Phóng viên chia sẻ kinh nghiệm phỏng vấn

Cập nhật, 14:49, Thứ Sáu, 16/06/2017 (GMT+7)

 

Phóng viên trên đường tác nghiệp.
Phóng viên trên đường tác nghiệp.

Phỏng vấn là một thể loại báo chí và phỏng vấn cũng là một phương pháp thu thập thông tin. Muốn có bài viết hay, chi tiết đắt thì phải có nhân vật hay và những câu hỏi hay.

Tuy nhiên, vấn đề này không phải phóng viên nào cũng làm được, nhất là phóng viên trẻ. Để chia sẻ kinh nghiệm vấn đề này, Chi hội và Chi đoàn Báo Vĩnh Long đã phối hợp tổ chức buổi tọa đàm “Phỏng vấn và phương pháp phỏng vấn để có chi tiết đắt”.

Vui buồn phỏng vấn

Nhà báo Thế Quân nói về bài báo mới đăng “cái rụp” của mình: “Bài này tôi đã liên hệ sở x., phòng y. từ hồi tháng 4 giờ mới được trả lời”.

Từ khi có quy định về người phát ngôn thì mỗi cơ quan, ban ngành cử một người phát ngôn. Tuy nhiên, đối với những vấn đề nhạy cảm thì một số người phát ngôn lại né tránh không muốn gặp báo chí.

Có những vấn đề bình thường nhưng đôi khi người phát ngôn không nắm vững nên cũng… không muốn phát ngôn.

Là phóng viên chuyên về vấn đề trả lời các khiếu nại, khiếu kiện của công dân, Phạm Phong đôi lúc không tránh khỏi nhức đầu vì chuyện “nhường qua, nhường lại” của những người phát ngôn.

Phong chia sẻ: Khi bạn đọc phản ánh, mình liên hệ thì trưởng đơn vị giao quyền phát ngôn cho cấp phó, cấp phó không nắm rõ mảng này nên đề nghị trưởng phòng chuyên môn rồi trưởng phòng lại không muốn phát ngôn vì “tôi không phải người phát ngôn”.

Đối với những đối tượng phỏng vấn như anh xe ôm, cô bán rau hay bác nông dân… phóng viên Báo Vĩnh Long khi quay video clip cũng lắm khó khăn.

Phóng viên Trần Ngọc đã mấy phen phỏng vấn hụt: “Nhớ lần quay clip bình ổn giá cuối năm, tôi phỏng vấn mấy cô bán rau ngoài chợ. Khi mình hỏi thăm thì cô nói trôi chải lắm nhưng khi đặt máy quay đưa micro thì cô e ngại nên không nói được”.

Em Phương Thúy đang tập sự nghề báo cũng không giấu khó khăn: “Khi gặp những em thiếu nhi quá nhỏ em không biết phỏng vấn sao cho phù hợp, bởi hỏi thì các em chỉ biết trả lời có hoặc không thôi?”

Bài viết muốn hay thì sau quá trình phỏng vấn còn phải chọn lọc thông tin đắt, tuy nhiên muốn làm được điều này đòi hỏi phóng viên nhiều kỹ năng. Nhà báo Cao Huyền còn nhớ mấy năm trước đây, phỏng vấn một giáo viên và có xin phép ghi âm.

“Khi bài đăng lên thì giáo viên này trách “sao em dùng chi chữ “sát sườn” nghe kỳ quá, tôi đâu có nói từ đó”. Trong khi, đoạn ghi âm tôi còn giữ và có ít nhất 2 lần chữ “sát sườn”!

 Báo Vĩnh Long tổ chức tọa đàm giúp phóng viên chia sẻ kinh nghiệm. ảnh: DƯƠNG THU
Báo Vĩnh Long tổ chức tọa đàm giúp phóng viên chia sẻ kinh nghiệm. ảnh: DƯƠNG THU

Và những bài học quí

Nhà báo Nguyễn Hữu Khánh, Phó tổng biên tập Báo Vĩnh Long rất tâm đắc với việc đi phỏng vấn và chọn lọc thông tin: “ Văn nói và văn viết khác nhau nên khi lên mặt báo phải trau chuốt câu chữ, chuyển thể nói sang thể viết cho bạn đọc dễ hiểu”.

Là người có nhiều bài phỏng vấn hay, nhà báo Trần Phước cho rằng: Trước khi đi phỏng vấn, phóng viên phải tìm hiểu kỹ về vấn đề mình cần hỏi, hiểu về đối tượng mình phỏng vấn để “tránh bị động và làm mất niềm tin của người được phỏng vấn”.

Để bài phỏng vấn không khô khan nên gặp trực tiếp nhân vật thay vì hỏi và trả lời qua mail. Phóng viên phải tạo bầu không khí vui vẻ cho buổi phỏng vấn nhưng không nên đi quá xa vấn đề.

Nhà báo Hà Ngọc Trảng thì cho rằng: “Phỏng vấn anh nông dân hỏi khác, em thiếu nhi hỏi khác và khi xử lý thông tin chọn từ ngữ cho nhân vật cũng phải khác, mỗi đối tượng có nhóm từ riêng và những cái riêng đó làm cho bài viết trở nên hấp dẫn hơn”.

Ông Nguyễn Hữu Khánh cũng nhấn mạnh: Phóng viên đi vào phỏng vấn nhẹ nhàng gần gũi để người được phỏng vấn không có cảm giác khó chịu.

Muốn bài phỏng vấn hay thì câu hỏi phải hay, mà câu hỏi đã hay thì sẽ có câu trả lời hay. Hơn nữa, phóng viên phải có mối quan hệ tốt với cơ sở. Mối quan hệ tốt là để nắm bắt tình hình cơ sở chứ không phải thân thiết đến mức khi gặp vấn đề tiêu cực thì không dám phản ánh.

 

Tổng biên tập Báo Vĩnh Long- Phạm Hoàng Khải

 

Muốn làm được bài phỏng vấn tốt, phóng viên cần vững nghiệp vụ, nắm pháp lý và vững nhiều kỹ năng cơ bản của nhà báo: khiêm tốn, thân thiện, cầu thị, văn hóa, văn minh. Một bài phỏng vấn hay sẽ giúp tờ báo thu hút  độc giả, nâng cao chất lượng tờ báo.


Bài, ảnh: CHI ĐOÀN