Giỗ Tổ Hùng Vương- Tín ngưỡng hồn Việt và sức mạnh đại đoàn kết dân tộc

Cập nhật, 05:07, Thứ Hai, 09/04/2018 (GMT+7)

Đền Hùng kinh đô của Nhà nước Văn Lang xưa in đậm những sự tích ngợi ca công cha, nghĩa mẹ. Công đức của các Vua Hùng như non cao, biển rộng.

Tinh thần tự chủ, tự cường của thời đại Hùng Vương là tấm gương sáng chói và bất diệt; thể hiện ý chí tự tôn dân tộc. Đối với kiều bào Việt Nam sinh sống khắp nơi trên thế giới, giỗ Tổ Hùng Vương như một biểu tượng của sự cố kết cộng đồng.

Sau 6 năm tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, tín ngưỡng này càng góp phần củng cố thêm niềm tin, niềm tự hào và đạo lý “uống nước nhớ nguồn”.

Khu di tích lịch sử đền Hùng là nơi người Việt Nam nào cũng mong một lần đến bái vọng.
Khu di tích lịch sử đền Hùng là nơi người Việt Nam nào cũng mong một lần đến bái vọng.

Theo tục truyền, cuối đời Vua Hùng thứ 18, sau khi giành được ngôi báu, Vua Thục An Dương Vương dựng cột đá thề trên núi Hy Cương, nơi tọa lạc kinh đô của các Vua Hùng, nguyện sẽ đời đời cha truyền con nối phụng thờ 18 đời Vua Hùng.

Từ cổng đền Lớn (Đại môn) dưới chân núi, bức đại tự phía trên mang dòng chữ “Cao sơn cảnh hàng” (dịch là: Núi cao đường lớn) vui vẻ chào đón mọi người.

Vượt qua 225 bậc xi măng, khách đến đền Hạ, nơi Âu Cơ sinh bọc trăm trứng nở ra trăm con. Lạc Long quân dẫn 50 người về xuôi, Âu cơ dẫn 49 con lên ngược, để lại con trưởng làm vua, xưng là Vua Hùng, định đô ở Phong Châu.

Tiếp theo là đền Trung, nơi ngày xưa các Vua Hùng thường lui tới bàn việc nước cùng các Lạc tướng.

Cũng tại đây, Lang Liêu- chàng hoàng tử nghèo, hiếu trung- đã dâng lên vua cha nhân ngày tết cả, những tấm bánh chưng, bánh dày, do mình làm ra bằng hạt gạo trồng được.

Đến đền Thượng, nơi Vua Hùng thường cùng các lão làng lập đoàn tế trời đất, cầu thần Lúa.

Từ đền Thượng, phóng mắt nhìn về phía trước, khách chiêm ngưỡng 99 ngọn núi nhỏ, hình bầy voi hướng về núi Mẹ- Nghĩa Lĩnh- uy nghiêm.

Riêng một con quay lại “ăn ở ra lòng riêng tư” đã bị mất đầu, mãi mãi phải lìa bầy đàn, nguồn cội. Bài học bằng đá cho tới nay vẫn còn có giá trị nhắc nhở hậu thế về lòng hiếu nghĩa ở đời.

Trở xuống đền Hạ, chếch về phía Đông Nam là đền Giếng. Trong đền có giếng Ngọc, nước trong như tên gọi, xưa kia 2 công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa, con Vua Hùng thứ 18 hàng ngày soi bóng, chải tóc, vấn khăn.

Ngược theo dòng lịch sử, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương dù được tổ chức dưới hình thức sơ khai nhất cũng đã cách đây mấy ngàn năm.

Để ghi nhớ công ơn các Vua Hùng có công khai thiên, lập địa, năm Hồng Đức thứ nhất (1470), Ngọc Phả của triều đình Lê Thánh Tôn đã ghi chép: “Từ nhà Đinh, nhà Lê, nhà Lý, nhà Trần đến triều đình ta bây giờ là Hồng Đức Hậu Lê vẫn cúng hương khói ở Đền Hùng.

Những ruộng đất từ xưa dùng vào việc cúng tế vẫn không thay đổi. Nhân dân toàn quốc đến lễ bái ở đền Hùng để tưởng nhớ công ơn xây dựng nước nhà của các Thánh tổ ngày xưa”.

Trước kia, các nhà nước phong kiến tiến hành lễ tế ở đền Hùng (Phú Thọ) vào ngày 12/3 âm lịch là ngày giỗ tổ của Vua Hùng thứ nhất (Kinh Dương Vương).

Sau khi triều đình tiến hành Quốc lễ, đến lượt các làng xã chung quanh đền Hùng tế lễ tại những nơi thờ Vua Hùng và vợ con các vua.

Kể từ năm 1922, đền Hùng được xây dựng như quy mô hiện có. Nhà Nguyễn quyết định lấy ngày 10/3 âm lịch hàng năm làm ngày triều đình tế lễ các Vua Hùng. Cũng chính vì thế, dân gian nước ta mới có câu:

Dù ai đi ngược về xuôi

Nhớ ngày giỗ Tổ mồng mười tháng ba.

Sau khi Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, ngày 10/3 âm lịch năm Bính Tuất (1946) là ngày giỗ tổ đầu tiên dưới chính quyền cách mạng.

Trong ngày đó, cụ Huỳnh Thúc Kháng được Chính phủ cử chủ trì lễ dâng hương tại đền Hùng. Cụ mặc áo the, đội khăn xếp, khấn vái theo phong tục lễ cổ truyền.

Cũng vào dịp này, cụ Huỳnh còn dâng lên bàn thờ Tổ tấm bản đồ Việt Nam và thanh kiếm là 2 vật báu, thể hiện ý chí bảo vệ đất nước của Chính phủ và nhân dân ta trước họa xâm lăng đang đe dọa.

Trong những năm kháng chiến chống Pháp, mặc dù có chiến tranh, cứ đến ngày 10/3 âm lịch hàng năm, nhân dân địa phương xung quanh đền Hùng vẫn thắp hương tưởng nhớ công ơn các Vua Hùng.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Genève được ký kết, miền Bắc hoàn toàn được giải phóng, một đơn vị bộ đội thuộc “Đại đoàn quân tiên phong” trên đường về tiếp quản Thủ đô Hà Nội được gặp Bác Hồ chính ngay tại đền Hùng.

Trong câu chuyện thân mật với bộ đội tại đền Hùng, Bác nói: “Ngày xưa các Vua Hùng đã có công dựng nước, bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Lời nói ấy của Bác cất lên từ đền Hùng đã trở thành một lời hịch thiêng liêng của non sông đất nước, âm vang trong tâm hồn mỗi người con đất Việt Nam ở khắp mọi miền, với mọi thế hệ.

Lời căn dặn của Bác không chỉ nói với Đại đoàn 308 mà còn nói với toàn quân, toàn dân, không chỉ nói với thế hệ ngày ấy, thế hệ hôm nay mà còn nói với các thế hệ mai sau. Một lời nói vang vọng thiên thu, trường tồn với đời đời con cháu.

Nhất là từ khi tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, cùng với Hát xoan được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp, càng làm cho mỗi con dân đất Việt Nam thấu hiểu, dẫu thời gian là dòng chảy vô tận, nhưng giá trị trường tồn của ngày Giỗ Tổ Hùng Vương vẫn đang không chỉ tiếp tục bồi đắp nuôi dưỡng cho mỗi tâm hồn con dân đất Việt Nam,

mà còn được cộng đồng dân tộc thế giới tôn vinh, giữ gìn như một biểu tượng thiêng liêng, là nơi hội tụ niềm tin, lòng tự hào về truyền thống và khát vọng vươn lên của một đất nước kinh qua các thăng trầm biến thiên của lịch sử đang vươn lên khẳng định vị thế và tầm cao mới.

Năm nay, Giỗ Tổ Hùng Vương sẽ được tổ chức trong 5 ngày (21- 25/4/2018 (tức từ mùng 6- 10/3 năm Mậu Tuất), do tỉnh Phú Thọ chủ trì, có sự tham gia của 4 tỉnh là Thái Nguyên, Quảng Nam, Bình Dương và Kiên Giang.

Các hoạt động được tổ chức trong phạm vi Khu Di tích lịch sử Đền Hùng (TP Việt Trì) và các xã vùng ven đền Hùng; các di tích thờ Hùng Vương và các danh nhân, danh tướng thời Hùng Vương trên địa bàn toàn tỉnh.

Trong đó, trung tâm của Lễ hội là Khu Di tích lịch sử Đền Hùng và TP Việt Trì. Theo kế hoạch, các tỉnh góp giỗ sẽ tham gia hoạt động phục vụ lễ hội gồm: Tiến dâng lễ vật Giỗ Tổ Hùng Vương; đóng góp kinh phí tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương- Lễ hội Đền Hùng và kinh phí tu bổ, tôn tạo Khu Di tích lịch sử Đền Hùng;

tham gia lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại đền Thượng; tham gia hội thi gói bánh chưng, giã bánh dày; trưng bày, giới thiệu sản vật đặc trưng của địa phương tại Hội chợ Hùng Vương, biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp,…

Được biết, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương không chỉ thể hiện ở khu vực trung tâm là Phú Thọ mà còn có hơn 1.400 di tích thờ Vua Hùng trên khắp cả nước. Ngoài ra còn có mặt trên toàn thế giới, ở những nơi có cộng đồng dân cư người Việt Nam sinh sống và cư ngụ.

Giỗ Tổ Hùng Vương là ngày hội quần tụ, ca ngợi sự thịnh vượng nòi giống, là biểu tượng của tinh thần cộng đồng, nhắc nhớ mỗi một chúng ta hôm nay là phải làm rạng rỡ sự nghiệp ông cha, khẳng định vị trí của Việt Nam trên trường quốc tế, đóng góp thiết thực vào sự phát triển phồn thịnh bền vừng của đất nước.

Còn nhớ, trong các luận giải nghiên cứu của mình, cụ Đào Duy Anh cho rằng: “Việc tế tự tổ tiên không phải chỉ cốt cho linh hồn tổ tiên khỏi khổ mà còn có ý nghĩa sâu xa hơn nữa là nhớ ơn tổ tiên và lưu truyền nòi giống mãi về sau; cho nên ta có thể cho rằng tế tự tổ tiên là lấy duy trì chủng tộc làm mục đích”. (Đào Duy Anh- Văn hóa sử cương- Nhà xuất bản VHTT, H2000- trang 250).

Bài, ảnh: NGUYỄN VĂN THANH

TIN LIÊN QUAN