Tăng cường các giải pháp cấp bách bảo đảm an toàn đường thủy nội địa

Cập nhật, 13:38, Thứ Tư, 27/07/2016 (GMT+7)

Quán triệt Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 5/7/2016 về việc tăng cường các giải pháp cấp bách nhằm bảo đảm trật tự ATGT đường thủy nội địa trong tình hình mới và Công văn của Ủy ban ATGT quốc gia, Ban ATGT tỉnh xây dựng kế hoạch thực hiện các công tác đảm bảo trật tự ATGT trên đường thủy nội địa.

Các phương tiện chở quá tải cần xử lý nghiêm để đảm bảo ATGT trên đường thủy nội địa.
Các phương tiện chở quá tải cần xử lý nghiêm để đảm bảo ATGT trên đường thủy nội địa.

Sở GTVT: Tổng điều tra phương tiện thủy nội địa, thuyền viên, người lái, đơn vị kinh doanh vận tải thủy để làm căn cứ triển khai công tác đăng ký, quản lý, kiểm tra an toàn kỹ thuật phương tiện thủy. Đào tạo cấp giấy chứng nhận chuyên môn; quản lý hoạt động kinh doanh và điều kiện kinh doanh theo đúng quy định.

Chỉ đạo các lực lượng chức năng phối hợp với công an tổ chức tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Tập trung xử lý một số hành vi nguy hiểm như chở quá tải trọng, quá số người quy định và không có phương tiện cứu sinh; thuyền viên, người lái không có bằng, chứng chỉ chuyên môn

Bến thủy nội địa, bến cảng, các công trình khác trên sông không đủ điều kiện an toàn, không phép... kiên quyết đình chỉ hoạt động.

Tổ chức kiểm tra các công trình, biển báo, phao tiêu, luồng lạch để kịp thời sửa chữa, nạo vét luồng... Kiểm tra điều kiện an toàn kỹ thuật, vệ sinh môi trường đối với tàu chở khách, tàu du lịch, nhà hàng nổi, khách sạn nổi...

Công an tỉnh: Chỉ đạo các lực lượng chức năng phối hợp với các ngành chức năng của Sở GTVT tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm trật tự ATGT trên đường thủy nội địa. Xử lý nghiêm các hành vi chở quá tải, quá số người quy định, phương tiện không đăng ký, đăng kiểm, thuyền viên, người lái không bằng, chứng chỉ chuyên môn...

Bên cạnh đó cần phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể nâng cao công tác tuyên truyền, đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền pháp luật về trật tự ATGT đường thủy nội địa.

Tiếp tục chỉ đạo thực hiện Cuộc vận động xây dựng phong trào văn hóa giao thông với bình yên sông nước giai đoạn 2016- 2020.

Tăng cường công tác xây dựng phong trào Toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc, quần chúng tích cực tham gia phòng chống tội phạm trên đường thủy và các hành vi vi phạm về trật tự ATGT đường thủy...

Các sở, ban, ngành: Tùy theo lĩnh vực quản lý, cần phối hợp chặt chẽ với công an và Sở GTVT tổ chức kiểm tra quản lý như thi công các công trình trên sông, khai thác cát sỏi, khoáng sản trên sông.

Xử lý nghiêm các đơn vị khai thác cát sỏi sai vị trí, các điểm gần khu vực cầu đường bộ, các công trình đường thủy...

UBND các huyện- thị- thành: Phối hợp với cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông, các cơ quan liên quan tăng cường công tác quản lý, kiểm tra hoạt động bến khách ngang sông trên địa bàn; kiên quyết đình chỉ hoạt động nếu vi phạm nghiêm trọng các quy định về an toàn.

Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền các quy phạm pháp luật về trật tự ATGT trên đường thủy nội địa cho nhân dân...

Chủ tịch UBND cấp xã phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tai nạn đối với vận tải hành khách ngang sông trên địa bàn quản lý.

Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông đường thủy nội địa trên hệ thống thông tin đại chúng và thông tin cơ sở cho người dân bằng các hình thức sát thực, phù hợp với từng đối tượng.

Phát động phong trào văn hóa giao thông và thi đua trong các lực lượng thực thi công vụ trên đường thủy nội địa như cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông, cảng vụ, đăng kiểm…

Xây dựng hình ảnh người thực thi công vụ đúng mực, có văn hóa khi xử lý công việc và tiếp xúc với dân.

Phối hợp các cơ quan chức năng tăng cường thanh tra công vụ, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định trong thực thi công vụ, đặc biệt là những trường hợp tiếp tay, bao che, dung túng các sai phạm, gây hậu quả nghiêm trọng...

HẠNH UYÊN