Thúc đẩy việc triển khai chính sách phát triển toàn diện trẻ em

Cập nhật, 13:32, Thứ Tư, 07/03/2018 (GMT+7)

Theo TTXVN, ngày 6/3/2018, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội phối hợp với Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNICEF) tổ chức hội nghị về phát triển toàn diện trẻ em nhằm nâng cao nhận thức của các đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND về tầm quan trọng của vấn đề này trong hoạt động của cơ quan dân cử.

Các đại biểu chỉ rõ, phát triển toàn diện trẻ em là trách nhiệm chung của cha mẹ, người chăm sóc, gia đình và các nhà cung cấp dịch vụ từ nhiều lĩnh vực y tế, dinh dưỡng, giáo dục, bảo vệ trẻ em, nước sạch...

Nhiều ý kiến đánh giá, đầu tư vào phát triển trẻ em ngày càng được Đảng, Nhà nước quan tâm và Chính phủ đang hoàn thiện Đề án Quốc gia về phát triển toàn diện trẻ em giai đoạn 2018- 2025.

Mục tiêu của đề án trên là đảm bảo cho trẻ em từ 0-8 tuổi được phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ, tinh thần, đạo đức và mối quan hệ xã hội; được bình đẳng tiếp cận với các dịch vụ hỗ trợ phát triển toàn diện trong suốt vòng đời nhằm thực hiện các quyền của trẻ em, góp phần phát triển nguồn nhân lực quốc gia.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Ngô Thị Minh nhấn mạnh: Để thực hiện hiệu quả chương trình cần sự quan tâm, vào cuộc của các đại biểu dân cử trong việc tăng cường công tác giám sát nhằm bảo đảm chương trình được phân bổ đầy đủ ngân sách, đồng thời có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan.

Trong bài tham luận gửi tới hội nghị, ông Youssouf Abdel Jeli- Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam- nhận định: Quốc hội Việt Nam đóng vai trò quan trọng thúc đẩy thực hiện, kết nối các ban, ngành có liên quan trong việc triển khai chính sách phát triển toàn diện trẻ em.

Nếu không có cam kết mạnh mẽ của các bên liên quan trong việc ưu tiên đầu tư và thực hiện phát triển trẻ em toàn diện thì hậu quả trước mắt và lâu dài sẽ rất lớn, cụ thể từ sức khỏe, thể chất không bảo đảm ảnh hưởng đến tầm vóc, chất lượng giống nòi; chất lượng học tập không tốt dẫn tới thu nhập thấp, tỷ lệ thất nghiệp cao và gánh nặng trợ cấp xã hội…

Tất cả những điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển bền vững của quốc gia.

PV