Ăn Tết với người Hoa ĐBSCL

Cập nhật, 10:02, Thứ Hai, 08/02/2016 (GMT+7)

Theo Chân Lạp phong thổ ký của Châu Đạt Quan, vùng đất ĐBSCL cách đây hơn ba thế kỷ chỉ là một vùng đầm lầy, rừng rậm hoang vu, thú dữ tràn đầy, rất ít người sinh sống. Từ thế kỷ thứ 16- 17, Tây Nam Bộ bắt đầu đón nhận lớp cư dân người Việt từ vùng Thuận- Quảng đến khai khẩn đất hoang, lập ra làng xã.

Sau đó là người Hoa từ Trung Quốc chạy loạn cũng bắt đầu đến định cư, giao thương, buôn bán. Những người Chăm, người Khmer ngụ cư cũ sống lẫn với lớp cư dân mới. Vùng đất này hội tụ nhiều cộng đồng dân tộc nên trong quá trình chung sống, phong tục tập quán của dân tộc này cũng sẽ ảnh hưởng đến dân tộc kia. Chính điều này đã làm cho đặc trưng văn hóa vùng ĐBSCL phong phú, đa dạng.

Lớp cư dân người Hoa đa phần đến từ các tỉnh Phúc Kiến, Quảng Đông, Quảng Tây (Trung Quốc). Lớp người này chủ yếu là không khuất phục triều đình Mãn Thanh mà vượt biển sang đây. Họ chung tay góp sức cùng cư dân địa phương khẩn hoang, lập ấp vùng đất ĐBSCL, khiến vùng đất ngày thêm trù phú.

Quá trình giao lưu văn hóa diễn ra trong cộng đồng người sinh sống cùng một vùng đất là một lẽ tất nhiên. Văn hóa ẩm thực, thờ cúng, tín ngưỡng của người Hoa bắt đầu du nhập vào văn hóa Việt, có sự cải biên đôi chút cho thích hợp với tập quán địa phương.

Múa rồng, lân, sư - là hoạt động không thể thiếu của bà con người Hoa dịp Tết Nguyên đán. Ảnh: Nguyễn Duy Minh
Múa rồng, lân, sư - là hoạt động không thể thiếu của bà con người Hoa dịp Tết Nguyên đán. Ảnh: Nguyễn Duy Minh

Người Hoa có một số lễ, tết chủ yếu trong năm: Tết Nguyên đán, Tết Nguyên tiêu, Thanh minh, Tết Đoan ngọ, Tết Trung nguyên, Tết Trung thu, Tết Trùng cửu, Tết Đông chí. Trong đó, cũng như người Việt, Tết Nguyên đán là khoảng thời gian được người Hoa chú trọng nhiều nhất.

“Nguyên” là đầu tiên, “Đán” là buổi sáng, “Nguyên Đán” có nghĩa là buổi sáng đầu tiên. Người Hoa coi Tết Nguyên đán là dịp trọng đại để nói lên ước muốn cho một năm mới hạnh phúc, khỏe mạnh, làm ăn suôn sẻ,… Vì thế họ rất chú trọng trong việc trang trí, lễ tiết và ăn uống.

Về trang trí

Người Hoa coi màu đỏ tượng trưng cho sự tốt lành, may mắn. Vào ngày tết, nhà của người Hoa thường rực lên màu giấy kim hoa, hồng điều từ trong bếp ra đến cửa. Ở cửa bao giờ cũng có câu đối đỏ, trên đó thường là câu: “Ngũ phúc lâm môn” hay “Xuất nhập bình an”.

Trên bàn thờ Thần Tài, Thổ Địa thì dán chữ “Kim ngọc mãn đường”. Trên bàn thờ ông Táo thì dán: “Định phước Táo quân”. Tất cả phải viết bằng mực Tàu, chữ Hán, trên nền giấy đỏ. Trên hũ gạo thì dán chữ Mãn. Trên mâm ngũ quả, đa phần đều có dán chữ “Đại kiết” lên mỗi trái.

Ngoài ra, họ còn treo ở bàn thờ ông Thiên và ông Địa một nhúm rau cần và hành. Rau cần đọc theo âm Hán là khành xôi, đồng âm với khành là khành lực (siêng năng). Hành đọc theo âm Hán là súng- tức là súng mừng (thông minh).

Người Hoa không chưng hoa mai và bày mâm ngũ quả “cầu- sung- dừa- đủ- xoài” như người Việt mà chưng hoa huệ, hoa cúc và mâm trái cây bày biện theo ý thích. Tuy nhiên vẫn tuân theo quy tắc ngũ hành. Đặc biệt họ rất thích quýt, vì theo chữ Hán, quýt gồm bộ mộc kết hợp với bộ kiết (may mắn).

Căn nhà của người Hoa vào ngày tết tràng ngập màu sắc vui mắt, thoạt nhìn sẽ thấy ngay “sắc xuân”.

Về lễ tiết

Người Hoa Quảng Đông cúng ông Táo thèo lèo "cứt chuột”, kẹo dẻo, bánh dẻo. Họ cho rằng những món ăn này làm cho ông Táo bị dính miệng, khi Ngọc Hoàng hỏi chuyện gia đình thì Táo Quân chỉ nói được hảo hảo (tốt tốt). Ngoài ra còn “lo lót” cho Ông Táo bằng những món ông thích như: chè trôi nước, đường thẻ, gà và cả 2 cây mía để ông làm thang để lên trời. Có như vậy thì ông mới tâu những điều tốt đẹp nhất với Ngọc Hoàng.

Lễ cúng giao thừa được người Hoa ĐBSCL rất coi trọng. Tại thời khắc giao nhau giữa năm cũ và năm mới (tức là 00 giờ đêm cuối năm), nhà nào cũng bày hương đèn, trà bánh, mức và hoa quả ra phía trước nhà để cúng, họ gọi là cũng ông Trời.

Lân bay... trên Mai hoa thung tại Quảng trường TP Vĩnh Long dịp thi múa lân tết 2015.
Lân bay... trên Mai hoa thung tại Quảng trường TP Vĩnh Long dịp thi múa lân tết 2015.

Theo truyền thống là cúng 12 dĩa bánh mứt tượng trưng cho 12 tháng, năm nào nhuần là 13 dĩa. Hiện nay, tục cúng giao thừa cũng đơn giản nhiều. Sau khi cúng giao thừa họ thường rủ nhau đi đến các chùa, miếu, các cơ sở tín ngưỡng cộng đồng để xin lộc đầu năm (phổ biến nhất là chùa Bà Thiên Hậu).

Ngày mùng 7 hạ nêu người Hoa thường nấu món sách dờn sôi - thất bảo canh. Món này gồm 7 loại thực phẩm nấu với nhau: thịt – biểu hiện cho sự phong phú, thịnh vượng; hành đọc là súng, nghĩa là súng mừng – thông minh; hẹ là cẩu tức là sườn sườn cẩu cẩu – trường trường cửu cửu, thể hiện sự trường tồn; cải xà-lách nghĩa là sán xồi – sinh tài; cá đọc là dùy, trong chữ nìn nìn dậu dùy – niên niên hữu dư”, tức là năm nào cũng có dư; tóc tiên đọc là phat xôi - phat xồi, nghĩa là phát tài; Tỏi tức là xuyên đầu – sức cây xuyên – biết tính toán.

Người Hoa thường dùng quýt để cúng ông bà, không bao giờ dùng bưởi vì họ cho rằng bưởi tượng trưng cho sự bơ vơ, lăn lóc, nghèo khó. Ngày mùng một tết, người Hoa phải mua một cặp giò heo trước về cúng để cầu thịnh vượng, phát tài.

Người Hoa quan niệm ngày tết phải mặc đẹp. Bà con, bạn bè tới nhà chúc tết cho nhau, trẻ em được lì xì mừng tuổi. Họ coi trọng việc xông nhà vào ngày tết nên rất kén chọn người đến nhà đầu năm. Theo họ: người đến nhà đầu tiên vào năm mới nếu hợp tuổi với gia đình thì sẽ có nhiều may mắn trong năm mới.

Một đặc trưng văn hóa khác là họ chuộng không khí náo nhiệt, sôi động của múa Lân Sư Rồng. Họ thường mời các đoàn Lân Sư Rồng đến biểu diễn khi khai trương, mừng thọ, các ngày lễ trọng đại và đặc biệt là ngày tết. Ngày nay, những đoàn múa Lân Sư Rồng đi dọc trên các đường phố, nếu được gia đình nào mời vào sẽ múa chúc tết gia chủ để được nhận lì xì. Không khí nhộn nhịp ngày tết ở những khu vực người Hoa sinh sống nhiều có khi kéo dài đến Rằm tháng Giêng.

Về ẩm thực ngày tết:

Vào dịp Tết, gia đình đoàn tụ, người Hoa rất hay nấu chè ỉ. Món chè này được nấu bằng bột nếp, vò viên, chỉ cỡ đầu ngón tay, giữa là một hạt sen. Chè ỉ đọc theo tiếng Hoa là thón duyển, đồng âm với duyền muộn, từ này biểu thị cho sự đoàn tụ, viên mãn, tốt lành.

Ngoài ra họ còn làm bánh bò hấp màu trắng hoặc vàng, trên có in chữ phúc màu đỏ, nhiều kích cỡ để cầu chúc cho việc làm ăn phát tài, no đủ, phúc đức, tiền của dồi dào. Làm thêm các món bánh mứt khác như thèo lèo, "cứt chuột", bánh in,… để ăn trong ngày tết.

Họ cũng thích ăn món gà tiềm với chanh muối. Món này có cả cải bẹ trắng, táo tàu, củ cải trắng. Con gà phải to, trong được nhồi thịt heo, đặt trong tô tượng. Khi ăn họ dùng tay để xé chứ không chặt ra từng miếng. Gà hầm lâu không còn dai, chấm với nước tương có một ít ớt rất ngon.

Họ không bao giờ ăn khổ qua hay bí đao vì sợ năm mới sẽ lận đận, bệnh tật, khổ sở. Khổ qua đọc theo tiếng Quảng là phủ kúa (phủ là đắng, kúa là chết). Vì vậy họ kiêng những từ không may mắn vào dịp tết.

Người Hoa đặc biệt thích lạp xưởng, lạp ap và lạp dục. Đây là loại thịt khô trữ trong các ngày tết như khô của người Việt. Ngày tết gia đình nào cũng có thứ này. Lạp xưởng có nhiều loại, tuy nhiên loại phổ biến nhất thường làm bằng thịt heo ướp ngũ vị, ngoài ra còn có lạp xưởng gan heo màu đen ướp với nhiều loại gia vị.

Lạp ap được làm bằng thịt vịt, loại để nguyên con, ướp gia vị có màu nâu sậm gọi là vịt bắc thảo; loại chặt miếng ướp gia vịt sấy khô gọi là lạp bẻn. Lạp dục được làm bằng thịt ba rọi (heo), cắt miếng nhỏ và dài, ướp nước tương và gia vị, sấy khô. Ngoài ra họ còn làm củ cải bắc thảo, trứng vịt bắc thảo, giò heo hun khói bắc thảo.

Người Hoa Quảng Đông thích ăn rong biển ngày tết, vì theo âm Quảng Đông món này tượng trưng cho sự may mắn, tốt lành.

Ngoài các món ăn, thức uống truyền thống như bánh tổ của người Hoa Phước Kiến, trà mè của người Sùng Chính, bánh hồng đào của người Tiều, người Hoa ĐBSCL cũng kho thịt heo, ăn bánh tráng, củ kiệu, dưa cải, dưa hành, củ cải muối. Khi khách tới nhà cũng đãi các món bánh mứt như người Việt và uống trà.

Tóm lại, người Hoa dù định cư ở ĐBSCL đã lâu nhưng vẫn giữ được truyền thống và đặc trưng riêng. Những phong tục tập quán của người Hoa đã du nhập vào văn hóa Việt và trở thành một bộ phận không thể tách rời, góp phần tạo nên sự đa dạng về văn hóa của một vùng đất. 

TRẦN THỊ HOÀNG