Truyện ngắn

Chim hạnh phúc

Cập nhật, 17:33, Thứ Bảy, 07/04/2018 (GMT+7)

Từ ngày về Công ty Trường Thủy, tôi đâm ra thích trực ca đêm. Lạ, vì đi làm, ai chẳng muốn làm việc ban ngày, đêm sum họp gia đình, đọc báo, coi tivi hoặc đi lương xương với bè bạn rồi về làm một giấc thật ngon...

Tranh minh họa: Trần Thắng (TP Vĩnh Long)
Tranh minh họa: Trần Thắng (TP Vĩnh Long)

Lúc mới về “M” Trường Thủy (mục tiêu- cách gọi của dân bảo vệ), tôi ngán trực đêm lắm. “Thức đêm mới biết đêm dài”.

12 giờ đồng hồ lầm lũi một mình đi tới đi lui, ngửa mặt ngắm sao trời (nếu đêm không mưa), tai nghe đủ âm thanh hỷ- nộ- ái- ố... Đêm khuya thanh vắng thường hay ngẫm sự đời. Cái sự đời thì cười ra nước mắt. Xa xôi gì đâu, chính cái đời mình cũng đã rõ mồn một ra rồi.

Tuổi chưa đến tứ tuần, tôi đã 2 lần đau khổ. Lần thứ nhất, ngưòi vợ sắp cưới bị tai nạn giao thông. Bao mộng đẹp của tuổi đôi mươi cùng tất cả sính lễ cho ngày cưới đã theo nàng vào thế giới vĩnh hằng.

Hơn 10 năm sau, nỗi đau trong tôi vẫn không hề giảm sút. Vậy mà tôi đã phản bội lời thề ước với em. Vì tác động của gia đình, bè bạn và nhất là của bà mai, tôi đã cưới vợ.

Có vợ (đã cưới) kề bên, vậy mà tâm trí tôi lúc nào cũng mang bóng hình người vợ (sắp cưới) đã ra đi. Ở đâu, làm gì tôi cũng nhớ em- cô gái quê mùa có làn da rám nắng, suối tóc mượt mà chấm gót, đôi mắt huyền, nụ cười bẽn lẽn...

Đó là lý do số 1, cộng với vài lý do chính đáng và cả không chính đáng, vợ chồng tôi ra tòa ly dị. Vào nghề bảo vệ, tôi muốn ca trực thật dài để không còn thời gian đối mặt với cô đơn. Nhưng trớ trêu thay, những đêm dài yên ắng lại khiến lòng tôi cuồn cuộn bão giông. Rồi cái may đã đến- nhờ những ca trực đêm ở Trường Thủy, tôi có một đứa em thật tuyệt. Từ đó tôi yêu nghề bảo vệ. Và đứa em ấy, tôi đặt tên Hạnh Phúc.

Đêm vẫn chậm chạp trôi trong nhàm chán. Dưới ánh sáng rực rỡ, từng bầy thiêu thân, mối... cứ ào ào xông lên bóng đèn rồi rơi lả tả. Dưới sàn xi măng là một lớp côn trùng đang giãy chết, 0 giờ, 1 giờ... Đúng 3 giờ, một chim sẻ xuất hiện.

Cái tĩnh lặng trong đêm, cô đơn trong tâm trí... hay có điềm gì đó không lý giải được, tôi buột miệng thốt lên: Chim sẻ! Em chim sẻ!

Em có bộ lông mướt rượt. Dáng em thon thả. Trên đỉnh đầu bé xíu có một vòng tròn màu trắng. Đôi cánh của em cũng có 2 vòng tròn màu trắng. Với 3 vòng tròn màu trắng ấy và bộ lông màu xám pha vàng lợt, tôi dễ nhận ra em dù giữa đám đông.

Em bao giờ cũng đến sớm nhất và rất đúng giờ: 3 giờ sáng. Trên sàn xi măng, đôi chân em như 2 cây tăm cứ tưng tưng di chuyển. Chim sẻ không bước ung dung như sáo sậu, bồ câu…

Đôi chân bé tí cứ nhảy tưng liên tục, trông thật vất vả. Chiếc mỏ màu xám đen mổ lia mổ lịa xuống sàn để ăn mồi. Đó là những con mối non, thiêu thân… bị mê hoặc bởi ánh hào quang đã trở thành mồi ngon cho chim sẻ. Em mổ. Mổ lia lịa. Tôi rón rén lại gần.

Vù một cái em đã bay lên nhẹ nhàng đậu trên xà ngang, ngó nghiêng quan sát. Êm. Em “rớt” thật êm xuống sàn xi măng tiếp tục bắt mồi.

Cứ khoảng 15 hoặc 20 phút em lại bay về cây mai hoàng hậu, phía cổng chính. Nơi đó lúc nào cũng ồn ào chim sẻ. Khoảng 5 phút sau, em đã lại có mặt.

Lại nhảy cà tưng. Lại mổ. 15- 20 phút sau, lại tha mồi về cây mai hoàng hậu. Em biết lợi dụng thời gian đi kiếm mồi. Lúc đó công nhân ca 3 chưa ra, ca một chưa vào, yên tĩnh. Sàn xi măng đầy ắp mồi sau một đêm côn trùng chấm dứt vòng đời.

Em tha hồ ăn, tha hồ đem mồi về nuôi bầy con nhỏ dại. Vậy chồng em đâu? Tôi đoán em là chim vợ vì vợ bao giờ cũng siêng năng, thức khuya dậy sớm.

Vợ bao giờ cũng thương yêu chăm sóc chồng con. Vợ bao giờ cũng giỏi giang, cần mẫn... Với lại chim mái thường có cái đầu nhỏ, gọn, đẹp, dễ thương. Chim trống có cái đầu to hơn, thô thiển và dĩ nhiên là “phái xấu”...

Sau hơn 2 giờ miệt mài làm việc, em ăn đã no, vận chuyển thức ăn cho con cũng đã đủ đầy, em lên đậu trên cành mai hoàng hậu đón bình minh. Em dùng mỏ chải lông, rỉa cánh.

Em duỗi chân phải rồi duỗi chân trái. Em vươn, em vỗ cánh. Mấy cọng lông từ đôi cánh ấy rụng xuống bay bay theo gió. Nghỉ ngơi ít phút em lại hòa mình cùng đồng loại.

Lúc này sân xi măng cơ man là chim sẻ. Cũng nhảy tưng tưng, cũng mổ tí tách. Có điều tất cả đi với nhau đều có đôi, có cặp. Chỉ mình em đi lẻ loi thôi.

Tôi đeo bám em đã sang tuần thứ hai. Hình như biết điều đó nên em dạn dĩ hơn. Mỗi khi tôi rón rén lại gần, em không bay vù đi mà vẫn mải mê kiếm mồi. Bước đầu khả quan.

Tôi quyết định lấy tình cảm của em bằng con đường ngắn nhất. Thấy mấy tay nuôi chim cảnh vẫn mua sâu gạo cho chim ăn. Mỗi ngày tôi cũng mua hai ngàn đồng.

Những con sâu gạo to hơn cọng tăm, màu trắng đục được rải quanh chỗ tôi ngồi. Phát hiện sâu bò lổm ngổm, sẻ liền sà ngay xuống.

Cái mỏ tí hon mổ liên tục. Ít phút sau em vẫn không quên đem mồi về cho bầy con nhỏ. Khi đã hết sâu gạo, em ngó nghiêng tìm kiếm.

Tôi xòe tay. Thấy mấy con sâu trên tay nhưng em luôn đề cao cảnh giác. Cảnh giác là đúng. Đã có tay bảo vệ chọi chết 3, 4 chim sẻ ở bãi xe này rồi.

Tôi cũng là tay bảo vệ chớ đâu phải thầy tu mà chim tin được. Lần sau, tôi rải sâu gạo lên hai bàn chân rồi ngồi đồng. Em rón rén lại gần. Cứ nhảy một bước lại ngó nghiêng quan sát.

Sau ít phút cảnh giác, em quyết định mổ một con mồi. Cứ mổ một phát em lại nghiêng đầu quan sát. Thời gian “thử thách” đã qua, em tin tôi. Không còn coi tôi là kẻ xấu, em thưởng thức món “đặc sản” ấy rất tự nhiên. Em đã quen ăn mồi trên bàn chân.

Vài hôm sau tôi để sâu gạo trên bàn tay. Xòe tay, sâu gạo bò lổm ngổm. Thoáng chút ngỡ ngàng, em chợt hiểu ra. Nhẹ nhàng em đậu trên tay tôi. Đôi chân em nhún nhảy, chiếc mỏ liên tục mổ.

Thỉnh thoảng em lại nghiêng đầu quan sát. Có lẽ em liếc tôi. Có hôm không kịp mua sâu gạo, nhưng khi tôi xòe tay, em vẫn nhẹ nhàng đậu xuống. Dần dà em đã tin tôi tuyệt đối.

Em đậu trên vai tôi. Cái mỏ kéo kéo tai tôi. Nhồn nhột mà thích lắm. Sau một hồi đùa vui, đến lúc em rướn cổ, đưa cái mỏ quẹt vào má tôi 2- 3 lần, xong em mới bay đi. Tình cảm em và tôi ngày càng thân thiết. Đêm không trực, nhớ em, tôi không ngủ. Những đêm trực, tôi không còn cảnh cô đơn…

Mỗi khi thấy tôi ngồi một mình, em sà đến. Chiếc mỏ đa năng của em gãi tai, gãi má, vuốt tóc cho tôi. Tình cờ có người thấy. Họ khen tôi hiền lành đến chim chóc cũng mến yêu.

“Tiếng lành đồn xa”, công nhân mến tôi hơn. Họ tranh thủ giờ nghỉ giữa ca đến “tám” với tôi. Cũng có người chẳng mến gì tôi, họ đến là vì tò mò. Lắm người có tâm sự buồn cũng than thở cùng tôi.

Cũng hạp thôi vì đời tôi mấy khi có được chuyện vui. Nào là một lần hụt hẫng, thêm một lần ly dị. Ngay sau khi ly dị, vợ tôi (xin lỗi: vợ cũ của tôi) có ngay chồng mới.

Chồng mới của nàng là ông bạn thân của tôi, ngày nào cũng đến nhà trà lá, đàm đạo với nhau. Thời gian đầu tôi buồn lắm. Được mấy thằng bạn tốt (tôi cũng còn bạn tốt đấy chứ), động viên an ủi.

Tôi nhớ như in hình ảnh người vợ sắp cưới lúc nàng đau đớn, quằn quại. Khi nghe tôi thề: “Anh nhớ thương em mãi mãi.

Không ai có thể thay thế được em trong trái tim anh...”, nàng khẽ mỉm cười rồi vĩnh viễn ra đi. Vậy là tôi quên hẳn chuyện mình đã từng cưới vợ, đã từng có một thằng bạn “có hạng” vì biết “lấy vợ bạn”...

Bây giờ thì khối người muốn giới thiệu nào dì, chị, cô... cho tôi kết bạn, nếu hạp sẽ tiến tới hôn nhân. Tất nhiên tôi từ chối.

Còn chuyện thời sự nóng hổi, ngày nào cũng đầy nhóc: Vợ thằng Thành (thằng Thành là bạn thân của tôi) đã bỏ chồng, bỏ 2 đứa con, đứa lên 10, đứa lên 6. Vợ Thành nhờ có chút nhan sắc nên được làm “phòng nhì” cho tay chủ vựa trái cây, giàu có.

Chuyện thằng Mon chạy xe ôm kiêm dắt mối khách cho mấy em “rượu đế ôm” vừa bỏ vợ. Ở thị xã nhỏ này rượu đế ôm đứng hàng thứ 4. Mấy tay chơi tỉnh lẻ phân loại: số 1 là mấy em hạng sang, trẻ đẹp, không cần làm nghề phụ vẫn đắt khách, giá cao. Hạng 2 là mấy em bia ôm.

Khi bia ôm sa thải thì đứng đường. Loại cuối cùng là “đứng đường”, nếu không có khách thì đầu quân vào mấy quán rượu đế núp lùm.

Mon chê vợ khô khan xấu xí, đi theo một nàng rượu đế ôm (vậy ra rượu đế ôm vẫn còn có giá). Chuyện bà Mề, ông chồng chí thú làm ăn, quần quật tối ngày. Bà ở nhà chơi tứ sắc.

Lắm hôm lo ăn thua, bà không thèm nấu cơm, cho chồng ăn mì gói. Làm việc quá sức, ăn uống thất thường, ông chồng lăn ra đau ốm. Bà Mề liền kêu xe chở ông chồng giao cho cha mẹ chồng.

Bà phải lo tứ sắc. Chuyện cô Mịnh vừa bỏ ông chồng thứ 4 để theo ông bơm cát. Cái nghề hút trộm cát dưới sông 1 vốn 4 lời, phất lên như diều gặp gió.

Vậy là ông “tậu” thêm 2- 3 “bồ nhí”. Cô Mịnh biết ông “chồng” thứ 5 giàu có vẫn vét hết chút tiền còm của ông chồng thứ 4 cho bõ ghét. Vậy mà còn ra vẻ: “của chồng công vợ”...

Những tin nóng hổi đó ngày nào cũng có. Công ty Trường Thủy cả ngàn công nhân, trong tỉnh, ngoài tỉnh đủ cả. Vậy nên tin tức được cập nhật rất kịp thời.

Nếu tập hợp tin lại, phải ra một nhật báo mới đăng tải hết tin trong ngày. Những tin nóng, tin giật gân đó chỉ làm gián đoạn tình cảm giữa tôi và sẻ. Tôi chỉ mong giờ nghỉ giữa ca của họ trôi đi thật nhanh.

Thấm thoát tôi và em gần gũi nhau đã 3 kỳ lãnh lương. Em vẫn cần mẫn, siêng năng, vẫn tha mồi về tổ đều đặn, đúng giờ... Lạ nhỉ?

Chẳng lẽ bầy con của sẻ cứ ở lỳ trong tổ chờ mẹ đem mồi về hay sao? Nuôi hoài vẫn không đủ lông đủ cánh bay lên à? Tôi phải một lần đến “nhà” em tìm nguyên nhân mới được.

Nhiều đêm tôi theo dõi nên đã biết “nhà” em. Với thân mình ốm nhẹ, tôi dễ dàng leo lên chốt bảo vệ. Đó là một căn phòng xây tường, lợp ngói âm dương, vững chắc và đẹp.

Ngay cổng chính công ty, hai cây mai hoàng hậu xum xuê, buông những chùm hoa vàng rực, thướt tha phủ lên mái ngói. Trên cây mai hoàng hậu lúc nào cũng rộn rã tiếng chim.

Ngồi trong chốt, nghe chim trò chuyện vui tai. Đôi khi từ mái ngói rớt xuống vài chiếc lá khô, vài cục phân chim. Ban đầu “thấy ghét”. Riết rồi cũng thương.

Trên cành mai, từng đôi chim sẻ đang líu lo trò chuyện, đang âu yếm bên nhau. Thấy tôi xâm chiếm lãnh địa, chúng đồng loạt bay lên, vang những âm thanh hốt hoảng. Sau khi đảo 2- 3 vòng quanh chốt bảo vệ, chúng cùng đậu xuống cành mai.

Tất cả đều hướng về tôi, theo từng cử chỉ. Tôi tranh thủ hành động. Nhẹ nhàng dỡ từng viên ngói dương. Đến viên thứ 4. Những cọng cỏ, rơm và ít lá khô tạo nên một mái ấm tròn tròn, êm ái.

Nằm trong tổ êm ái đó không phải là những chú chim non mà là một chú chim, có lẽ đã già. Đầu và cổ chú không một cọng lông để lộ lớp da đỏ đỏ, sần sùi.

Trên đôi cánh còn sót lại vài cọng lưa thưa đã ngả màu bàng bạc. Nghe động, chú sẻ ngước cái đầu bạc phếch. Cái mỏ cũng bạc phếch từ từ há chờ mồi. Phút êm ắng trôi qua.

Không được mớm mồi, chú sẻ già khép mỏ, từ từ trở về vị trí cũ. Chắc chắn chú sẻ đã “lớn tuổi”. Nhưng sao chưa mở mắt? Hay sẻ bị mù?

Đúng rồi! Đôi mắt sẻ nhắm híp, hơi sưng. Thì ra bấy lâu em thức khuya dậy sớm, tần tảo nuôi chồng. Chăm sóc chồng tật nguyền, em vẫn vui vẻ, vô tư. Với em, đó là nghĩa vụ, là niềm vui hạnh phúc...

Mấy hôm trời mưa, ông Hai Trồng Cây không phải tưới cây. Cắt tỉa xong mấy cành nguyệt quế, mấy nhánh chuỗi ngọc, rảnh rỗi ông đến “tám” với tôi. Thấy có “khách”, em sẻ mổ nhẹ lên má tôi 2- 3 cái rồi bay vù ra sân, hòa vào đám đông hàng trăm chim sẻ. Ông Hai vô đề ngay:

- Đám chim sẻ này đẻ mau ghê. Chắc là từ nơi khác đến. Chú Thanh biết không? Hổm nay tui mà không đuổi cái đám giăng lưới bắt chim sẻ thì chim sẻ “của mình” đã “tuyệt chủng” rồi.

- “Đám nào bắt chim sẻ hả ông Hai?

- Mấy thanh niên đem sào đem lưới giăng ngoài hàng rào công ty, phía sân banh. Mấy cái lồng của họ đã đầy nhóc chim sẻ rồi. Tui mới nhẹ nhàng khuyên giải. Nói là khuyên giải chớ tui năn nỉ.

Đã đời họ mới chịu dỡ lưới đi nơi khác. Nói thiệt với chú em nghe. Tui mà có quyền, tui ra lệnh phải thả mấy lồng chim sẻ đó ngay. Tống giam mấy tay ngoan cố. Chỉ vài tiếng đồng hồ nữa là hàng trăm chim sẻ đó trở thành mồi nhậu trong quán đặc sản rồi...

- Ăn nhậu chi cái cục thịt chưa bằng ngón chân cái. Nhờ chim sẻ mà đêm khuya hết buồn...

Giọng ông Hai chợt chùng xuống:

- Cách đây mấy tháng, lúc ông Năm còn làm Giám đốc công ty. Lúc đó chim sẻ nhiều gấp 4- 5 lần bây giờ. Một buổi trưa không nghe tiếng chim sẻ đùa giỡn trên cây mai hoàng hậu.

Không thấy chim sẻ vừa nhảy tưng tưng kiếm mồi vừa kêu cà chích, cà chích vui tai. Quanh gốc cây, trên bãi cỏ, bên bờ hồ, dưới sân xi măng... xác chim sẻ nằm la liệt.

Những người vô tư thì phun nước miếng trên xác chim rồi bước đi. Họ chẳng nói năng gì. Còn người như tui, như chú em thì hốt hoảng, ngạc nhiên, thương tiếc rồi tức giận.

Lần đó chim sẻ “của mình” gần như “tuyệt chủng”. Nhiều con thoát chết hôm đó thì hôm sau cũng lăn ra chết. Con nào thoát chết thì sống khắc khoải, chắc đau đớn lắm.

Có con bay về tổ nằm rồi tắt thở. Có con về tổ nằm, rụng lông, mù mắt... Chỉ số ít không uống nước dưới hồ “tử thần” là sống khỏe.

Cũng hôm đó, lát sau chim sẻ ở các nơi kéo đến vây quanh xác đồng loại, kêu rân trời. Hôm đó chú mà ở đây chắc cũng như tui, không cầm được nước mắt.

“Ông Hai nói hồ nước “tử thần” nào vậy?

- Đó. Cái chỗ bây giờ là hồ xử lý nước thải đó.

- Vậy hồi đó...

- Hồi đó cũng có xây một hồ xử lý nước thải phía cổng sau ấy. Nhưng xây hồ là để đối phó với cơ quan chức năng thôi, chớ nước thải chưa xử lý cứ đêm đêm là ào ào chảy xuống hồ.

Mùi hôi thúi bốc lên nồng nặc. Cho đến một hôm, người ta vứt xuống hồ mấy gói hóa chất đã quá đát. Cộng với nước thải lâu ngày tích tụ, hồ nước ngả màu, cỏ cây héo gục.

Ngay hôm đó chim sẻ bị nhiễm độc, đúng là một ngày tang tóc... Vậy là tui với mấy công nhân “tử tế” gọi điện báo cho Cảnh sát Bảo vệ môi trường...

Tôi hồi hộp:

- Rồi sao nữa ông Hai?

- Rồi phạt tiền công ty. Kỷ luật Ban Giám đốc. Ông Năm Giám đốc phải chuyển đi. Công ty phải xây hồ xử lý nước thải đúng thiết kế, đúng kỹ thuật và phải “hoạt động thật”.

- Cũng nhanh quá ông Hai há. Chim sẻ giờ lại đầy nhóc.

- Nơi khác kéo đến đấy. Ở đây mồi nhiều. Quanh đây chẳng có ruộng lúa đồng khoai gì. Vậy nên sẻ tập trung về đây thôi...

Ông Hai ngừng nói, đôi mắt hướng về cây mai hoàng hậu. Nơi đó ríu rít bầy chim sẻ. Tôi định kể về chú chim sẻ tật nguyền vẫn sống.

Sống trong tình yêu, sống rất hạnh phúc. Và tôi cũng đã tìm được hạnh phúc. Tôi đang sống trong hạnh phúc. Tôi hạnh phúc vì tôi có đứa em Hạnh Phúc.

BÙI KIM THÀNH