Vẫn còn đối mặt với đợt hạn, mặn trong tháng 3

Cập nhật, 04:01, Thứ Ba, 18/02/2020 (GMT+7)
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long kiểm tra tiến độ công trình cống Vũng Liêm ngày 15/2/2020.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long kiểm tra tiến độ công trình cống Vũng Liêm ngày 15/2/2020.

Mặn đang có xu hướng giảm, tuy nhiên theo dự báo trong mùa khô này, Vĩnh Long vẫn còn đối mặt với đợt hạn, mặn trong tháng 3/2020. Do đó, phương án ứng phó hạn, xâm nhập mặn thiếu nước ở mức “rất nghiêm trọng” được đặt ra, trong đó ưu tiên các giải pháp phòng chống ứng phó các huyện có khả năng chịu ảnh hưởng mặn cao như Vũng Liêm, Trà Ôn, Mang Thít, Tam Bình.

Theo đó, nếu mặn xâm nhập vượt đỉnh mặn đầu tháng 1/2020, mực nước sông rạch rất thấp. Cụ thể, độ mặn phía sông Hậu tại Trà Ôn từ 2- 7‰, phía sông Cổ Chiên tại Vũng Liêm từ 7‰ đến hơn 10‰, trong nội đồng trên 3‰.

Đỉnh triều sông Tiền tại Mỹ Thuận vào lúc triều thấp chỉ đạt dưới 0,5m, lúc triều cao đạt dưới 1m. Thời gian duy trì độ mặn cao từ 10- 15 ngày, tương đương với rủi ro thiên tai hạn hán, xâm nhập mặn ở cấp độ 2.

Khi đó, diện tích bị hạn, thiếu nước toàn tỉnh là 83.982ha, trong đó gồm 30.399ha lúa Đông Xuân, 5.138ha rau màu và trên 25.000ha cây lâu năm. Đáng kể nhất là 193.578 hộ dân trong toàn tỉnh phải sử dụng nguồn nước nhiễm mặn, 22.360 hộ không có nước máy sử dụng và 49 nhà máy nước bị nhiễm mặn.

Theo ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT, để sẵn sàng cho việc ứng phó, biện pháp công trình cụ thể được vạch ra là thi công 72 công trình thủy lợi khẩn cấp như nạo vét kinh rạch nội đồng, tu sửa cống đập để trữ ngọt, cấp nước tưới vụ Đông Xuân, Hè Thu và cấp nước sinh hoạt.

Bơm tưới hỗ trợ cho 4.214ha lúa Đông Xuân và Hè Thu. Cải tạo nâng cấp sửa chữa 17 công trình nước sạch, đầu tư nâng cấp 4 trạm cấp nước ở vùng chưa bị nhiễm mặn để đấu nối vào các trạm cấp nước bị nhiễm mặn. Hỗ trợ xử lý nước sạch, cấp nước thùng cho 22.360 hộ chưa sử dụng nước máy và cấp bột xử lý nước cho trên 6.700 hộ dân chưa có nước sinh hoạt.

Đối với việc huy động lực lượng, thiết bị, vật tư ứng phó, bên cạnh lực lượng chính từ quân sự, công an, Công ty CP Cấp nước Vĩnh Long hỗ trợ 30 bồn chứa nước (mỗi bồn 10m3) cấp tập trung cho người dân tại các huyện Vũng Liêm, Tam Bình, Trà Ôn và cụm Cái Ngang, cũng như thuê xà lan, xe bồn chở nước cấp cho các nhà máy tại các khu vực nêu trên với 43 chuyến mỗi ngày, trong vòng 10- 15 ngày.

Đồng thời, các huyện huy động 5 trạm bơm điện, 7 máy bơm điện, 105 máy bơm dầu và 8.377 máy bơm nhỏ trong dân. Ngoài ra, người dân tự đầu tư túi trữ ngọt loại 15m3 để phục vụ sản xuất, sinh hoạt hộ gia đình. Tổng vốn thực hiện phương án ứng phó hạn, mặn ước tính trên 107 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp ứng phó trước mắt trong các tháng còn lại của mùa khô năm nay. Về lâu dài, giải pháp thủy lợi tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong phòng chống hạn, mặn.

Cụ thể, giải pháp chuyển tải nước từ vùng nước ngọt Bắc sông Măng Thít tiếp cho vùng bị nhiễm mặn Nam sông Măng Thít vào mùa khô thông qua việc cải tạo, nạo vét, mở rộng các tuyến kinh trục lớn ở các huyện Vũng Liêm, Trà Ôn, Mang Thít, Tam Bình, Long Hồ nối với sông Măng Thít để tiếp nước ngọt cho huyện Vũng Liêm, Trà Ôn và một phần của tỉnh Trà Vinh.

Giải pháp xây hồ chứa nước ngọt ở vùng bị nhiễm mặn cao ở Vũng Liêm, Trà Ôn, Mang Thít, trong đó ưu tiên cho các cù lao. Về nước sinh hoạt, hộ khó khăn, trạm y tế, bệnh viện, trường học,… cần được hỗ trợ cho các dụng cụ chứa nước cỡ lớn, đấu nối, xây dựng hệ thống cấp nước sạch liên xã, liên vùng.

Vĩnh Long kiến nghị Trung ương đầu tư các công trình thủy lợi, kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển cây ăn trái, giúp địa phương ứng phó lâu dài với hạn, mặn.
Vĩnh Long kiến nghị Trung ương đầu tư các công trình thủy lợi, kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển cây ăn trái, giúp địa phương ứng phó lâu dài với hạn, mặn.

Đánh giá của Sở Nông nghiệp- PTNT, hiện Bộ Nông nghiệp- PTNT đã và đang đầu tư các cống ngăn mặn: Vũng Liêm, Tân Dinh, Cái Tôm, Nàng Âm, Cái Hóp, khi các cống vận hành thì khu vực huyện Vũng Liêm, Trà Ôn (Vĩnh Long) và một phần tỉnh Trà Vinh sẽ thiếu nước. Để kịp thời khắc phục tình trạng này, qua làm việc với đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp- PTNT gần đây hỗ trợ thực hiện một số công trình thiết thực ứng phó hạn, mặn.

Đó là dự án nạo vét kinh La Ghì- Trà Côn (Trà Ôn) nạo vét kết hợp đắp đê bao 30km, 1 cống hở và 3 trạm bơm, diện tích phục vụ 30.000ha và hệ thống thủy lợi kinh Cái Cá- Mây Tức (Vũng Liêm) nạo vét kết hợp đắp đê bao 30km, 12 cống hở, 4 cầu giao thông và 7km kè chống sạt lở bảo vệ diện tích 45.000ha đất nông nghiệp trong vùng dự án.

Việc đầu tư các công trình này giúp hình thành hệ thống thủy lợi đồng bộ, đảm bảo ngăn mặn, tiếp ngọt, ngăn triều cường. Qua đó, giúp địa phương chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi hiệu quả hơn.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng kiến nghị Trung ương đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển cây ăn trái tại các xã: Thanh Bình, Quới Thiện (Vũng Liêm), Phú Thành, Lục Sĩ Thành (Trà Ôn), Bình Hòa Phước (Long Hồ), An Phước, Mỹ Phước, Nhơn Phú (Mang Thít), Mỹ Hòa (TX Bình Minh).

Đây là những vùng sản xuất cây ăn trái có quy mô khá lớn của tỉnh nhưng chưa có hệ thống thủy lợi hoàn chỉnh nên sản xuất nông nghiệp còn bấp bênh. Việc đầu tư hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng như cống hở, đường cơ giới nội đồng và bến trung chuyển là rất cần thiết để đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất, trữ ngọt, ngăn mặn, lũ, triều cường, giúp tỉnh Vĩnh Long thích ứng tốt hơn với hạn, mặn.

Bài, ảnh: LÊ SƠN