Chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Long Hồ lần thứ XII

Long Hồ đi lên từ lợi thế

Cập nhật, 05:50, Thứ Ba, 23/06/2020 (GMT+7)

 

Long Hồ chẳng những có cảnh quan đẹp thu hút khách du lịch mà còn có lợi thế nuôi thủy sản. Ảnh: VINH HIỂN
Long Hồ chẳng những có cảnh quan đẹp thu hút khách du lịch mà còn có lợi thế nuôi thủy sản. Ảnh: VINH HIỂN

Lợi thế là đặc điểm riêng, là những yếu tố thuận lợi trong phát triển kinh tế- xã hội ở từng địa phương. Thời gian qua, Đảng bộ và nhân dân huyện Long Hồ đã phát huy tốt những lợi thế của mình nên đã tạo được sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế- xã hội.

Lợi thế vùng ven TP Vĩnh Long

Long Hồ là huyện vùng ven gần như bao bọc TP Vĩnh Long. Đây là lợi thế đặc biệt mà Long Hồ có được nên có nhiều thuận lợi trong phát triển các cơ sở hạ tầng kinh tế kỹ thuật phục vụ cho đời sống và sản xuất.

Thấy được lợi thế này, Long Hồ đã quy hoạch kết nối hợp lý các cơ sở hạ tầng kinh tế kỹ thuật từ TP Vĩnh Long đến các xã vùng ven của Long Hồ. Nhiều tuyến đường ở Long Hồ được kết nối hợp lý với các tuyến đường từ TP Vĩnh Long.

Hệ thống nước máy đô thị, các tuyến đường điện chiếu sáng… cũng được nối dài từ TP Vĩnh Long đến nhiều khu dân cư ở Long Hồ. Do là vùng ven nên Long Hồ là địa bàn trước tiên nhận sự “giãn nở” công nghiệp của TP Vĩnh Long.

Có được lợi thế này, Long Hồ đã chủ động quy hoạch kêu gọi đầu tư, vận dụng thực hiện tốt các chính sách đối với các thành phần kinh tế, kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất kinh doanh.

Vì vậy, ngoài Khu công nghiệp Hòa Phú, Tuyến công nghiệp Cổ Chiên do tỉnh quản lý; đến nay Long Hồ đã đón nhận nhiều doanh nghiệp ở TP Vĩnh Long và nhiều nơi khác đến đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh trên địa bàn huyện.

Trong 5 năm (2016- 2020), sản xuất công nghiệp tiểu thủ công nghiệp ở Long Hồ tăng lên không ngừng, bình quân tăng 8,75%/năm.

Do là vùng ven TP Vĩnh Long nên Long Hồ ảnh hưởng mạnh sự “lan tỏa” của quá trình đô thị hóa. Nhiều khu tuyến dân cư đô thị được hình thành ở các xã vùng ven TP Vĩnh Long góp phần thúc đẩy quá trình đô thị hóa ở huyện.

Từ lợi thế vùng ven với những thuận lợi trong kết nối cơ sở hạ tầng kinh tế kỹ thuật, sự “giãn nở” công nghiệp, sự “lan tỏa” của quá trình đô thị hóa đã tạo nên những yếu tố thúc đẩy thương mại- dịch vụ phát triển.

Giai đoạn 2016- 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội ở Long Hồ tăng bình quân 9,45%/năm.

Lợi thế địa hình cảnh quan

Huyện Long Hồ có 4 xã cù lao nằm giữa sông Tiền và sông Cổ Chiên đối diện TP Vĩnh Long có cảnh quan đẹp, địa hình sông nước cù lao vườn cây nên có lợi thế trong phát triển du lịch. Để phát huy lợi thế này, thời gian qua Long Hồ đã xây dựng nhiều kế hoạch, đề án để phát triển du lịch.

Vì vậy du lịch ở Long Hồ phát triển không ngừng. Trong 5 năm gần đây, Long Hồ đã đón trên 1,2 triệu lượt khách trong và ngoài nước tăng gần 20%, doanh thu du lịch tăng 40%. Với địa hình sông nước, cù lao Long Hồ cũng có lợi thế nuôi thủy sản.

Thời gian qua, việc nuôi thủy sản tuy còn gặp nhiều khó khăn nhưng sản lượng thủy sản nuôi ở Long Hồ không ngừng tăng lên. Đến năm 2020, Long Hồ có hơn 200ha diện tích ao hồ và hơn 1.300 lồng bè nuôi thủy sản. Sản lượng thủy sản nuôi năm 2019 ở Long Hồ đạt gần 30.000 tấn.

Địa hình sông nước, cảnh quan thiên nhiên xanh mát là lợi thế phát triển du lịch địa phương. Ảnh: VINH HIỂN
Địa hình sông nước, cảnh quan thiên nhiên xanh mát là lợi thế phát triển du lịch địa phương. Ảnh: VINH HIỂN

Lợi thế tay nghề

Ở Long Hồ, ngành nghề sản xuất kinh doanh đa dạng. Đa số lao động trong các ngành nghề đều có tay nghề chuyên môn khá cao, trong đó có một bộ phận tay nghề rất cao.

Ngoài nghề trồng lúa, trồng cây ăn trái thu hút nhiều lao động còn có những nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống như sản xuất gạch gốm, nước mắm, đan đát… gần đây có thêm nhiều nghề mới như gia công cơ khí, chế biến nông sản, thủy sản xuất khẩu, nuôi cá theo phương pháp công nghiệp, trồng rau sạch… tất cả đều ứng dụng khá tốt những thành tựu khoa học công nghệ nên đã nâng cao năng suất lao động, hiệu quả sản xuất, tạo ra những sản phẩm hàng hóa có chất lượng và giá trị kinh tế ngày càng cao.

Để phát huy lợi thế này, Long Hồ đã đẩy mạnh thông tin phổ biến những thành tựu khoa học công nghệ mới có liên quan đến các ngành nghề ở huyện, tổ chức nhiều cuộc tham quan, hội thảo trao đổi kinh nghiệm, chuyển giao khoa học công nghệ, xây dựng nhiều kế hoạch đề án hỗ trợ kinh phí ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất… nên nhìn chung việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và trình độ tay nghề của lao động trong các ngành nghề ở Long Hồ tăng lên không ngừng.

Trong các nghề lao động ở Long Hồ, đặc sắc nhất có thể nói đó là nghề làm vườn. Hầu hết nhà vườn ở Long Hồ- nhất là ở các xã cù lao đều nắm vững kỹ thuật thâm canh tăng năng suất, chất lượng cây ăn trái.

Đặc biệt là kỹ thuật làm trái nghịch mùa. Với những loại cây trồng chủ yếu ở Long Hồ như nhãn, chôm chôm, sầu riêng, cam, quýt, chanh,… nhà vườn ở Long Hồ đều có thể “bắt” cây cho trái nghịch mùa vì vậy giá trị tăng cao.

Có những thời điểm giá trái cây nghịch mùa rất cao, như chanh nghịch mùa vào mùa khô trong 2 năm 2016 và năm 2017 giá trung bình hơn 30.000 đ/kg, cao hơn gấp 5 lần giá mùa thuận hay chôm chôm nghịch mùa vào tháng 5/2017 giá trên 100.000 đ/kg, cao hơn 8 lần giá mùa thuận…

Ngoài ra, với việc “bắt” cây cho trái nghịch mùa rải vụ người dân cù lao còn tạo thêm sản phẩm phục vụ du lịch.

Thay lời kết

Mỗi địa phương đều có những lợi thế riêng; vấn đề là có thấy được và phát huy tốt lợi thế hay không. Trong thời gian qua, huyện Long Hồ đã thấy được và phát huy khá tốt những lợi thế của mình nên đã tạo được sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế- xã hội.

Tuy vậy, sự phát triển ở Long Hồ trong thời gian qua vẫn chưa tương xứng với tiềm năng lợi thế của huyện, vẫn còn một số yếu tố lợi thế chưa được phát huy tốt như một số ngành nghề truyền thống, việc phát triển nông nghiệp vùng ven đô thị…

Vì vậy, trong văn kiện Đại hội Đại biểu Đảng bộ huyện Long Hồ lần thứ XII nhiệm kỳ 2020- 2025 đã nêu “… Tập trung huy động mọi nguồn lực khai thác tốt tiềm năng lợi thế của huyện để phát triển kinh tế nhanh và bền vững…”

Thiết nghĩ, đó là một phương hướng đúng đắn cần đặc biệt chú ý trong quá trình phát triển kinh tế- xã hội của huyện.

THANH HỒNG