Họp mặt gia đình chiến sĩ mới

Xây dựng "thế trận lòng dân" ngày càng vững chắc

Cập nhật, 05:14, Thứ Ba, 24/12/2019 (GMT+7)

Tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác quân sự- quốc phòng. Ngoài việc đảm bảo chỉ tiêu và chất lượng, làm thế nào để chiến sĩ an tâm phục vụ trong thời gian tại ngũ là vấn đề rất quan trọng.

Xuất phát từ thực tế này, Đảng ủy- Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã tham mưu xây dựng mô hình “Họp mặt gia đình chiến sĩ mới”, tạo điều kiện để cấp ủy, chính quyền địa phương, đơn vị nhận quân, gia đình và chiến sĩ gặp gỡ, giao lưu, thông báo tình hình sinh hoạt, kết quả huấn luyện và thống nhất biện pháp giáo dục tốt hơn.

Kịp thời động viên, khen thưởng gia đình chiến sĩ mới tiêu biểu.
Kịp thời động viên, khen thưởng gia đình chiến sĩ mới tiêu biểu.

Theo Đại tá Phùng Văn Mười- Tỉnh ủy viên, Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, nhằm góp phần xây dựng lực lượng vũ trang tỉnh theo hướng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã có nhiều giải pháp xây dựng lực lượng thường trực, dân quân tự vệ, dự bị động viên đủ số lượng và chất lượng, vừa tham gia phát triển kinh tế- xã hội, vừa đảm bảo quốc phòng- an ninh.

Trong đó, công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ góp phần xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu, đảm bảo độ tin cậy với phương châm “bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa”.

Đến nay, sắp xếp quân nhân dự bị vào các đơn vị dự bị động viên quân số đạt gần 100%, trong đó sĩ quan đạt trên 99%, hạ sĩ quan- binh sĩ đạt 100%, đúng chuyên nghiệp quân sự đạt trên 63% và trên 33% gần đúng chuyên nghiệp quân sự.

Đây là kết quả từ sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các địa phương xây dựng nhiều cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả trong công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ, trong đó “Họp mặt gia đình chiến sĩ mới” là mô hình tiêu biểu, góp phần chuyển biến tích cực về ý thức và tính tự giác của người dân và tinh thần tình nguyện đăng ký thực hiện nghĩa vụ quân sự, công an.

Hàng năm, tân binh tỉnh Vĩnh Long sẽ được giao về các đơn vị nhận quân của Bộ Quốc phòng, Quân khu 9 và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh.

Trong đó, Trung đoàn Bộ binh 890 là đơn vị nhiều năm liền đạt thành tích tốt trong công tác huấn luyện chiến sĩ mới.

Sau 1 tháng bước vào huấn luyện, đơn vị sẽ tổ chức rút kinh nghiệm và mời cấp ủy, chính quyền địa phương, đơn vị nhận quân và gia đình chiến sĩ mới đến dự họp mặt để báo cáo kết quả huấn luyện.

Tại đây, gia đình tân binh được tham quan nơi ăn ở, sinh hoạt của con em mình và nghe báo cáo thành tích “những ngày đầu quân ngũ”.

Đây còn là cơ hội thuận lợi để chính quyền địa phương, đơn vị nhận quân, gia đình và chiến sĩ có dịp trao đổi, nắm chắc tình hình, thống nhất nội dung phối hợp quản lý, giáo dục và huấn luyện.

Cũng là cơ hội để chiến sĩ nhận thức vấn đề nào còn hạn chế để khắc phục, phấn đấu trưởng thành trong môi trường quân ngũ.

Ngoài ra, chiến sĩ và gia đình có con em đạt thành tích cao trong thời gian huấn luyện sẽ được khen thưởng, biểu dương trong buổi họp mặt.

Từ đó, gia đình sẽ thêm tự hào về con mình và sẽ tích cực chủ động cùng địa phương tuyên truyền, vận động người khác thực hiện tốt nghĩa vụ quân sự.

Nhờ vậy, từ năm 2017 đến nay, tỉnh Vĩnh Long không có trường hợp nào vi phạm Luật Nghĩa vụ quân sự, dù có đến 85% thanh niên trong độ tuổi nhập ngũ đang làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Thanh niên Vĩnh Long thể hiện tinh thần xung kích, tình nguyện nhập ngũ.
Thanh niên Vĩnh Long thể hiện tinh thần xung kích, tình nguyện nhập ngũ.

Sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống cách mạng nên khi hay tin con trai trúng tuyển nghĩa vụ quân sự, chị Võ Ngọc Ánh (TX Bình Minh) đã thường xuyên quan tâm, động viên con hăng hái lên đường làm nhiệm vụ.

Chị Ánh vui mừng cho biết: “Đây là cơ hội để cháu rèn luyện bản thân và trưởng thành. Đặc biệt, khi tham dự chương trình họp mặt gia đình chiến sĩ mới, được nghe thông báo tình hình tư tưởng, thái độ học tập, ý thức chấp hành kỷ luật, chúng tôi càng an tâm hơn”.

Năm 2019, Trung đoàn Bộ binh 31 (Sư đoàn Bộ binh 309- Quân đoàn 4) tiếp nhận huấn luyện 950 chiến sĩ mới, trong đó có 130 chiến sĩ mới của huyện Vũng Liêm,

Theo Trung tá Nguyễn Văn Lưu- Phó Chính ủy Trung đoàn, dù lúc đầu có nhiều bỡ ngỡ nhưng các chiến sĩ nhanh chóng hòa nhập môi trường mới, đảm bảo sức khỏe, xác định rõ nhiệm vụ, chấp hành nghiêm kỷ luật, đạt thành tích cao, nổi bật là nội dung chính trị hầu hết đạt khá giỏi.

Đây là kết quả nhờ tinh thần kiên trì vượt khó, ý chí vươn lên của các chiến sĩ. Bên cạnh, đơn vị luôn đổi mới phương pháp quản lý, thường xuyên quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của bộ đội.

Cán bộ quản lý, chỉ huy luôn thể hiện tình yêu thương, gần gũi chiến sĩ với khẩu hiệu “Đơn vị là nhà, cán bộ, chiến sĩ là anh em”, “Tất cả vì chiến sĩ thân yêu”, đặc biệt là tư tưởng chỉ đạo “4 cùng
bộ đội”.

Kết thúc 3 tháng huấn luyện, chiến sĩ mới tiếp tục bước vào chương trình huấn luyện năm thứ nhất với yêu cầu cao hơn, khó khăn và vất vả hơn.

Tuy nhiên, bên cạnh sự cố gắng của từng chiến sĩ, sự nỗ lực trong công tác quản lý của đơn vị thì sự phối hợp của chính quyền địa phương, đơn vị nhận quân và gia đình là điều rất quan trọng để chiến sĩ an tâm hoàn thành 24 tháng tại ngũ.

Theo Đại tá Phùng Văn Mười, qua 5 năm, tỉnh đã tổ chức được 32 buổi họp mặt gia đình chiến sĩ mới, có hơn 6.500 gia đình và đại biểu tham dự.

Qua đây, người dân hiểu thêm về ý nghĩa của việc xây dựng hậu phương quân đội và nâng cao ý thức tự giác trong việc giáo dục người thân chấp hành pháp luật, góp phần xây dựng “thế trận lòng dân” ngày càng vững chắc.

Bài, ảnh: NGUYỄN THỊNH