Câu chuyện cuối tuần

"Mong manh áo vải hồn muôn trượng"

Cập nhật, 11:51, Thứ Bảy, 19/05/2018 (GMT+7)

Cả một đời vì nước, vì dân, không chỉ để lại chủ nghĩa anh hùng cách mạng sáng ngời mà Chủ tịch Hồ Chí Minh còn để lại di sản vô cùng quý báu là tư tưởng, đạo đức và phong cách của Người.

Trong cả cuộc đời cách mạng, từ khi bôn ba đi tìm đường cứu nước đến lúc đã là vị lãnh đạo cao nhất của dân tộc, Bác vẫn sống vô cùng giản dị. Trong mỗi lời nói, cử chỉ, việc làm, Bác luôn nêu tấm gương mẫu mực về đạo đức cách mạng.

Thật hiếm có vị lãnh tụ nào khuya sớm đau đáu lo việc nước lớn lao mà còn ân cần đi đắp chăn cho từng người lính với tấm lòng vô biên trìu mến: “Rồi Bác đi dém chăn/ Từng người từng người một/ Sợ cháu mình giật thột/ Bác nhón chân nhẹ nhàng”. Khi anh đội viên xót xa, tha thiết mong Bác đi ngủ sớm giữ gìn sức khỏe thì Bác chỉ dặn dò “Chú cứ việc ngủ ngon/ Ngày mai đi đánh giặc/ Bác thức thì mặc Bác/ Bác ngủ không an lòng… Bác thương đoàn dân công/ Đêm nay ngủ ngoài rừng/ Rải lá cây làm chiếu/ Manh áo phủ làm chăn...”

Có biết bao câu chuyện cảm động đã trở thành biểu tượng văn hóa, đạo đức, phong cách của Bác. Chuyện rằng, Bác mặc bộ quần áo ka ki đã sờn cổ, sờn tay, xin được thay bộ khác, Bác bảo: “Nếu thi sang thì thua, thi tiết kiệm thì thắng”.

Bác mặc như thế phù hợp với hoàn cảnh của đất nước, của dân không phải thay... Và cứ đến mỗi tháng 5 sinh nhật, Bác lại nói với thư ký bố trí những chuyến công tác xa để Bác tránh cảnh chúc tụng, lễ hội.

Tháng 5 nhớ Bác, để hiểu sâu sắc rằng, bất cứ ai, dù ở nông thôn hay thành thị, dù đang ở cương vị nào, thực hiện nhiệm vụ nào, ở lứa tuổi nào, cũng đều cần thiết và có thể học theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác Hồ.

Như mỗi bông hoa góp thành vườn hoa lớn, mỗi ngày, mỗi người hãy cố gắng làm thêm một việc tốt, như lời Bác dạy, như chính cuộc sống của Bác giản dị biết bao mà tâm hồn vĩ đại, nhân cách vĩ đại biết chừng nào: “Bác để tình yêu cho chúng con/ Một đời thanh bạch chẳng vàng son/ Cao cao áo vải hồn muôn trượng/ Hơn tượng đồng phơi những lối mòn”.

*“Đêm nay Bác không ngủ”- thơ Minh Huệ; “Bác ơi”- thơ Tố Hữu

PHƯƠNG NAM