Nguyễn Chí Thanh

Vị đại tướng được Bác Hồ đặt tên

Cập nhật, 13:13, Thứ Bảy, 08/07/2017 (GMT+7)

Quân đội ta có 2 vị đại tướng đầu tiên thì một người xuất thân từ trí thức, một người xuất thân từ nông dân và cùng quê Bình Trị Thiên. Có điều đặc biệt, người xuất thân từ trí thức thì trở thành quan võ- Bộ trưởng Quốc phòng, Tổng Tư lệnh.

Người xuất thân từ nông dân thì trở thành quan văn- Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam...

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tại Đại hội Đảng bộ Quân đội năm 1960. Ảnh: ANTG
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tại Đại hội Đảng bộ Quân đội năm 1960. Ảnh: ANTG

Nói thế thôi, chứ thật ra cả 2 vị đại tướng này đều là văn võ kiêm toàn, đều có nhãn quan chiến lược vào loại tầm cỡ, xứng đáng được ghi vào sử sách.

Cả hai đã từ giã chúng ta, để lại một chỗ trống không gì có thể bù đắp được và cho đến nay nhiều người vẫn nuối tiếc...

Tên khai sinh của ông là Nguyễn Vịnh. Tại Hội nghị Đảng toàn quốc ở Tân Trào tháng 8/1945, khi nghe có tên Nguyễn Chí Thanh trong danh sách BCH Trung ương Đảng, Nguyễn Vịnh quay sang hỏi đồng chí Võ Nguyên Giáp ngồi bên cạnh: “Nguyễn Chí Thanh là ai mà nghe lạ thế!” Đồng chí Võ Nguyên Giáp mỉm cười trả lời: “Là anh chứ ai nữa, chính Bác đặt tên cho anh đấy”.

Nguyễn Vịnh vừa ngỡ ngàng, vừa sung sướng! Từ đây cái tên Nguyễn Chí Thanh trở thành một phần lịch sử của quân đội ta, của Cách mạng Việt Nam.

Nguyễn Vịnh sinh ngày 1/1/1914 tại làng Niệm Phò, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên.

Cuối năm 1936, đầu năm 1937, ông may mắn được gặp các ông Phan Đăng Lưu, Nguyễn Chí Diểu trong phong trào Mặt trận Bình dân và bắt đầu được giác ngộ về lý tưởng Cộng sản. Tháng 7/1937, Nguyễn Vịnh được kết nạp vào Đảng.

Trong 8 năm, từ khi là một đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương, rồi Bí thư Chi bộ và sau đó là Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên, Nguyễn Vịnh đã bị giặc bắt giam 3 lần ở các nhà lao Huế, Lao Bảo, Buôn Ma Thuột và đã từng vượt ngục để tiếp tục hoạt động.

Giữa năm 1950, cuộc kháng chiến chống Pháp bước sang một giai đoạn mới, quân đội ta phát triển nhanh chóng và ngày càng lớn mạnh.

Trong bối cảnh đó, Nguyễn Chí Thanh được Đảng giao cho một trọng trách mới. Ông được điều động vào quân đội và được bổ nhiệm giữ chức Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. Về Đảng, ông được cử giữ chức Phó Bí thư Quân ủy Trung ương.

Năm 1951, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II, Nguyễn Chí Thanh được bầu lại vào BCH Trung ương và được bầu vào Bộ Chính trị.

Với trọng trách đảm nhận công tác Đảng, công tác chính trị trong quân đội, Nguyễn Chí Thanh đã có đóng góp to lớn tạo nên sức mạnh của quân đội ta, liên tiếp đánh thắng địch trong nhiều chiến dịch lớn, kết thúc bằng Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử (5/1954). Năm 1959, ông được phong hàm Đại tướng và đây là vị Đại tướng thứ 2 của quân đội ta.

Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III (9/1960), Nguyễn Chí Thanh lại được bầu vào BCH Trung ương và được BCH Trung ương bầu vào Bộ Chính trị.

Năm 1961, do yêu cầu của công cuộc hợp tác hóa nông nghiệp và đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, Nguyễn Chí Thanh được Trung ương Đảng giao cho phụ trách Ban Nông nghiệp Trung ương.

Chỉ ít lâu sau, một phong trào thi đua mới trên mặt trận nông nghiệp nổi lên như sóng cồn. Đó là kết quả của mấy tháng liền Nguyễn Chí Thanh xuống xâm nhập cơ sở ở Hợp tác xã Đại Phong (xã Phong Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình).

Bài báo “Hoan nghênh Hợp tác xã Đại Phong” do ông viết đăng trên báo Đảng, trở thành một sự kiện trong đời sống chính trị của nhân dân miền Bắc lúc bấy giờ.

Có một lần ông xuống dự đại hội đại biểu một tỉnh có nhiều hiện tượng cán bộ đảng viên tham ô, xâm phạm đến lợi ích của quần chúng. Kỳ giáp hạt năm ấy, địa phương bị mất mùa, nhân dân thiếu ăn.

Nhà nước đưa gạo về giúp, nhưng một số nơi cán bộ thiếu trách nhiệm, quản lý không chặt chẽ, để xảy ra nhiều hiện tượng tiêu cực rất đáng xấu hổ.

Đối với những trường hợp như thế, ông thường không giữ được bình tĩnh. Trên bục phát biểu khi nhắc đến hiện tượng này, giọng ông như lạc hẳn đi: “Đảng viên gì? Cán bộ gì? Dân đói, Nhà nước gửi về mấy tạ gạo, ba ông chi ủy dấm dúi chia nhau mỗi người mấy chục cân, thì không bằng... con chó! Không thể nào để lại trong Đảng ta những con người thoái hóa đến mức ấy”.

Đang say sưa trên mặt trận nông nghiệp thì Mỹ đưa quân vào miền Nam tiến hành cuộc Chiến tranh cục bộ đối với nước ta. Một lần nữa, Nguyễn Chí Thanh được gọi trở lại quân đội và lên đường vào chiến trường đánh Mỹ.

Thế là con chim đại bàng lại vỗ cánh bay về phương Nam. Ông đi chưa được bao lâu, tin chiến thắng từ chiến trường đã dồn dập bay về. Trận Bình Giã, trận Ba Gia, quân ta tiêu diệt hàng tiểu đoàn, hàng trung đoàn địch.

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh làm việc tại chỉ huy sở Miền (B2) năm 1964. Ảnh: ANTG
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh làm việc tại chỉ huy sở Miền (B2) năm 1964. Ảnh: ANTG

Tiếp theo là những trận đọ sức đầu tiên với quân viễn chinh Mỹ. Chiến thắng Núi Thành và nhất là chiến thắng Vạn Tường khẳng định quân và dân ta hoàn toàn có khả năng thắng Mỹ về quân sự trong Chiến tranh cục bộ.

Nhớ lời Bác dặn lúc ra đi, Nguyễn Chí Thanh nhanh chóng đúc rút những bài học kinh nghiệm của những trận đầu thắng Mỹ điện gấp ra miền Bắc.

Cuối năm 1965, Nghị quyết lần thứ 11, khóa III của BCH Trung ương Đảng về quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược được nhất trí thông qua có sự đóng góp xứng đáng của Nguyễn Chí Thanh.

Sau mấy năm lăn lộn ở chiến trường và đã tìm ra chiếc chìa khóa để thắng Mỹ, đầu năm 1967, Nguyễn Chí Thanh được triệu tập ra Hà Nội để chuẩn bị cho bước phát triển mới của chiến tranh.

Tại Hội nghị Trung ương lần thứ 14 (6/1967), Nguyễn Chí Thanh đã báo cáo một cách toàn diện tình hình cuộc kháng chiến chống Mỹ ở miền Nam.

Nội dung của bản báo cáo toát lên một nội dung chủ yếu và đặc biệt quan trọng là: “Ta nhất định thắng Mỹ. Mỹ thua đã rõ ràng. Cần phải tiếp tục thế tiến công địch để tiến lên giành thắng lợi quyết định”.

Những ngày đầu tháng 7/1967, Nguyễn Chí Thanh chuẩn bị trở lại chiến trường. Ngày 5/7, Bác Hồ nói với đồng chí Vũ Kỳ mời Nguyễn Chí Thanh đến ăn cơm chiều với Bác cũng là để tiễn Nguyễn Chí Thanh ngày mai lên đường.

Qua một số đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, ông biết Bác sắp phải đi Trung Quốc chữa bệnh. Vì thế, bữa cơm Bác tiễn ông vào chiến trường phương Nam cũng là bữa cơm ông tiễn Bác lên phương Bắc.

Thật bất ngờ tối đó, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh bị đột quỵ và qua đời vào sáng 6/7/1967.

Trong tham luận đọc tại hội thảo nhân 30 năm ngày mất của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, ngày 5/7/1997, Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: “Nhớ tới anh Thanh, tôi tưởng nhớ và vô cùng thương tiếc một người bạn chiến đấu thân thiết, một chiến sĩ cộng sản kiên cường, một cán bộ lãnh đạo xuất sắc của Đảng, một tướng lĩnh tài ba của quân đội ta, người đã có những cống hiến quan trọng vào sự nghiệp vẻ vang của Đảng, của dân tộc Việt Nam ta”.

PV

(Tổng hợp từ các nguồn: “Vị Đại tướng được Bác Hồ đặt tên” (ANTG, 9/2/2009); “Kỷ niệm về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh” (ANTG, 11/2/2009)).