"Tam đại ngu" thiên hạ

Cập nhật, 10:53, Thứ Hai, 08/02/2016 (GMT+7)

Thú chơi nào cũng có nhiều dạng, nhiều đẳng, như: bỏ tiền ra sở hữu, bỏ công ra tìm tòi, bỏ thời gian học hỏi,... Riêng về thú chơi chim cu, nếu bỏ cả một đời mê đắm đến nỗi “hiểu” được giọng điệu hỉ, nộ của chim thì có lẽ không nhiều.

Còn nâng một thú chơi mà thiên hạ cho là “tam đại ngu” lên thành một quan điểm sống, có lẽ thật hiếm hoi. Đó là cụ Lê Văn Dư (89 tuổi)- nghệ nhân chơi chim cu ở cù lao An Bình (Long Hồ). 

Anh Hiệp chuẩn bị chim mồi.
Anh Hiệp chuẩn bị chim mồi.

Vui thú tiêu dao

Những tay chơi cu nổi tiếng có thu nhập, mua sắm xe cộ, đồ đạc trong nhà cũng từ tiền... cu, ấy vậy mà thỉnh thoảng cũng phải trà nước đến thăm dượng Ba (cụ Lê Văn Dư) để được trò chuyện, cũng là để tỏ lòng ngưỡng mộ một bậc thầy trong thú chơi này.

Cái thú chơi thành nỗi đam mê theo cái triết lý “Trọng nghĩa khinh tài”, hỏi thế gian này còn được mấy ai? Có được một con cu ưng bụng rồi thì được coi như “bạn tri âm”, có đem tiền cọc, vàng khoen để trước mặt cũng chẳng màng. Nếu xem cái thú vui đó là “tam đại ngu” trong thiên hạ như bao đời nay thì quả là “tội nghiệp” cho những người... chưa hiểu. Nhấp ngụm trà quạu, vuốt chòm râu bạc cước, dượng Ba thong thả ngâm ngợi bài thơ do mình sáng tác thời trai trẻ:

“Thế sự ai mà chẳng bị ngu.

Thú vui nhàn nhã cuộc ngao du.

Đam mê tửu sắc gia cang lục.

Đổ bát, điều manh bị ở tù.

Ẩn dật viên điền xem cảnh trí.

Tiêu dao sóng nước ngắm trời thu.

Tạo mồi bắt bổi nào ai dễ.

Được thịt xào chiên khỏi tốn xu”.

Không nói đến công lực thâm hậu để Việt hóa một cách “thần sầu” bài thơ thất ngôn bát cú, mà chỉ nói sơ về ý nghĩa cũng đủ cảm nhận một lối sống tao nhã mà phóng khoáng biết bao. Đây cũng là một trong những phong thái của một lớp người Nam Bộ xưa.

Xa lánh những thói hư tật xấu, những kẻ chơi cu lặng lẽ hòa cùng thiên nhiên hưởng thụ thú vui, cũng là cái đạo giữ mình giữa những bon chen, hãnh tiến, thị phi ngoài xã hội. “Thế gian này hỏi ai chẳng ngu ít nhiều hả cháu? Nên nếu giữa những cuộc chơi đam mê tửu sắc, gia đình lục đục; hay sa vào cờ bạc, bon chen thị phi nói điều sai trái rồi vướng vòng lao lý... vậy thì mình chọn cái “ngu” nhàn nhã ngao du nó nhẹ nhõm làm sao”- dượng Ba từ tốn giải thích.

Một con cu bổi sắp sửa dính bẫy.
Một con cu bổi sắp sửa dính bẫy.

“Còn sao lại có cái câu: Cu kêu ba tiếng, cu kêu. Mau mau tới tết dựng nêu ăn chè vậy dượng Ba?” Cái chuyện bẫy cu bất kể ngày tháng là dân gác cu chợ, cu thịt, kiếm cơm. Đối với dân chơi cu thứ thiệt chỉ bẫy theo mùa, mà phải là những con chim có giọng hay, lạ.

Cho nên khi gió chướng ngoài sông thổi lao rao, là dân chơi cu lại rộn ràng, ngứa ngáy, rồi lục đục chuẩn bị đồ nghề. Những con cu mồi trong lồng hiểu ý chủ cũng phùng xòe gáy vang sung mãn. Lúc này cũng là sắp chuyển sang đông, là thấy tết tới nơi rồi. Những tiếng cu gọi bạn tình, xác định lãnh địa, tạo nên bản hòa âm của cánh đồng râm ran, vừa rộn ràng vừa nghe xa vắng.

“Tri âm” tiếng cu

“Chim cu thường có nết hao hao giống nhau, thậm chí cu trống và cu mái đối với dân trong nghề còn không phân biệt được, vậy làm sao chọn được con cu chiến, dượng Ba?” Theo dượng Ba: “Con trống thì cặp giò to, mặt dày hơn con mái, và khi gác lồng lại gần thì chỉ có con trống nó mới gù, mới bo. Tuy nhiên, thỉnh thoảng những con mái giá nó cũng bo. Do đó, để chắc chắn, phải nhổ một cọng lông đuôi. Con nào cốt đen là trống, còn cốt trắng là con mái. Để dượng đọc cho cháu nghe bài thơ này để nhập môn coi tướng cu nghe”. Rồi dượng lại vuốt râu, từ tốn đọc tiếp một bài thất ngôn bát cú, cũng rất hay:

“Thánh thót âm vang mới dụng mi.

Giọng đồng trong trẻo ít ai bì.

Phi cầm cũng có loài cao thấp.

Tẩu thú vậy mà được thích nghi.

Vượn hú êm tai người tao nhã.

Cu kêu hứng chí khách nhàn thi.

Hồng sa, ngực chảy, đuôi dài mượt.

Cẳng đỏ, mình thon tốt lạ kỳ”.

Con cu gáy tiếng trong vắt là giọng chuông, giọng đồng; còn nghe đặc sệt là giọng thổ; giọng xăm thì nghe rất vang. Và trong mỗi cái nết gáy, điệu gáy làm nên nét riêng độc đáo, nổi bật cá tính của từng con. Có con vừa bay, vừa bo; lại có con làm chủ cả một cánh đồng và lãnh địa từng con được xác định rất rõ ràng. Cho nên, nhiều khi gác cách con mương mà không bao giờ bẫy được.

Trong đời gác cu, dượng Ba không quên ông bạn trên Tây Ninh, hồi trước năm 1975, đã gác được một con cu mà chủ tiệm may lớn trên Sài Gòn đổ đường lên nài nỉ mua bằng được. Ông bảo: “Bẫy được con này, tui đã tặng 4 con cu mồi thuần thục nhiều năm cho người điềm chỉ, giờ có nhiêu cũng không bán”.

Chủ tiệm may lột chiếc khoen vàng 5 chỉ, rút thước dây ra xin đo tặng 2 bộ đồ “vía”. Vậy là “con chim quý phải ở lồng son”, nên con cu nổi tiếng cánh đồng lớn Tây Ninh... lên xe huê kỳ về Sài Gòn theo chủ mới.

Tôi có biết anh Hiệp ở Mang Thít, treo 13 con cu trong nhà, mà bất kỳ ai năn nỉ mua giá nào cũng không bán. Cứ mỗi cuối tuần là quảy cu mồi lang thang khắp nơi, vì cái thú chơi cu đã lậm ghiền rồi, cứ nghe tiếng gáy xa xa là... ngứa ngáy không chịu nổi. Bao nhiêu cu bổi thì bán hết, lâu lâu chọn được con hay là để nuôi chơi, ai trả 3- 4 triệu đồng một con cũng chỉ cười cười. Anh Hiệp có ông bạn ở Tam Bình, “đánh” được con cu cưng đến nỗi có người nài nỉ đổi chiếc xe gắn máy cũng lắc đầu quầy quậy.

Đối với dượng Ba, vì mấy năm gần đây mắt mờ dần rồi không thấy đường, nên chỉ quanh quẩn trong nhà. Thỉnh thoảng ai đá động đến chuyện cu là dượng Ba có thể ngồi nói cả ngày không thấy mệt. Tôi thấy, cái thú chơi của dượng Ba nó cao hơn chuyện “sở hữu” những con chim quý để khoe mẽ, mà chính là người đi tìm tiếng gáy để thưởng thức và “tri âm”.

Cái thú chơi của dượng Ba làm tôi liên tưởng đến cái “đạo” chơi cổ ngoạn của cụ Vương Hồng Sểnh- người đã bỏ ra cả đời vì niềm đam mê cổ vật. Thế nhưng nghe hỏi món đồ giá bao nhiêu, cụ bảo “nên hỏi mấy tay buôn đồ cổ”. Khi thú chơi đã đạt thành cái đạo thì đâu màng đến chuyện bán buôn.

 

“Để bẫy được nhanh và được cu dữ, cần 2 chim mồi, một con bẹo trên cây gáy dụ, một con để dưới đất trống để bo cho con chim bổi dính bẫy”- dượng Ba cho biết.

 Khi có một con cu ưng bụng rồi thì được coi như “bạn tri âm”, có đem tiền cọc, vàng khoen để trước mặt cũng chẳng màng. Bao đời nay, cái thú vui đó mà vẫn bị xem là “tam đại ngu” trong thiên hạ...

 

BÀI, ẢNH: NGỌC TRẢNG