Cần đưa nợ công về một đầu mối để thống nhất quản lý

Cập nhật, 20:10, Thứ Sáu, 16/06/2017 (GMT+7)

Ngày 16/6/2017, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi).

Trong phiên thảo luận, đại biểu đề nghị cần đưa nợ công về một đầu mối để thống nhất quản lý và cũng phù hợp với Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị là rà soát, sắp xếp lại nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị gắn trách nhiệm quyết định chi, quyết định vay với trách nhiệm quản lý ngân sách và trách nhiệm trả nợ.

Ngoài ra, đại biểu đề nghị không tính vào nợ công các khoản nợ do Ngân hàng nhà nước Việt Nam phát hành để thực hiện chính sách tiền tệ, nợ tự vay tự trả của doanh nghiệp nhà nước, của đơn vị sự nghiệp công lập, vì nếu quy định nợ của doanh nghiệp nhà nước, đơn vị sự nghiệp thuộc phạm vi nợ công sẽ dẫn đến gia tăng nghĩa vụ trả nợ rất lớn, ảnh hưởng đến an ninh tài chính quốc gia.

Đại biểu đề nghị cần quy định chặt chẽ để giám sát việc doanh nghiệp nhà nước vay nợ, nguồn trả nợ và phương thức trả nợ để không ảnh hưởng đến uy tín quốc gia.

Song song đó, việc đi vay về cho vay lại và bảo lãnh vay tuy khác nhau về hình thức nhưng về bản chất thì không khác nhau, người đi vay hoặc người được bảo lãnh không trả được nợ thì Chính phủ đều phải trả thay.

Vì thế, đề nghị rà soát lại các quy định để đảm bảo về quy định bảo lãnh vay để quản lý chặt chẽ khoản vay về cho vay lại. Đồng thời hạn mức bảo lãnh hàng năm các dự án quan trọng được bảo lãnh cũng phải do Quốc hội quyết định giống như khoản vay về cho vay lại.

Đại biểu cũng đề nghị giao nhiệm vụ cho ngân hàng là người quản lý vốn vay về cho vay lại và cũng là người chịu trách nhiệm và đứng ra bảo lãnh cho vốn vay.

Nếu như những khoản vay này không trả được hoặc người nhận bảo lãnh không trả được tiền vay thì ngân hàng phải sử dụng quỹ dự phòng rủi ro của ngân hàng để trả nợ thay, và đây là một nhiệm vụ thông thường và đúng với chức năng của ngân hàng đang hoạt động.

TÂM- THI