"Tô sắc" cho bức tranh phát triển kinh tế

Cập nhật, 13:25, Thứ Ba, 28/11/2017 (GMT+7)

Qua khảo sát, giám sát tại các huyện- thị, các đoàn giám sát tình hình thực hiện Nghị quyết (NQ) năm 2017 của Tỉnh ủy có thêm cái nhìn toàn cảnh về bức tranh phong phú trong thực hiện các chỉ tiêu kinh tế, nhất là về sản xuất công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp (CN- TTCN).

Vấn đề đặt ra là cần có sự thay đổi đột phá để vực dậy ngành kinh tế, nhất là phát triển doanh nghiệp (DN) ở các huyện- thị.

Đoàn giám sát của Tỉnh ủy khảo sát thực tế tại DNTN Phước Lộc Hải.
Đoàn giám sát của Tỉnh ủy khảo sát thực tế tại DNTN Phước Lộc Hải.

Mỗi nơi một sắc thái

Năm 2017, Huyện ủy Bình Tân đề ra 7/22 chỉ tiêu NQ liên quan đến kinh tế, nhưng có đến 4 chỉ tiêu không đạt, trong đó giá trị sản xuất CN- TTCN tuy tăng 2,9% so cùng kỳ nhưng chỉ đạt 98,9%.

Tại huyện Mang Thít, CN- TTCN có bước phát triển, ước cả năm thực hiện hơn 2.336 tỷ đồng, đạt 102% kế hoạch, tăng 11,5% so cùng kỳ.

Tuy nhiên, ngành may mặc giảm gần 31,3%, ngành đóng, sửa chữa tàu thủy- xà lan giảm hơn 12% do nhu cầu thị trường bão hòa; ngành gạch gốm tiếp tục gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn, thiếu nhân công và nguyên liệu.

Tại TX Bình Minh, thông qua các chủ trương và giải pháp về hỗ trợ để DN duy trì và mở rộng thêm ngành hàng, đã khuyến khích tạo điều kiện phát triển mới 79 cơ sở TTCN, tạo việc làm mới cho 147 lao động (LĐ), hiện thị xã có 774 cơ sở với hơn 3.700 LĐ, đã góp phần thực hiện giá trị sản xuất CN 931 tỷ đồng, tăng 11,1%, đạt gần 102% so NQ.

Tuy nhiên, tăng trưởng còn chậm, phần lớn các DN, cơ sở có quy mô nhỏ, công nghệ máy móc thiết bị lạc hậu, hiệu quả còn thấp, thiếu vốn.

Khảo sát thực tế tại Công ty TNHH Nhựa Thịnh Hòa (ấp Thuận Tiến B, xã Thuận An- TX Bình Minh), ông Vương Đắc Phúc- Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cho biết, hiện công ty có nhu cầu mở rộng mặt bằng nhưng mua đất không được mà đổi đất cũng không xong.

Việc tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi của ngân hàng vẫn còn nhiều khó khăn.

Nhà máy Chế biến thủy sản Cát Tường (ấp Thanh Thủy, xã An Phước- Mang Thít) thì gặp khó do Đường tỉnh 902 chưa được đầu tư hoàn thiện nên việc vận chuyển hàng hóa khá bất tiện. Bên cạnh, an ninh trật tự còn phức tạp, gây bất an trong công nhân.

Sau khi được Trung tâm Khuyến công tỉnh (Sở Công thương) hỗ trợ 160 triệu đồng, anh Trần Văn Hải- chủ DNTN Phước Lộc Hải (ấp Mỹ Thạnh B, Mỹ Thuận- Bình Tân) đã mạnh dạn đầu tư dây chuyền sản xuất gạch không nung (1 tỷ đồng).

Đây là một trong những mô hình được đánh giá cao vì hạn chế ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, anh Hải cho rằng “vẫn còn gặp khó ở khâu tiêu thụ, do người dân sử dụng chưa nhiều”.

Cần đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp

Theo ông Phạm Minh Thiện- Phó Giám đốc Sở Kế hoạch- Đầu tư tỉnh, huyện Bình Tân hiện có 123 DN, chiếm chưa tới 5% DN của tỉnh. Do đó, rất cần có sự quan tâm để phát triển các DN.

Dự kiến 1/1/2018, Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa sẽ có hiệu lực, Chính phủ có ban hành các nghị định hỗ trợ, tỉnh cũng ban hành cơ chế hỗ trợ thủ tục hành chính để đẩy mạnh phát triển DN. Về phía huyện, cần đẩy mạnh đô thị hóa và chuyển dịch cơ cấu các ngành dịch vụ.

Huyện Mang Thít, hiện có lợi thế về CN- TTCN nhưng cũng chỉ có 181 DN, chưa tới 7% DN của tỉnh. Ông Phạm Minh Thiện cho rằng, hiện nay muốn làm ăn có hiệu quả phải giữ vững thương hiệu, có thị trường tiêu thụ và phải xây dựng trên nền tảng của DN.

Như vậy, huyện cần rà soát các hộ kinh doanh cá thể có quy mô hoạt động theo loại hình DN thì vận động phát triển lên DN. Để khi tổ chức xúc tiến thương mại thì cần phải có DN đứng ra xúc tiến và ký kết hợp đồng.

Đối với TX Bình Minh, ông Phạm Minh Thiện cho rằng, cần đẩy nhanh tốc độ phát triển để có nền kinh tế vững chắc và làm đầu tàu thu hút các huyện khác phát triển theo.

Hiện, quy mô kinh tế thị xã tương đối thấp, giá trị sản xuất CN chỉ khoảng một nửa so nông nghiệp. Thị xã có địa thế và có cả khu công nghiệp, nên việc còn lại là cần thu hút DN đầu tư phát triển kinh tế theo hướng bền vững.

Hiện, thị xã có khoảng 6.800 cơ sở SX, hộ kinh doanh cá thể, có 237 DN còn hoạt động, chiếm 8- 9% số DN toàn tỉnh, như vậy là chưa xứng tầm với thị xã.

Thời gian tới, thị xã cần đẩy mạnh phát triển hộ kinh doanh cá thể lên DN vì từ ngày 1/1/2018 sẽ có chính sách miễn giảm thuế và các chính sách tiếp cận khác.

Do đó, thị xã cần có kế hoạch để phát triển DN, góp phần thực hiện chỉ tiêu chung của tỉnh là đến năm 2020 có 4.200 DN hoạt động.

Ông Lê Quang Trung- Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh- lưu ý các địa phương tập trung rà soát các chỉ tiêu chưa đạt, dồn sức thực hiện để đạt được chỉ tiêu cao nhất và làm cơ sở cho năm sau.

Theo đó, khi đặt chỉ tiêu NQ năm 2018 liên quan đến kinh tế, cần phù hợp với khả năng của địa phương. Bên cạnh, cần đi lên bằng đồng loạt các điều kiện sẵn có như CN-TTCN, thương mại- dịch vụ và nông nghiệp.

Trong đó, cần quan tâm tạo điều kiện nhất là về thu hút đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh và đi lên từ DN. Để làm tốt cần quan tâm cải cách hành chính, nâng cao nhận thức, thái độ phục vụ của cán bộ và nắm được các chính sách thu hút đầu tư của tỉnh.

Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI

TIN LIÊN QUAN