Giữ mãi tinh thần kiên trung, bất khuất

Cập nhật, 08:11, Thứ Năm, 27/12/2018 (GMT+7)

 

Hội Người tù kháng chiến tỉnh tổ chức cho hội viên về nguồn, ôn lại truyền thống lịch sử hào hùng tại Khu lưu niệm cố Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa.
Hội Người tù kháng chiến tỉnh tổ chức cho hội viên về nguồn, ôn lại truyền thống lịch sử hào hùng tại Khu lưu niệm cố Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa.

Nhiệm kỳ vừa qua, với tinh thần kiên trung, bất khuất, Hội Người tù kháng chiến tỉnh Vĩnh Long đã hoàn thành các chỉ tiêu nghị quyết đại hội đề ra. Hội đã trở thành điểm tựa vững chắc để người tù kháng chiến phát huy tinh thần quả cảm, ý chí kiên cường được tôi luyện từ thời chiến tranh, góp phần xây dựng quê hương trong thời bình.

Nỗ lực chăm lo đời sống hội viên

5 năm qua, Hội Người tù kháng chiến các cấp trong tỉnh được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể đã ra sức thực hiện thành công chủ đề đại hội “Phát huy tinh thần kiên trung, bất khuất, đoàn kết, dân chủ, đổi mới, cần kiệm, xây dựng hội trong sạch, vững mạnh”.

Phát huy tinh thần đoàn kết, yêu thương giúp đỡ nhau, hội quan tâm chăm lo đời sống vật chất cho hội viên. Các phong trào thi đua học tập và làm theo Bác bằng việc bỏ ống tiết kiệm vì đồng đội, góp vốn xoay vòng, “trồng cây chuối”, “hùn nắm gạo” để gây quỹ hội được hội viên tích cực tham gia, thể hiện tinh thần đoàn kết, kịp thời giúp đỡ hội viên vượt qua khó khăn trong cuộc sống.

Trong 5 năm, nguồn huy động trong nội bộ đạt hơn 10,6 tỷ đồng, giúp trên 5.600 lượt hội viên nhận vốn với số tiền hơn 8 tỷ đồng để trồng trọt, chăn nuôi, mua bán nhỏ. Nhiều hội viên được giúp đỡ từ các phong trào đã thoát nghèo, vươn lên khá giàu.

Với 3 triệu đồng hỗ trợ mua con giống và làm chuồng nuôi từ quỹ góp vốn xoay vòng của Hội Người tù kháng chiến huyện Bình Tân, mô hình nuôi dê lấy thịt của bà Phạm Thị Liệt (xã Tân An Thạnh) đang cho hiệu quả tốt. “Giờ tui có 12 con dê, 3 con đang có chửa, nhờ đó cuộc sống đã khá hơn nhiều”- cô Liệt phấn khởi.

“5 năm qua, Hội Người tù kháng chiến huyện Bình Tân đã vận động góp vốn xoay vòng được hơn 100 triệu đồng, hỗ trợ hội viên sản xuất có hiệu quả, nhiều hội viên thoát nghèo, vươn lên khá giàu.”- ông Huỳnh Văn Thành- Chủ tịch Hội Người tù kháng chiến huyện Bình Tân- cho biết thêm.

Mô hình nuôi dê cải thiện cuộc sống đáng kể của bà Phạm Thị Liệt (xã Tân An Thạnh- Bình Tân).
Mô hình nuôi dê cải thiện cuộc sống đáng kể của bà Phạm Thị Liệt (xã Tân An Thạnh- Bình Tân).

Bên cạnh đó, 100% hội viên còn sống trong tỉnh được nhận trợ cấp hàng tháng, góp phần ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống. Ngoài ra, Hội Người tù kháng chiến còn vận động các đơn vị, nhà hảo tâm để tặng quà, tổ chức khám chữa bệnh, thăm bệnh, điếu tang và cất nhà tình nghĩa cho hội viên nghèo.

Với mục tiêu để mỗi hội viên đều được sống trong căn nhà ổn định, không để hội viên gặp khó khăn trong vấn đề an cư, trong nhiệm kỳ qua, có 497 hội viên được cất nhà tình nghĩa, 203 căn nhà được sửa chữa, hội viên không còn khó khăn về nhà ở đạt 100% chỉ tiêu.

Bên cạnh, Hội Người tù kháng chiến còn quan tâm tổ chức các cuộc họp mặt kỷ niệm, những chuyến về nguồn ôn lại lịch sử hay những chuyến thăm các khu căn cứ cách mạng cho hội viên nâng cao đời sống tinh thần.

Gương mẫu trong công tác xã hội

Không những chung tay giúp đỡ nhau, Hội Người tù kháng chiến các cấp còn hết sức gương mẫu trong các phong trào ở địa phương.

Với tinh thần “tuổi già nhưng tâm không già”, người tù kháng chiến tích cực tham gia với các đoàn thể bạn, tổ tự quản, tham gia hòa giải quần chúng, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, xây dựng nông thôn mới.

Cán bộ, hội viên đã góp nhiều ngày công lao động, tiền mặt và hiến trên 4.800m2 đất, góp phần xây dựng đường giao thông nông thôn và làm đê ngăn lũ.

Song song đó, các cấp hội còn tích cực đóng góp tiền và công sức cho công tác từ thiện nhân đạo, tham gia phục vụ được hàng trăm ngàn phần cơm cháo tại các bệnh viện, đem yêu thương chia sẻ với người có hoàn cảnh kém may mắn.

Phối hợp cùng Hội Người khuyết tật- bảo trợ trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo huyện Trà Ôn, Hội Người tù kháng chiến huyện Trà Ôn đã tích cực vận động được gạo, chất đốt, gia vị đầy đủ để các tổ nấu ăn, cấp phát miễn phí cho bệnh nhân nghèo tại Bệnh viện huyện Trà Ôn hoạt động hiệu quả.

“Trung bình, tổ nấu ăn, cấp phát được 250- 400 phần cơm, cháo, nước chín miễn phí/ngày. Tổng giá trị phúc lợi năm 2018 gần 1 tỷ đồng”- cô Nguyễn Thị Bé Tư- Chủ tịch Hội Người tù kháng chiến huyện Trà Ôn- cho biết.

Mô hình chăn nuôi gà tại xã Tân An Long (Mang Thít) đã mang lại hiệu quả thiết thực cho hội viên Hội Người tù kháng chiến.
Mô hình chăn nuôi gà tại xã Tân Long (Mang Thít) đã mang lại hiệu quả thiết thực cho hội viên Hội Người tù kháng chiến.

Không chỉ vậy, mỗi khi tết đến xuân về, Hội Người tù kháng chiến các cấp phối hợp cùng các ban, ngành, đoàn thể vận động mua quà tặng cho hộ nghèo. Trên 3.500 phần quà đã được trao cho hộ nghèo vui xuân đón tết trong nhiệm kỳ rồi với tổng giá trị hơn 1,6 tỷ đồng.

Ngoài ra, hội viên còn tham gia tốt các phong trào ở địa phương bằng việc làm thiết thực như trồng cây xanh, trồng hoa dọc đường phố, múa lân phục vụ các ngày lễ tết, tặng quà cho thanh niên lên đường nhập ngũ.

Những giá trị phúc lợi xã hội của Hội Người tù kháng chiến các cấp trong tỉnh đã thể hiện được tấm lòng yêu quê hương đất nước, yêu dân tộc của những người đã đến tuổi xế chiều, trong số đó có những người mà thể trạng bị tàn phá bởi những ngày tháng tù đày.

Ông Huỳnh Tấn Phước- Chủ tịch Hội Người tù kháng chiến tỉnh- cho biết: Hội Người tù kháng chiến đã hoàn thành đạt và vượt các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội lần thứ IV (nhiệm kỳ 2013- 2018) đề ra. Nổi bật là phong trào bỏ ống tiết kiệm vì đồng đội và gây quỹ hội được cán bộ, hội viên hưởng ứng nhiệt tình. Qua đó, có 25 tập thể, 55 cá nhân được UBND tỉnh tặng bằng khen, 95 tập thể và 125 cá nhân được tỉnh hội tặng giấy khen.

 

Bài, ảnh: HẢI YẾN- TUYẾT NGA