Chủ động trước thiên tai ngày càng khó lường

Cập nhật, 05:32, Thứ Ba, 16/01/2018 (GMT+7)

Nắm chắc thông tin dự báo, cảnh báo sớm tình hình khí tượng, thủy văn và diễn biến mưa lũ, qua đó kịp thời thông tin, truyền tin cũng như chủ động kiểm tra, cập nhật các khu vực có nguy cơ.

Trên cơ sở đó tổ chức sơ tán, di dời, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của người dân khi có thiên tai. Nội dung trên được xem là một trong những bài học kinh nghiệm rút ra trong công tác phòng chống thiên tai năm qua và cần thiết duy trì trong thời gian tới.

Sạt lở gây nhiều thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp và đời sống. Trong ảnh: Khảo sát một điểm sạt lở ở xã An Bình (Long Hồ) được gia cố để ứng phó với triều cường.
Sạt lở gây nhiều thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp và đời sống. Trong ảnh: Khảo sát một điểm sạt lở ở xã An Bình (Long Hồ) được gia cố để ứng phó với triều cường.

Chủ động trước thiên tai ngày càng khó lường

Theo ông Lưu Nhuận- Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, năm 2017 có 16 cơn bão và 6 áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông, nhiều hơn 6 cơn bão so với năm 2016.

Thời tiết Vĩnh Long mưa trái mùa khá nhiều, xuất hiện 3 đợt mưa trái mùa diện rộng trong tháng 1, 2 và 4. Tổng lượng mưa mùa khô (4 tháng đầu năm 2017) tại các nơi trong tỉnh từ 50- 200mm, cao hơn từ 40- 80mm và nhiều hơn từ 1,5- 4,3 lần so với trung bình nhiều năm.

Tổng thiệt hại do thiên tai gây ra trong năm trên 43,9 tỷ đồng. Các loại thiên tai gây ảnh hưởng trực tiếp và thiệt hại đến Vĩnh Long là gió mạnh, lốc xoáy, mưa lớn, sạt lở bờ sông, hạn, triều cường.

Theo đó, thiên tai đã làm hư hỏng 363 căn nhà. Riêng trận lốc xoáy xảy ra ngày 10/9 đã gây thiệt hại nặng tại huyện Trà Ôn, ảnh hưởng đến 4 xã- thị trấn, có 57 căn nhà bị hư hỏng (2 căn nhà sập, 55 căn tốc mái) và thiệt hại về nhà khác là 6 căn.

Gần đây nhất là hoàn lưu cơn bão số 14 ngày (18/11) gây thiệt hại nặng tại huyện Tam Bình, ảnh hưởng đến 14 xã, làm 51 căn nhà hư hỏng. Nhiều diện tích lúa, rau màu, cây ăn trái bị đổ ngã, ảnh hưởng năng suất. Đáng lưu tâm là thiên tai cũng làm 2 người chết và 11 người bị thương.

Có thể nói bão số 16 cũng đã để lại bài học kinh nghiệm quý báu, là để ứng phó với cơn bão này, toàn tỉnh đã huy động lực lượng 13.219 người và 1.017 phương tiện trang thiết bị tham gia ứng trực.

Trong năm, tình trạng sạt lở bờ sông đã xảy ra 125 điểm trong nội đồng và sông chính, làm mất trên 11.822m bờ sông, kinh, rạch và các công trình đê bao, đường giao thông nông thôn. Diện tích đất bị mất là 35.468m2, có 859 hộ bị ảnh hưởng trực tiếp, trong đó có 34 hộ được xem xét bố trí di dời vào cụm- tuyến dân cư.

Sạt lở đã xảy ra ở tất cả các địa phương trong tỉnh. Đáng kể nhất là huyện Mang Thít với 15 điểm, ảnh hưởng 490 hộ dân, TX Bình Minh 16 điểm, 184 hộ dân và Trà Ôn 41 điểm với 175 hộ dân bị ảnh hưởng.

Ảnh hưởng của mưa lớn và triều cường rằm tháng 8 và tháng 10 âl đã gây thiệt hại về nông nghiệp, công trình thủy lợi, thủy sản, giao thông, ước tổng thiệt hại trên 6,1 tỷ đồng.

Cụ thể, nhà dân bị ngập 1.756 căn, QL và đường giao thông địa phương bị tràn trên 100km và sạt lở, hư hỏng trên 1.000m. Triều cường cũng gây tràn 145 đoạn bờ bao, 65 đập; 59 đoạn bờ bao, 21 đập bị sạt lở, bể, hư hỏng.

Diện tích hoa màu thiệt hại 21,52ha, cây trồng lâu năm bị thiệt hại 380,9ha, lúa Thu Đông thiệt hại 155ha, nuôi ao hồ nhỏ thiệt hại hoàn toàn trên 3,9ha. Ngập 2 trụ sở cơ quan, 9 chợ và 1 trạm y tế.

Lốc xoáy đã làm sập trần la phông tại một trường tiểu học, điều đáng nói là có phần lỗi trong khâu thiết kế xây dựng công trình.
Lốc xoáy đã làm sập trần la phông tại một trường tiểu học, điều đáng nói là có phần lỗi trong khâu thiết kế xây dựng công trình.

Đến nay, ngành chuyên môn đã hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai gây sập nhà tốc mái 4,5 tỷ đồng, khắc phục sạt lở trên 27 tỷ đồng. Các địa phương cũng đã tích cực thực hiện phương châm “4 tại chỗ” huy động lực lượng tổ chức khắc phục, kiểm kê hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống.

Công tác tuyên truyền vận động nhân dân phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai: Tổng số nhà được chằng chống là 3.565 căn. Phối hợp với các địa phương vận động và hỗ trợ các hộ dân di dời ra khỏi vùng sạt lở nguy hiểm được 90 hộ.

Triển khai thi công phục vụ phòng chống thiên tai 476 công trình với chiều dài nạo vét kinh, rạch, đắp bờ bao trên 241.000m. Tổng số diện tích đất nông nghiệp được khép kín thủy lợi toàn tỉnh tăng thêm 100ha (chủ yếu cây lâu năm) so với cuối năm 2016. Đến nay, toàn tỉnh có 110.600ha đất sản xuất nông nghiệp được khép kín thủy lợi.

Mới đây, chỉ đạo công tác phòng chống thiên tai trong năm 2018, ông Trần Hoàng Tựu- Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Ban Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh- lưu ý việc theo dõi thông tin diễn biến khí tượng thủy văn, phát huy hệ thống tin nhắn SMS chủ động thông tin tuyên truyền để dân biết, chủ động ứng phó.

Việc xây dựng công trình phải tính toán đủ sức phòng chống bão. Đối với hệ thống thủy lợi phải vận hành tốt đảm bảo an toàn sản xuất nông nghiệp, công trình thủy lợi đủ điều kiện phải khởi công ngay, nạo vét kinh nội đồng chống hạn, mặn vào mùa khô.

Bài, ảnh: LÊ SƠN