Cần quyết liệt ngăn chặn việc sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông

Cập nhật, 08:14, Thứ Tư, 14/12/2016 (GMT+7)

Hiện nay, ở Việt Nam đã có rất nhiều vụ TNGT liên quan đến rượu bia. Rượu, bia tác động tới hệ thần kinh trung ương, kích thích tâm lý và gây cảm giác buồn ngủ, mệt mỏi.

Nó làm cho thời gian phản ứng của lái xe chậm lại, quá trình suy nghĩ của họ thiếu sáng suốt, giảm khả năng tập trung khi lái xe và còn gây tác dụng phụ như mờ mắt và nặng tai... làm gia tăng nguy cơ mất ATGT.

 Cảnh sát giao thông TP Vĩnh Long thường xuyên kiểm tra xử lý nồng độ cồn.
Cảnh sát giao thông TP Vĩnh Long thường xuyên kiểm tra xử lý nồng độ cồn.

Qua thống kê tại các bệnh viện cho thấy, 40% số vụ TNGT có liên quan đến rượu, bia và 11% số người chết do tai nạn liên quan rượu, bia. Tỷ lệ này trong dịp tết có thể tăng lên tới 80%.

Theo điều tra 3.774 bệnh nhân bị TNGT tại các bệnh viện cho thấy, 67,5% bệnh nhân bị TNGT có nồng độ cồn trong máu, trong đó: 58,5% vượt quá giới hạn 50 mg/100ml máu; về giới tính 95% là nam giới; về độ tuổi từ 24- 44 tuổi, nam chiếm 33,5%, nữ chiếm 8,5%; thời gian xảy ra tai nạn có liên quan đến rượu, bia từ 19 giờ 30 phút đến 23 giờ 30 phút chiếm 38,4%; về phương tiện 82,8% là do xe máy gây ra.

Qua đó cho thấy, nhận thức của người tham gia giao thông còn nhiều hạn chế, ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của người tham gia giao thông chưa cao, thêm vào đó là văn hóa, thói quen sử dụng rượu, bia của người dân trong giao tiếp và sinh hoạt.

Và có thể thấy quy định của pháp luật về việc xử lý vi phạm đối với TNGT do người tham gia giao thông có sử dụng rượu, bia chưa hiệu quả, chưa thật sự đủ tính răn đe.

Quy định của pháp luật về nồng độ cồn

Luật Giao thông đường bộ Việt Nam năm 2008 nghiêm cấm: “Điều khiển ôtô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Điều khiển môtô, xe gắn máy mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50 mg/100ml máu hoặc 0,25 mg/1 lít khí thở”.

Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định mức xử phạt vi phạm hành chính đối với người điều khiển ôtô (điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 mg/100ml máu hoặc chưa vượt quá 0,25 mg/1 lít khí thở; điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50- 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,25- 0,4 mg/1 lít khí thở; điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/1 lít khí thở).

Người điều khiển môtô (điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50- 80 mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,25- 0,4 mg/1 lít khí thở; điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/1 lít khí thở).

Nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy ngay cả khi nồng độ cồn trong máu (BAC) của người điều khiển phương tiện giao thông chỉ có từ 0,2- 0,4 mg/ml cũng có khả năng bị xảy ra tai nạn gấp 1,4 lần những người hoàn toàn không uống.

Những người điều khiển phương tiện giao thông với BAC trên 0,5 mg/ml có khả năng bị tai nạn gây tử vong nhiều hơn so với những người lái xe không uống rượu.

Vụ TNGT xảy ra tại ấp Phú Điền (xã Hiếu Thuận- Vũng Liêm), trên Đường tỉnh 906 do người điều khiển môtô đã sử dụng rượu, bia không làm chủ tay lái lấn sang lề trái va chạm 2 môtô ngược chiều, làm người điều khiển môtô đã sử dụng rượu, bia tử vong tại hiện trường.
Vụ TNGT xảy ra tại ấp Phú Điền (xã Hiếu Thuận- Vũng Liêm), trên Đường tỉnh 906 do người điều khiển môtô đã sử dụng rượu, bia không làm chủ tay lái lấn sang lề trái va chạm 2 môtô ngược chiều, làm người điều khiển môtô đã sử dụng rượu, bia tử vong tại hiện trường.

Một số giải pháp

Hiện nay, việc xử phạt người lái xe uống rượu, bia đã được các lực lượng chức năng quan tâm thực hiện như phạt tiền, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe, tạm giữ phương tiện nhằm tạo tính răn đe.

Song, tình hình vi phạm nồng độ cồn vẫn còn phổ biến. Theo thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ- Công an tỉnh Vĩnh Long từ ngày 16/11/2015- 15/11/2016 lực lượng cảnh sát giao thông toàn tỉnh đã kiểm tra, xử lý 3.300 trường hợp người điều khiển xe cơ giới vi phạm nồng độ cồn trong đó người điều khiển môtô, xe gắn máy vi phạm 3.269 trường hợp, chiếm 99,06%.

Vì vậy, cần tổ chức tuyên truyền sâu rộng để người dân hiểu được tác hại, ảnh hưởng của rượu, bia khi điều khiển phương tiện giao thông; hiểu rõ được tính nguy hiểm của việc điều khiển phương tiện giao thông trong khi nồng độ cồn trong máu vượt quá mức cho phép.

Đồng thời, cơ quan chức năng cũng nên tuyên truyền mức xử phạt đối với những vi phạm nhằm tạo ra sự chuyển biến về nhận thức trong cộng đồng. Ðối với những người ngồi trên xe có trách nhiệm nhắc nhở cũng như phản đối những người điều khiển phương tiện đã sử dụng rượu, bia.

Cần có sự phối hợp giữa chính quyền, dòng họ và gia đình hạn chế sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông. Để công tác tuyên truyền đạt hiệu quả cao nhất cần phải chú trọng cả nội dung và hình thức. Hình thức tuyên truyền cần phải đa dạng, hấp dẫn, phong phú.

Cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, xử lý người điều khiển xe cơ giới vi phạm nồng độ cồn, tuyên truyền những thiệt hại về kinh tế họ phải gánh chịu khi vi phạm nồng độ cồn, để tạo sự chuyển biến về nhận thức lẫn hành vi...

Bài, ảnh: MINH TRUNG- ĐÔNG BÌNH