Giao thông Vĩnh Long cần gỡ những nút thắt

Cập nhật, 14:17, Thứ Năm, 20/12/2018 (GMT+7)

Vừa qua, tại buổi làm việc với đoàn công tác của Bộ Giao thông- Vận tải (GTVT) do Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể làm trưởng đoàn, lãnh đạo UBND tỉnh đã kiến nghị một số nội dung để tháo gỡ những nút thắt về giao thông trên địa bàn tỉnh.

QL1 đoạn qua TX Bình Minh ngập do triều cường.
QL1 đoạn qua TX Bình Minh ngập do triều cường.

Thắt nút cổ chai trên các tuyến quốc lộ

Theo báo cáo của UBND tỉnh, Vĩnh Long nằm ở trung tâm ĐBSCL, giữa sông Tiền và sông Hậu, không có biển, chưa có đường hàng không, cũng như đường sắt, đường cao tốc.

Toàn tỉnh có 5 tuyến QL (144km), 10 tuyến đường tỉnh (295km) cùng 422km đường huyện, 141km đường đô thị, 118km đường chuyên dùng và đường khác. Hiện 100% xã- phường- thị trấn có đường ô tô đến trung tâm xã. Đường thủy có tổng chiều dài 1.331km, 3 cảng hàng hóa với công suất 900.000 tấn/năm.

Những năm qua, mạng lưới đường bộ ở Vĩnh Long không ngừng được xây dựng mới và cải tạo nâng cấp, đã hình thành hệ thống giao thông liên hoàn, góp phần phục vụ phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.

Nhìn chung, các đường đô thị, đường tỉnh, đường huyện, cảng được đầu tư có sự kết nối, đáp ứng nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa phục vụ sản xuất của doanh nghiệp và người dân trong giai đoạn hiện tại. Tuy nhiên, theo UBND tỉnh, hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh còn nhiều bất cập, kết nối với các tỉnh lân cận chưa được thuận lợi, một số tuyến đường do Bộ GTVT và địa phương quản lý chưa được đầu tư đồng bộ về quy mô, tải trọng...

Nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân cũng như phục vụ phát triển kinh tế- xã hội tỉnh Vĩnh Long trong thời gian tới, UBND tỉnh kiến nghị Bộ GTVT quan tâm chỉ đạo việc sửa chữa các tuyến QL để đảm bảo lưu thông, an toàn giao thông; sớm đầu tư nâng cấp, mở rộng QL53, QL54 qua địa bàn tỉnh. Trong khi đó, các cầu yếu trên QL53 là cầu Ngã Tư, cầu Ông Me là các điểm “thắt nút cổ chai” rất cần được khắc phục, góp phần phục vụ lưu thông hàng hóa và an toàn cho người tham gia giao thông.

Trong khi đó, đoạn QL53 từ đầu tuyến đến ngã ba Cái Nhum, mặt đường đang xuống cấp, gây mất an toàn giao thông, cần kịp thời sửa chữa…

Bên cạnh một số nội dung khác, UBND tỉnh còn kiến nghị đẩy nhanh tiến độ đầu tư đường cao tốc đoạn Mỹ Thuận- Cần Thơ và đường sắt tốc độ cao TP Hồ Chí Minh- Cần Thơ, nhằm giảm áp lực giao thông trên tuyến QL1…

Hiện trạng cầu Ông Me Lớn- một trong những “nút thắt cổ chai” trên QL53 đoạn qua tỉnh Vĩnh Long.
Hiện trạng cầu Ông Me Lớn- một trong những “nút thắt cổ chai” trên QL53 đoạn qua tỉnh Vĩnh Long.

Ưu tiên trải thảm nhựa QL53

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đánh giá cao sự hỗ trợ phối hợp của tỉnh trong công tác quản lý đối với các công trình, dự án giao thông của trung ương trên địa bàn tỉnh.

Ngành giao thông Vĩnh Long đã có sự phát triển tương đối tốt, nhất là tỉnh quan tâm bố trí vốn đầu tư phát triển hệ thống giao thông nông thôn, góp phần nâng cao đời sống người dân, chất lượng cuộc sống tốt hơn.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng thực trạng chung của các tuyến QL trên cả nước là nhỏ hẹp, chất lượng kém, dù thời gian qua cũng đã có những công trình trọng điểm được đầu tư.

Vì thế, Bộ GTVT đã có chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam tập trung nghiên cứu, xây dựng một đề án duy tu, sửa chữa đường bộ nhằm đánh giá toàn diện hệ thống hạ tầng giao thông của Việt Nam.

Riêng hệ thống đường QL, hiện cả nước có 23.400km với nhu cầu vốn hàng năm cho duy tu, sửa chữa khoảng 25.000 tỷ đồng mới đủ điều kiện duy tu, sửa chữa thường xuyên. Tuy nhiên, “hiện nay chúng ta chỉ có 7.000- 8.000 tỷ đồng, mới chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu duy tu, sửa chữa”- Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết.

Đối với những kiến nghị của UBND tỉnh, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã giao cho các đơn vị thuộc Bộ GTVT phối hợp UBND tỉnh khẩn trương duy tu, sửa chữa, trải thảm nhựa trên QL53; nâng cấp các điểm ngập trên QL1; đối với QL54 sẽ đưa vào kế hoạch trung hạn (2020- 2025)…

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng nhấn mạnh tầm vai trò quan trọng của QL53 là tuyến giao thông quan trọng nối liền tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh, đặc biệt trên tuyến có 2 khu tưởng niệm cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng và cố Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt và phải ưu tiên triển khai nhanh.

Theo lãnh đạo Cục Quản lý đường bộ IV- đơn vị quản lý nhà nước các tuyến QL vùng ĐBSCL, toàn vùng ĐBSCL hiện có 41 điểm ngập trên các tuyến QL. Trong đó, riêng đối với QL1 có 25 điểm ngập, gồm Tiền Giang 4 điểm, Vĩnh Long 8 điểm, Sóc Trăng 6 điểm, Bạc Liêu 5 điểm và Cà Mau 2 điểm. Để giải quyết các điểm ngập, chỉ tính việc nâng cao nền trên QL1, dự kiến cần nguồn kinh phí khoảng 2.000 tỷ đồng.

 

Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC