Người thổi hồn cho gỗ

Cập nhật, 14:28, Thứ Tư, 30/09/2015 (GMT+7)

Đêm ngày kiên trì, tỉ mẩn với cái đục, cái cưa, cái bào và những khúc gỗ tưởng chừng bỏ đi nhưng qua thời gian, đôi bàn tay tài hoa ấy đã biến chúng trở thành những tác phẩm nghệ thuật với những nét riêng độc đáo.

Trót mang lấy nghiệp

Theo nghề từ năm 20 tuổi, đến nay đã ngoài 60 nhưng ông Lê Đỗ Lợi (Long Hồ) vẫn dành cho nghề một tình yêu tha thiết dù “nghề này không giàu được đâu, đôi khi cả tháng chẳng bán được cái tượng nào”. Mồ côi từ nhỏ, ông Lợi luôn cho rằng mình cần phải cố gắng nhiều hơn trong cuộc sống. Năm 17 tuổi, ông được tận mắt xem những nghệ nhân làm tượng xi măng. Ông say mê nhìn rồi về nhà tự tìm tòi, tập nắn tượng bằng đất và bén duyên với nghề từ đó. Năm tháng theo đuổi đam mê, ông đã biến những gốc cây xù xì thành những tác phẩm nghệ thuật làm đẹp cho đời để thỏa niềm yêu thích bằng một hướng đi riêng.

Ông chia sẻ, cái khó của việc tạc tượng trên các khối gỗ là không chỉ tập cho đường đục mềm mại, nhuần nhuyễn mà cần có tư duy sáng tạo và óc thẩm mỹ cao. Thường thì khách mang gỗ đến và yêu cầu ông nghiên cứu làm ra sản phẩm nghệ thuật.

Nhấp ngụm trà, ông nói: Yêu cầu thì dễ nhưng đâu phải gốc cây nào cũng làm được. Làm nghề này tụi tui không chỉ biết tạc tượng trên thân gỗ mà trước hết là thiết kế hình mẫu ngay trong suy nghĩ, tưởng tượng để mỗi sản phẩm mang một dáng vẻ riêng, độc đáo riêng của nó! Ông kể, có hôm nhận được khúc gỗ đẹp nên trằn trọc cả đêm, vừa vui, vừa lo bởi theo ông ngoài việc tuân thủ chặt chẽ luật của nghệ thuật tạo hình về sự cân đối, hài hòa, mực thước, cần tính toán theo quy luật âm dương ngũ hành.

Anh Đặng Văn Quang quê ở Hà Nam mang cả gia đình nhỏ của mình vào Vĩnh Long (Long Hồ) sinh sống bằng nghề chạm gỗ đã 3 năm. Anh bén duyên với nghề từ năm 16 tuổi khi “có dịp đến làng nghề chạm khắc gỗ gần nhà, thấy thích thích và quyết tâm học nghề”. Dù thừa nhận nghề của mình cũng đầy khó khăn, gian khổ, từ việc lựa chọn gỗ, sơ chế gỗ, đục thô đến các công đoạn chạm khắc tinh xảo và tạo hình… tất cả đều cần đến sự dày công làm việc với tinh thần tập trung cao nhất nhưng anh vẫn tươi cười “18 năm qua, chưa bao giờ tôi thấy hối hận khi chọn nghề này”.

Với sự ra đời của hàng loạt công nghệ điêu khắc có sự hỗ trợ của máy móc, các tác phẩm nghệ thuật làm thủ công càng trở nên hiếm hoi.
Với sự ra đời của hàng loạt công nghệ điêu khắc có sự hỗ trợ của máy móc, các tác phẩm nghệ thuật làm thủ công càng trở nên hiếm hoi.

Sản phẩm ngày càng được ưa chuộng

Trước kia loại gỗ được sử dụng để điêu khắc phải là những loại gỗ quý hiếm. Nay đã dần thay thế bởi các loại gỗ thông dụng như gỗ mít, gỗ xà cừ,… Từ những mảnh gỗ nhỏ, bình thường nhưng qua tay người thợ điêu khắc đã trở thành sản phẩm, tác phẩm nghệ thuật điêu khắc hữu ích. Chính những đôi bàn tay tài hoa ấy đã thổi hồn vào từng dáng gỗ để biến những gốc cây vốn xù xì trở thành tác phẩm nghệ thuật được nhiều người yêu thích. Sản phẩm anh Quang cũng như sản phẩm nhiều cơ sở ở Vĩnh Long hiện đang làm là điêu khắc trên cửa nhà, các cột trụ, chân bàn, chân tủ với đủ hình thù, từ sư tử, kỳ lân đến hoa văn như tùng, cúc, trúc, mai. Thợ như anh Quang chỉ làm công đoạn chính là tạo hình, còn những phần khác sẽ có người khác đảm nhiệm. Thế cho nên, suốt ngày, anh và vợ cứ chuyên tâm vào việc điêu khắc. Không chỉ đủ sống, công việc tạo hình trên gỗ hiện đang được người tiêu dùng ưa chuộng đã mang đến cho anh chị cuộc sống khấm khá, đủ để lo cho 2 con ăn học.

Ông Phúc- Lộc- Thọ được tạo thành từ bàn tay của những người thợ.
Ông Phúc- Lộc- Thọ được tạo thành từ bàn tay của những người thợ.

Có thể thấy, trong xu thế phát triển hiện nay, việc chọn gỗ làm cửa nhà và những vật dụng trong nhà đã khá phổ biến. Mặt khác, do đời sống kinh tế của đại đa số người dân cũng đã phát triển hơn trước nhiều, nên một sản phẩm như bàn, ghế trong nhà, ngoài công dụng chính của nó, khách hàng còn đòi hỏi nó đẹp và mang tính nghệ thuật. Thế cho nên, nghề thổi hồn cho gỗ như ông Lợi hay anh Quang cũng được trân trọng, vì nó mang đến cho cuộc sống sự giá trị thêm hơn.

Bài, ảnh: NGỌC LIỄU