Mùa thu lịch sử

Cập nhật, 14:27, Thứ Tư, 30/09/2015 (GMT+7)

“Cuộc Cách mạng Tháng Tám ở Việt Nam nói chung, diễn tiến của cuộc cách mạng ở Sài Gòn và Nam Bộ cùng với ngày Nam Bộ kháng chiến 23/9/1945 là chuỗi sự kiện trọng đại của đất nước ta trong thế kỷ XX” (Võ Văn Kiệt).

Từ Ủy ban Khởi nghĩa đến Nam Bộ kháng chiến

Khi Hồng quân Liên Xô tiêu diệt tập đoàn quân Đức ở Stalingrad (1943) đã làm thay đổi cục diện chiến tranh ở Thái Bình Dương và đẩy quân phiệt Nhật vào thế bất lợi, dự đoán tình hình đảo lộn của chúng ở Đông Dương. Đó là thời cơ lớn, nhưng Nam Bộ lại rơi vào hoàn cảnh lịch sử vô cùng đặc biệt, khi mà nhìn lại trước đó cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ cuối năm 1940 đã làm hao mòn nghiêm trọng lực lượng cách mạng trung kiên. Đặc biệt là tỉnh Vĩnh Long- địa phương duy nhất chiếm được chính quyền ở quận Vũng Liêm- phải hứng chịu sự đàn áp, khủng bố đẫm máu sau đó của quân Pháp. Cho đến khi tin Nhật tiếp sau Đức cũng đã đầu hàng là thời cơ chín muồi cho khởi nghĩa, một thời cơ có một không hai. Nhưng theo ông Trần Văn Giàu, thì tình hình lúc bấy giờ đã đặt Xứ ủy Nam Kỳ rơi vào sự phân vân, lo lắng: “Cái lo lắng nhất của chúng tôi bấy giờ là Nam Bộ phải tự quyết định một vấn đề hết sức trọng đại trong điều kiện chưa nối lại được liên lạc với Trung ương... Chờ chỉ thị thì biết ngày nào mới có? Khởi nghĩa trễ quá thì sẽ thất bại. Tự mình quyết định trong việc rất lớn thế này liệu có được không?”

Cuối cùng với tinh thần tự quyết, dám nghĩ, dám làm, sáng tạo nắm bắt thời cơ, Xứ ủy Nam Kỳ, sau 3 lần hội nghị ở Chợ Đệm đã thành lập Ủy ban Khởi nghĩa và quyết định kế hoạch khởi nghĩa, dự kiến đầu hôm 24/8 phát lệnh, 0 giờ ngày 25 là xong, sáng 25 biểu tình. Sài Gòn và Nam Bộ khởi nghĩa chậm hơn Hà Nội 5 ngày, nhưng vẫn kịp hòa vào làn sóng Tổng khởi nghĩa Tháng Tám vĩ đại.

2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Công hòa. Nhưng chưa đầy 1 tháng sau, đêm 22 rạng sáng 23/9/1945, Pháp núp bóng Anh vào giải giáp quân Nhật đầu hàng, đã nổ súng ở Nam Bộ thực hiện mưu đồ xâm lược nước ta lần nữa. Ngay lập tức, sáng sớm 23/9/1945, Xứ ủy triệu tập cuộc họp liên tịch tại nhà số 629 đường Cây Mai (nay là đường Nguyễn Trãi, Quận 5). Tham dự cuộc họp có các đồng chí: Ung Văn Khiêm, Trần Văn Giàu, Nguyễn Văn Nguyễn, Phạm Ngọc Thạch, Huỳnh Văn Tiểng. Ông Hoàng Quốc Việt thay mặt Thường vụ Trung ương Đảng và Tổng bộ Việt Minh vừa đến Sài Gòn ngày 27/8/1945 dự và chỉ đạo. Hội nghị thành lập Ủy ban Hành chính kháng chiến Nam Bộ do ông Trần Văn Giàu làm Chủ tịch. Chiều 23/9/1945, Chủ tịch Ủy ban Hành chính kháng chiến Nam Bộ Trần Văn Giàu đã ký tuyên cáo gửi cho toàn thể đồng bào Nam Bộ. Như vậy, ngày 23/9/1945, nhân dân Nam Bộ đã bắt đầu bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

 

Hành trang kháng chiến của Vĩnh Long

Sau khởi nghĩa Nam Kỳ, ở Vĩnh Long phần lớn các chiến sĩ cách mạng bị bắt, nhiều cơ sở cách mạng bị tan vỡ. Nhật đảo chính Pháp (9/3/1945), rồi lập cơ quan mật thám riêng. Chúng thường xuyên hà hiếp nhân dân, lôi kéo các tầng lớp công chức, trí thức bài Pháp và theo thuyết Đại Đông Á của Nhật.

Lúc này, nhiều đảng viên đã hoạt động trở lại gầy dựng cơ sở cách mạng trong quần chúng nhân dân. Hội Nông dân cứu quốc bắt đầu xuất hiện ở Vĩnh Long và hoạt động mạnh ở: Phước Hậu, Ngã tư Cái Ngang, Ba Càng, Tam Bình, Vũng Liêm. Nhiều truyền đơn kêu gọi nhân dân đoàn kết đấu tranh chống phát xít Nhật được rải khắp nơi. Tháng 7/1945, một số cán bộ ở trại giam Bà Rá trở về hoạt động mạnh ở Tam Bình. Ở TX Vĩnh Long, đã thành lập chi bộ đặc biệt. Tháng 8/1945, Tỉnh ủy Vĩnh Long được thành lập gồm 3 đồng chí, do đồng chí Nguyễn Văn Thiệt làm Bí thư. Khi có phong trào Thanh niên tiền phong, quần chúng ở thị xã và các xã lân cận đã hăng hái gia nhập tổ chức nhất là thanh niên, trí thức, công chức. Hầu hết thanh niên trong tỉnh đều gia nhập Thanh niên tiền phong, Hội Nông dân cứu quốc và đều do Đảng trực tiếp hoặc gián tiếp lãnh đạo. Các lớp huấn luyện do Thanh niên tiền phong tổ chức liên tục để giáo dục về lịch sử dân tộc, nhận định thời cuộc, hướng thanh niên đi vào luyện tập quân sự để sẵn sàng giành chính quyền khi có thời cơ đến. Đảng phái cán bộ vào các trại lính, Sở Cảnh sát để vận động họ hướng về cách mạng, tổ chức mua một số súng để trang bị cho lực lượng nòng cốt ở nông thôn và thành thị. Ở Vĩnh Long, lính Nhật có khoảng một trung đoàn do viên quan tư chỉ huy, nhưng không dám có hành động đàn áp đối với các phong trào quần chúng.

Khi có tin Nhật đầu hàng, bộ máy chính quyền cũ hầu như tê liệt. Ta treo cờ Việt minh và tổ chức nhiều cuộc mít tinh. Ngày 25/8/1945, ta phái 3 đồng chí đi với 2 đồng chí bảo vệ đến gặp Tỉnh trưởng để nhận bàn giao chính quyền. Sau đó, ta yêu cầu phải bắt bọn mật thám đầu hàng, nộp giấy tờ, sổ sách, vũ khí. Chúng do dự, nhưng đến 13 giờ ngày 25/8/1945 thì đồng ý đầu hàng. UBND tỉnh Vĩnh Long được thành lập với thành phần rộng rãi do đồng chí Nguyễn Văn Phát làm Chủ tịch; đồng chí Phan Văn Sử làm Tổng Thư ký và tổ chức buổi ra mắt tại dinh Tỉnh trưởng cũ vào ngày 26/8/1945. Sau khởi nghĩa thắng lợi, chính quyền các cấp gặp vô vàn khó khăn, sự phá hoại của Việt gian...

Để xây dựng lực lượng vũ trang của tỉnh, Ủy ban cho phép giải ngũ những lính tập nào muốn về quê làm ăn và kêu gọi thanh niên nhập ngũ. Ta cử người đi mua súng, mò súng của Pháp, Nhật bỏ dưới sông. Đặc biệt, lúc đó Vĩnh Long còn tổ chức được một xưởng đúc vũ khí. Đến khi Pháp tấn công Vĩnh Long (31/10/1945) thì xưởng vũ khí này đã đúc được những trái lựu đạn đầu tiên. Quân dân Vĩnh Long đã bắt đầu những ngày Nam Bộ kháng chiến và thực sự đi vào cuộc kháng chiến chống Pháp trường kỳ, bằng những hành trang khiêm tốn mà cũng lắm tự hào như thế đấy.

Cuộc Cách mạng Tháng Tám ở Việt Nam nói chung, diễn tiến của cuộc cách mạng đó ở Sài Gòn và Nam Bộ cùng với ngày Nam Bộ kháng chiến 23/9/1945, là khoảng thời gian vô cùng đặc biệt của lịch sử, đã được đồng chí Võ Văn Kiệt đúc kết như sau: “Trong khoảng thời gian ngắn, dân tộc ta với khí thế cách mạng sục sôi chưa từng có..., đã xử lý cùng một lúc 4 mục tiêu: chấm dứt 100 năm phương Tây đô hộ, gần 5 năm Nhật khống chế; kết thúc nhiều ngàn năm chế độ vua quan; thống nhất đất nước từ Lạng Sơn đến Cà Mau; giành quyền làm chủ chế độ cho quần chúng lao động, những người yêu nước, dựng nên Nhà nước Cộng hòa đầu tiên của lịch sử Việt Nam”.

NGỌC TRẢNG