Phỏng vấn

Hỗ trợ đào tạo nghề cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự

Cập nhật, 05:45, Thứ Ba, 21/11/2017 (GMT+7)

Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội vừa ban hành Thông tư 43/2016/TT-BLĐTBXH hướng dẫn chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự (NVQS), nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện hoàn thành chương trình, dự án phát triển kinh tế- xã hội (KT- XH).

Để thông tin đến bạn đọc một số nội dung cụ thể của chính sách này, phóng viên Báo Vĩnh Long đã có cuộc trao đổi với ông Võ Văn Tám- Phó Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh.

* Xin ông cho biết thanh niên hoàn thành NVQS, nghĩa vụ công an hoặc chương trình, dự án phát triển KT- XH, nếu có nhu cầu học nghề cần đáp ứng điều kiện gì?

- Nếu thanh niên hoàn thành NVQS, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện hoàn thành chương trình, dự án phát triển KT- XH có nhu cầu học nghề thì phải đáp ứng được các điều kiện quy định tại Điều 15 Nghị định số 61/2015/NĐ-CP về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm cũng như Thông tư số 43/2016/TT-BLĐTBXH, hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề theo chương trình Quỹ quốc gia về việc làm.

Cụ thể, phải có nhu cầu học nghề trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày hoàn thành NVQS, nghĩa vụ công an và chương trình, dự án phát triển KT- XH; chưa được hỗ trợ đào tạo nghề từ các chính sách đào tạo nghề khác có sử dụng nguồn kinh phí của ngân sách nhà nước kể từ ngày hoàn thành NVQS, nghĩa vụ công an và chương trình, dự án phát triển KT- XH.

* Việc hỗ trợ chi phí cho học viên trong quá trình học được quy định ra sao?

- Thanh niên sau khi hoàn thành NVQS, nghĩa vụ công an hoặc chương trình, dự án phát triển KT- XH khi tham gia học nghề trình độ trung cấp, cao đẳng sẽ được hỗ trợ các chính sách như:

Được miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập theo quy định tại Nghị định số 86/2015/NĐ-CP- quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015- 2016 đến năm học 2020- 2021.

Được vay vốn để tham gia học nghề trình độ trung cấp, cao đẳng theo quy định của chính sách tín dụng đối với học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.

Đối với trường hợp có nhu cầu học nghề trình độ sơ cấp hoặc dưới 3 tháng thì được cấp thẻ đào tạo nghề (gọi tắt là thẻ) có giá trị tối đa bằng 12 tháng tiền lương cơ sở tại thời điểm đào tạo nghề và có giá trị sử dụng trong 1 năm kể từ ngày cấp.

Cụ thể, học viên sẽ được hỗ trợ chi phí đào tạo nghề theo quy định, được hỗ trợ tiền ăn là 30.000 đ/người/ngày thực học và tiền đi lại là 200.000 đ/người/khóa học nếu địa điểm đào tạo ở xa nơi cư trú từ 15km trở lên.

Trong đó, ưu tiên các nội dung chi hỗ trợ đào tạo trong giá trị tối đa của thẻ, giá trị còn lại của thẻ (nếu có) chi hỗ trợ tiền ăn và đi lại.

Trường hợp tổng chi hỗ trợ đào tạo và chi hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại vượt quá giá trị tối đa của thẻ thì học viên tự chi trả phần kinh phí chênh lệch cho cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

* Hồ sơ đăng ký học cần chuẩn bị các loại giấy tờ gì, thưa ông?

- Đối với trường hợp đăng ký học nghề trình độ sơ cấp qua thẻ thì trong thời hạn 1 năm kể từ ngày được cấp thẻ, thanh niên phải lựa chọn nghề và cơ sở giáo dục nghề nghiệp để nộp hồ sơ tuyển sinh kèm theo các giấy tờ: bản gốc thẻ đào tạo nghề trình độ sơ cấp; bản sao quyết định xuất ngũ đối với thanh niên hoàn thành NVQS, nghĩa vụ công an hoặc bản sao giấy chứng nhận tham gia hoạt động tình nguyện đối với thanh niên tình nguyện hoàn thành chương trình, dự án phát triển KT- XH; giấy cam kết chưa được hỗ trợ đào tạo nghề từ chính sách hỗ trợ đào tạo nghề khác có sử dụng nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước kể từ ngày hoàn thành NVQS, nghĩa vụ công an và dự án phát triển KT- XH (theo mẫu tại Phụ lục số 01 Thông tư 43/2016/TT-BLĐTBXH).

Ngoài ra, còn tùy theo yêu cầu quản lý học viên mà các cơ sở giáo dục nghề nghiệp sẽ yêu cầu người học bổ sung thêm hồ sơ để được tham dự khóa học nghề.

* Cảm ơn ông đã dành thời gian trao đổi cùng phóng viên!

PHẠM PHONG (thực hiện)