Huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị xây dựng TP Vĩnh Long văn minh

Cập nhật, 07:07, Thứ Sáu, 07/08/2020 (GMT+7)

Chỉ đạo Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP Vĩnh Long lần thứ XII (nhiệm kỳ 2020- 2025), Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy- Bùi Văn Nghiêm đã lưu ý TP Vĩnh Long cần tập trung hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại II, hướng tới xây dựng đô thị văn minh, hiện đại, sáng- xanh- sạch- đẹp.

Tại đại hội, các đại biểu đã có những ý kiến đóng góp cũng như đề xuất những giải pháp để góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ này.

Ông Hà Chí Tâm- Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường TP Vĩnh Long

BVL_a (20).JPG
 

Trong những năm qua, với sự cố gắng của các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân, công tác bảo vệ môi trường đã được lồng ghép vào kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội hàng năm của TP Vĩnh Long.

Nhiệm kỳ qua, công tác bảo vệ môi trường thành phố đều đạt chỉ tiêu nghị quyết, công tác truyền thông môi trường đã được thực hiện tốt, đại đa số người dân có quan tâm bảo vệ môi trường. Nhiều công trình, tuyến đường đã được xây dựng mới tạo diện mạo thành phố ngày càng khang trang hơn.

Tuy nhiên, cùng với quá trình đô thị hóa nhanh chóng đã dẫn đến một số mặt tồn tại: số lượng người dân có xu hướng tăng lên nên lượng chất thải rắn sinh hoạt cũng gia tăng nhanh chóng, đa dạng về thành phần chưa được phân loại tại nguồn gây khó khăn cho việc thu gom, xử lý;

nước thải sinh hoạt đô thị chưa có biện pháp xử lý tập trung mà xả thải trực tiếp ra môi trường gây ô nhiễm nguồn nước sông, kinh rạch, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân; vẫn còn tình trạng người dân vứt rác xuống sông gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng mỹ quan hay vẫn còn tình trạng các cơ sở, doanh nghiệp chưa thực hiện tốt các giải pháp bảo vệ môi trường hoặc có quan tâm xử lý khắc phục ô nhiễm nhưng mức độ xử lý chưa được triệt để. Ô nhiễm tiếng ồn ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của người dân....

Để quản lý tốt vấn đề bảo vệ môi trường trong thời gian tới, tôi xin đề xuất: đối với quản lý chất thải rắn, cần huy động mọi nguồn lực để thực hiện việc phân loại rác tại nguồn, thu gom, tái chế và xử lý chất thải rắn hợp vệ sinh; thu gom vận chuyển hoàn toàn rác thải, vận động người dân bỏ rác theo giờ và không vứt rác xuống sông, rạch gây ô nhiễm môi trường.

Về thoát nước thải đô thị, cần đầu tư, xây dựng hạ tầng hệ thống thu gom, xử lý tập trung nước thải sinh hoạt trên địa bàn. Hạ tầng tiêu thoát nước đảm bảo tiêu nước mưa, không để gây ngập úng do mưa lớn, triều cường. Nước thải phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phải được thu gom, xử lý đạt quy chuẩn môi trường trước khi thải ra bên ngoài.

Giải quyết ô nhiễm không khí, tiếng ồn bằng giải pháp kiểm soát chặt chẽ tình trạng kỹ thuật các phương tiện giao thông, khuyến khích sử dụng các phương tiện giao thông theo hướng giảm thiểu ô nhiễm đối với môi trường không khí; các công trình xây dựng hạ tầng kỹ thuật, khu đô thị phải thực hiện tốt giải pháp bảo vệ môi trường trong giai đoạn thi công để hạn chế ô nhiễm không khí...

Đặc biệt, để góp phần bảo vệ môi trường cần sự chung tay góp sức, sự quan tâm phối hợp và hỗ trợ nhau của tất cả các ngành, của địa phương và của từng người dân để góp phần vào sự phát triển chung của thành phố văn minh, hiện đại, có môi trường xanh sạch, thành phố đáng sống.

Ông Đặng Minh Quân- Trưởng Phòng Quản lý đô thị TP Vĩnh Long

Thời gian qua, được sự quan tâm lãnh đạo của Tỉnh ủy, Thành ủy, đến nay thành phố đã hoàn thành 4 xã lên phường và được công nhận đô thị loại II. Tuy nhiên, kết quả đạt được chưa toàn diện nên hướng tới cần có giải pháp để hoàn chỉnh các nội dung, tiêu chí chưa đạt của đô thị loại II.

Đối với tiêu chuẩn về tỷ lệ tăng dân số hàng năm, cần tập trung phát triển các ngành công nghiệp chủ lực, mang tính đột phá của thành phố, nhất là các ngành công nghiệp và dịch vụ, phát triển du lịch gắn với tiềm năng. Phấn đấu tăng thu hút số lượt du khách đến Vĩnh Long. Song song với việc hoàn thiện chất lượng hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, xây dựng các dự án nhà ở xã hội và thương mại.

Với tiêu chuẩn về diện tích sàn nhà ở bình quân, cần kịp thời nghiên cứu, đề xuất ban hành Chương trình phát triển đô thị, khoanh vùng các khu vực cần đầu tư phát triển. Tạo các quỹ đất sạch nhằm lập các dự án đầu tư về nhà ở, nhà ở xã hội, và làm cơ sở kêu gọi đầu tư từ các nguồn vốn ngoài ngân sách. Đẩy mạnh phát triển nhà ở tại các khu dân cư và thu hút đầu tư phát triển các khu đô thị mới.

Tiêu chuẩn về mật độ đường giao thông chính, tiếp tục thực hiện các dự án cải tạo, mở rộng và nâng cấp các tuyến đường theo quy hoạch: nâng cấp đường Mậu Thân, dự án đường Võ Văn Kiệt giai đoạn 3 từ cầu Cái Cam tới khu tái định cư Bắc Mỹ Thuận ra QL1...

Tiêu chuẩn về cấp điện sinh hoạt, tỉnh và thành phố tiếp tục đầu tư phát triển và cải tạo hệ thống lưới điện trung, hạ thế và nâng cấp các đường dây, trạm cấp đảm bảo phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt dân cư.

Với tiêu chuẩn về tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý, tranh thủ nguồn vốn vay ODA, phân kỳ đầu tư, xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước thải, công suất 15.000 m3/ngày đêm. Nâng tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý đạt 60% vào năm 2030.

Còn tiêu chuẩn về đất cây xanh toàn đô thị, tập trung xây dựng các công viên Khu Hành chính tỉnh, thực hiện đầu tư công viên cây xanh của 4 phường mới, công viên nghĩa trang và các công viên theo quy hoạch; phát triển cây xanh trên các tuyến đường và công viên cây xanh dọc các tuyến kè theo dự án mở rộng nâng cấp đô thị Việt Nam- tiểu dự án TP Vĩnh Long, dự án phát triển đô thị và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Và để thực hiện các giải pháp trên cần huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý điều hành của Nhà nước và sự phối hợp của MTTQ các đoàn thể của thành phố.

Quan trọng hơn là sự hỗ trợ của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các sở, ngành tỉnh từ việc cho chủ trương, hỗ trợ về kinh phí và chuyên môn. Có như thế thì thành phố mới có khả năng hoàn thiện các tiêu chuẩn chưa đạt, góp phần nâng cao chất lượng của đô thị loại II, hướng tới đô thị văn minh.

CẨM HUỆ (thực hiện)