Nhớ tết ở căn cứ rừng Tây Ninh

Cập nhật, 18:32, Thứ Bảy, 13/02/2016 (GMT+7)

 

Học viên Tổ 8, Trường Báo chí miền Nam chụp ảnh lưu niệm với thầy Phó Hiệu trưởng Thường trực Trần Tâm Trí (người đứng bìa trái)
Học viên Tổ 8, Trường Báo chí miền Nam chụp ảnh lưu niệm với thầy Phó Hiệu trưởng Thường trực Trần Tâm Trí (người đứng bìa trái)

Đã hơn 40 mùa xuân rồi mà tôi không sao quên được cái tết ở căn cứ rừng Tây Ninh- Căn cứ Trung ương Cục.

Hồi ấy, Trường Báo chí miền Nam (B21), trực thuộc Ban Tuyên huấn Trung ương Cục, nằm cặp suối Sa Mát, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh, cách biên giới Campuchia khoảng dưới 10km. Những ngày thường, trong cái rậm rạp của rừng nhiệt đới, dường như không thấy bóng cây mai vàng.

Vậy mà khi năm hết tết đến, trong cái se se lạnh của mùa đông gần như nhìn nơi đâu ta cũng thấy được vàng rực những cánh mai rừng. Màu vàng của mai như tô thêm vẻ đẹp và ấm áp thêm cho ngày tết ở rừng.

Năm 1974, khi đó tôi đang là học viên Khóa 8 trường báo chí này. Thật lòng mà nói, trong kháng chiến việc no, đói và thiếu thốn về nhiều mặt là chuyện bình thường nên dù ở căn cứ như Trường Báo chí miền Nam này khi đó cũng không vượt qua được hoàn cảnh khó khăn chung ấy.

Những ngày tháng ở trường, nếu anh chị em học viên không biết lao động để cải thiện bữa ăn (đi săn thú, đặt lọp trên suối) mà phải nhận thức ăn ở nhà bếp thì có thể gọi “đậu phộng (lạc), đậu xanh, bắp, bí đỏ muôn năm”.

Vì hàng ngày bữa ăn của nhà bếp không thể nào thiếu 1 trong những món “cao lương mỹ vị” này. Cuộc sống hàng ngày thì khó khăn vậy đó, nhưng tết về lãnh đạo nhà trường cố gắng chạy lo cho anh em học viên mỗi người 2kg thịt heo, rồi nếp, đậu để làm bánh; thêm vào đó còn có thuốc lá, trà và bánh kẹo từ miền Bắc gửi vào để vui xuân đón tết.

Để tạo thuận lợi cho sinh hoạt của học viên, từ khi nhập học, nhà trường đã sắp xếp chia ra thành nhiều tổ nên sau khi nhận quà tết, tổ nào tổ ấy tự chế biến lấy rồi sau đó tổ chức cùng liên hoan mừng tết, đón giao thừa nghe thư chúc tết của Chủ tịch nước.

Thêm một điều đáng nhớ nhất của tôi trong lần đón xuân năm ấy đó là theo kế hoạch của nhà trường thì mỗi học viên dù nam hay nữ, trẻ hay già đều phải tham gia một hoạt động vui chơi, giải trí mà nhà trường đưa ra như ca hát, kể chuyện vui kháng chiến và múa lân để tạo thêm sinh khí vui tết của trường.

Được thông tin này tôi rất lo; bởi kể chuyện vui thì mình không có năng khiếu còn ca hát thì thật tình mình thuộc nhiều bài lắm, cả tân lẫn cổ, nhưng kiểm lại không bài nào mình thuộc hết.

Có bài hát được đoạn đầu, có bài nhớ được đoạn giữa, có bài nhớ đầu nhớ đuôi mà không nhớ giữa. Nói tóm lại mình thích đoạn nào thì chỉ nhớ đoạn ấy mà thôi- đó là chưa nói đến cái giọng hay đâm ban của mình nữa. Vì thế sau khi tính đi tính lại, tôi quyết định đăng ký vào tổ múa lân- với nhiệm vụ đánh trống; mặc dù việc này từ nhỏ đến giờ tôi chưa một lần làm.

Sáng ngày cuối năm âm lịch, tổ múa lân của chúng tôi nhận được từ nhà trường 1 bộ lân gồm: 1 cái giỏ cần xé, mấy nắp xoang cũ và mấy tờ báo Giải phóng cũ. Riêng tôi thì chỉ chú ý tìm cái trống coi nó lớn nhỏ thế nào để đánh thử nhưng không thấy nó đâu cả. Dù vậy, tôi tự nghĩ chắc trống sẽ được nhà trường giao sau.

Nhưng sau khi anh em trong tổ làm xong cái “đầu lân” rồi mà tôi vẫn chưa thấy trống. Lúc này tôi nghĩ có lẽ nhà trường đã quên nên tôi quyết định lên ban giám hiệu đề nghị cho lấy cái trống. Khi nghe tôi đặt vấn đề này thầy Phó Hiệu trưởng nhìn tôi vừa cười vừa chỉ tay vào cái miệng của tôi rồi nói: “Này, cái trống đã giao cho cậu mấy chục năm rồi đó”.

Đội lân của chúng tôi phục vụ ngày tết ở Chiến khu Tây Ninh “hoành tráng” đến như thế đó. Vậy mà với tiếng trống miệng, mấy nắp xoang cũ và cái giỏ cần xé ấy đã làm cả trăm con người ở mọi miền Tổ quốc, xa quê hương tươi vui, phấn chấn vô cùng và với lòng vững tin vào thắng lợi cuối cùng- giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước.

Giờ đây, đón Xuân Bính Thân nhớ lại đội lân ấy, tôi càng nhớ về chiến khu, nhớ về bè bạn mà trong số ấy nay có người đã về cõi vĩnh hằng và cũng qua đó tôi thấy lòng rất vui và có cảm giác như mình trẻ lại.

TRỌNG DÂN.