỉ vài chục năm.

“Tôi thích sưu tầm đồ cổ Nam Bộ, đặc biệt là các vật dụng gần gũi trong đời sống. Nó thể hiện nếp sống văn hoá của một thời kỳ nào đó".

Khác với những tay chơi đồ cổ khác, bên cạnh việc đề cao giá trị niên đại, khi bắt đầu “ngắm nghía” quyết định “tậu” một “bảo vật” nào đó, ông Phương đánh giá theo tiêu chuẩn “nhất dáng, nhì da, tam hoàn, tứ cổ”.

Sở dĩ ông cho đặt những thứ mà ông coi là quý giá nhất tại quán cà phê - nơi người người đều có thể lui tới "săm soi" là vì “mình yêu thì cũng nên chia sẻ với những ai có cùng sở thích".

Và cũng tại nơi này, ông kết giao thêm nhiều “chiến hữu” có chung niềm đam mê, được đàm đạo, chia sẻ về một món đồ nào đó.

Mân mê cái ly nhỏ màu xanh ngọc, ông tâm đắc: “Chẳng hạn như chiếc ly có vẻ bình thường này nhưng khi châm nước ấm vào hoặc để trong tối thì ly sẽ phát sáng, ánh lên các nét chạm trổ hoa văn mềm mại, rất đẹp. Đó là nét hấp dẫn đặc biệt của chiếc ly này”.

Khi mới tập tành sưu tầm đồ cổ, chuyện ông Phương bị gạt hoặc mua phải đồ dỏm như cơm bữa. Ông hóm hỉnh: “Ban đầu cũng hố nhiều lắm chớ, nhưng nhiều lần mua lầm thì rút được kinh nghiệm xương máu". Và cứ thế, ông tự nhủ xem đó như là tiền... đóng học phí vậy.

Nuôi dưỡng đam mê

Đến nay, dù đã sở hữu cả ngàn món đồ nhưng hằng tháng ông Phương vẫn dành 10 bữa, nửa tháng để lặn lội đi các tỉnh khác để sưu tầm thêm.

Dù đam mê nhưng trong quá trình sưu tầm, ông Phương có một nguyên tắc: đó là không thu nạp đồ trộm cắp, những món hàng ông mua đều phải vui vẻ, giá có đắt hơn cũng không bận tâm, miễn “hợp nhãn” là được.

Kể về kỷ niệm sau một chuyến sưu tầm cổ vật, ông Phương bùi ngùi: “Có món mình thu nạp rất dễ, chỉ cần thuận mua vừa bán; có món phải qua 5-7 lần tới lui mới sở hữu được.

Có nhiều nhà vì túng buộc phải bán đi, trong mắt mình thì nó là đồ cổ có giá trị kinh tế, nhưng với họ đơn giản chỉ là kỷ niệm một thời ông bà để lại.

Có người một tay giao hàng, một tay quẹt nước mắt. Với những món đồ như vậy tôi không mua, đơn giản là vì mình sẽ có được niềm vui trên sự đau khổ của người khác, vậy là không đáng”.

Để “nuôi dưỡng” niềm đam mê với cổ vật, ngoài việc duy trì kinh doanh truyền thống của gia đình, ông Phương còn trao đổi, mua bán đồ cổ với phương châm “lấy món này đổi món khác”, vì nghề chơi đồ cổ lắm tốn kém.

Nghề gì cũng cần cái tâm sáng. Cũng từ nghề này mà ông học được sự nhẫn nại, cầu tiến. “Đời người chỉ sống một lần, vậy tại sao chúng ta không sống vì đam mê, miễn nó không chà đạp lên lợi ích của người khác là được...”, ông Phương trải lòng./.

Theo Báo Cà Mau